Prices / Mô hình kinh tế

Hồi Sinh Cây Trái Cù Lao Minh (Vĩnh Long)

Hồi Sinh Cây Trái Cù Lao Minh (Vĩnh Long)
Author: 
Publish date: Friday. June 21st, 2013

Cù lao Minh thuộc huyện Long Hồ (Vĩnh Long), nổi tiếng với bạt ngàn vườn cây ăn trái. Đặc biệt là 2 loại cây “chủ lực”: chôm chôm và nhãn. Sau này, có thêm cây chanh tàu cũng đã từng cho thu nhập khá cao.

Trái cây ở cù lao Minh có thời gian dài thăng trầm rớt giá, dịch bệnh tàn phá làm nhà vườn mất ăn, mất ngủ; đốn bỏ, rồi trồng lại cây khác. Nhưng giờ đây, vườn cây trái ở xứ cù lao đang dần hồi sinh.

Thăng trầm cây trái cù lao

Khi nói đến cù lao Minh, hầu như ai cũng liên tưởng đến những vườn chôm chôm đến mùa thu hoạch trái rực đỏ cả một vùng hay vườn nhãn chín “phả” hương thơm ngọt cả vùng.

Khoảng 20 năm trước, chôm chôm đứng “top” đầu cây có hiệu quả kinh tế. Bác Út (An Bình) nhớ lại thời hoàng kim: “Hồi trước, đến mùa là cả một vùng màu đỏ rực chôm chôm chín, đẹp lắm. Chôm chôm năng suất cao trúng mùa trên 2 tấn/công, giá cả ổn định nên dễ làm giàu. Gia đình có vài công chôm chôm, coi như cầm chắc có vàng cây trong nhà. Cuộc sống người dân rất thoải mái và kinh tế - xã hội phát triển cũng nhờ cái giống cây này”.

Theo các lão nông ở đây, cây chôm chôm “làm mưa, làm gió” được vài năm thì xuống “ngôi”, nhường lại cho cây nhãn. Thời đó nhà vườn ồ ạt đốn bỏ chôm chôm trồng nhãn long.

Bác Ba Ngởi nhấp ngụm trà quạu, rồi chỉ tay ra cây nhãn long cổ thụ bằng 4 giáp tay còn sót lại ở góc vườn, chậm rãi kể: “Hồi trước, nhãn long giống quý lắm, giá rất cao. Người dân chỉ mua vài nhánh trồng ở trước cửa nhà để dễ giữ và sau này chiết nhân giống trồng ra vườn. Nhãn long mỗi năm cho trái 2 vụ. Khi trên cây thoang thoảng mùi trái chín, người dân mua giỏ đệm bọc lại từng chùm sợ dơi, chuột ăn. Thời điểm đó, bán nhãn trái tiền thấy mà bắt ham, một ký nhãn mua gần được 2 giạ lúa. Gia đình có nhãn long đến mùa thì tiền rủng rỉnh trong túi, sắm sửa tiện nghi trong nhà rất dạn tay”.

Cây nhãn long cũng không “ngự trị” được bao lâu, vì bị cây nhãn da bò (còn gọi là nhãn Huế) hạ bệ. Cây nhãn da bò rất thích hợp với đất cù lao, mau lớn và có giá trị cao. Trong một thời gian ngắn, cây nhãn da bò hầu như “phủ sóng” khắp cù lao.

Chú Hai Thành (Hòa Ninh) cười sảng khoái, nhắc lại: “Cây nhãn da bò như là một kỷ niệm. Mới đầu, gia đình mua được 10 cây nhãn, giá 10 ngàn đồng/cây, gần 1 chỉ vàng 24K lúc đó đem về trồng, rồi nhân giống ra và bán giống cũng hốt được mớ tiền. Đến mùa nhãn chín, thương lái tranh nhau đến đặt cọc, giá rất cao, chỉ cần một vụ là gia đình sẽ đổi đời. Ở dưới sông ghe đặt máy 2, máy 3 chạy xé nước, hao dầu như “Tây uống bia” cũng chẳng thấm tháp gì. Thời điểm đó, chợ nổi Vàm kinh Mương Lộ ghe xuồng buôn bán nhãn đậu kín khúc sông, vui lắm! Năm 1997, cưới vợ cho thằng út, chỉ 1 tấn nhãn da bò 25 triệu đồng, tương đương 5 lượng vàng mà vẫn còn… dư chút đỉnh”.

Vài năm trở lại đây, cây nhãn da bò bị dịch bệnh chổi rồng tàn phá, suy kiệt chết dần và cây chanh tàu nổi lên như vị cứu tinh cho người dân cù lao Minh. Tuy nhiên, cây chanh tàu “đứng” không bao lâu, rồi cũng cùng chung số phận với cây chôm chôm, cây nhãn, theo điệp khúc trúng mùa rớt giá, dịch bệnh và quy luật trồng - chặt cũng không tránh khỏi.

Xứ vườn “hồi sinh”

Sau những thăng trầm, lao đao, cây trái ở cù lao Minh đang có dấu hiệu hồi sinh. Ngay đầu năm 2013, giá chôm chôm cao ngất ngưởng, gần 30.000 đ/kg. Anh Sáu Giáp (Hòa Ninh) có 5 công chôm chôm thu hoạch trên 5 tấn trái nghịch mùa, thu về hơn 150 triệu đồng khỏe re.

Gặp chúng tôi, Sáu Giáp cười tươi rói: “Trước đây, người dân hầu như cho chôm chôm ra trái theo mùa, nên dội chợ, giá thấp. Bây giờ, đa phần chủ vườn chôm chôm áp dụng kỹ thuật “đậy mủ” (màng phủ nông nghiệp), cho trái rải vụ, thu được lợi nhiều hơn”.

Dạo quanh 4 xã cù lao, ở chỗ nào cũng gặp người dân áp dụng kỹ thuật đậy mủ, cho trái nghịch mùa. Theo nhà vườn thì chôm chôm đậy mủ khá dễ, khoảng 1- 2 tháng là ra hoa, chi phí trung bình 1 triệu đồng/công sử dụng được 3 vụ.

Gần đây, một số vườn chôm chôm có địa điểm thuận tiện, chủ vườn cho khách du lịch vào tham quan bán… trái cây bụng, góp phần tăng thêm thu nhập. Hiện ở 4 xã cù lao, có trên 20 điểm vườn cho khách vào bán trái cây bụng như thế.

Nhà vườn trồng nhãn da bò, nhờ được hỗ trợ thuốc phun phòng trừ bệnh chổi rồng và vườn nhãn cũng bắt đầu hồi phục cho trái. Theo anh Huỳnh Văn Tám (Hòa Ninh): Nếu áp dụng đúng theo kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp chỉ dẫn, thì dịch bệnh chổi rồng giảm trên 70%. Một điều phấn khởi nữa, giá nhãn gần đây cũng ổn định ở mức chấp nhận được là không dưới 8.000 đ/kg, có thời điểm tăng lên gần 20.000 đ/kg và với giá cả như thế nhà vườn trồng nhãn có thể “sống được”.

Cây chanh tàu cũng đang trên đà tìm lại chính mình, giá cả cũng khá ổn định. Nếu vào mùa mưa trước đây, trái không bán được, nhà vườn hái bỏ thì vài năm trở đây thương lái đến tận vườn mua với giá từ 3.000 - 5.000 đ/kg.

Đây là tín hiệu đáng mừng cho người dân trồng chanh tàu và họ bắt đầu khôi phục lại vườn chanh của mình. Một số người còn mạnh dạn đốn bỏ cây tạp, để trồng chanh tàu.

Giờ đây về cù lao Minh không còn cảm nhận cảnh “người buồn, cây có vui đâu bao giờ”. Người dân bắt đầu phục hồi vườn cây của mình và những vườn cây mới lên xanh tốt, lại nhen thêm niềm hy vọng tốt đẹp nhất về “trái cây cù lao”.

Theo người dân ở cù lao Minh, cây chôm chôm, nhãn da bò và chanh tàu vẫn là cây chủ lực, phù hợp với vùng đất cù lao. Người dân chỉ đốn những cây già cỗi, thay thế trồng cây con mới nhằm nâng năng suất cao hơn.


Related news

Kỹ Thuật Trồng Nấm Kim Châm Kỹ Thuật Trồng Nấm Kim Châm

Nấm kim châm còn có tên gọi khác là nấm giá vì chúng mọc thành từng cụm đều nhau, có hình giá đậu nhưng với kích thước lớn hơn và trên đầu cây nấm có mũ...

Friday. June 21st, 2013
Nuôi Cá Hồi Thiệt Hại Nặng Sau Lũ Quét Bản Khoang Nuôi Cá Hồi Thiệt Hại Nặng Sau Lũ Quét Bản Khoang

Do suy giảm nguồn cung nên cá hồi tại thị trấn Sa Pa tăng giá khoảng 40-50 nghìn đồng/kg. Nguyên nhân là do hai cơ sở nuôi và cung ứng cá hồi, cá tầm lớn nhất ở Sa Pa bị thiệt hại nặng trong trận lũ quét vừa qua.

Friday. June 21st, 2013
Đưa Hoạt Động Nuôi Chim Yến Vào Khuôn Khổ Đưa Hoạt Động Nuôi Chim Yến Vào Khuôn Khổ

Kinh nghiệm các nước trong khu vực, địa phương có cơ sở nuôi chim yến và các doanh nghiệp cho thấy cần thiết có quy hoạch để phát triển bền vững đồng thời đảm bảo an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh.

Friday. June 21st, 2013