Hồi hộp với tôm hùm xanh ở biển Vân
Trên chiếc xuồng cao tốc tiến về khu Áng Gội, anh Nguyễn Triều Dương, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nuôi trồng phát triển thuỷ sản Trường Giang (HTX Trường Giang) hồ hởi khoe với chúng tôi về tính khả thi của dự án này. Anh cho biết, đây là dự án theo hình thức hợp tác kinh doanh giữa ba đơn vị gồm: Công ty CP Xây dựng và Phát triển hạ tầng Quảng Ninh góp vốn 200 triệu đồng; Tỉnh Đoàn có nhiệm vụ kết nối các đơn vị, tuyên truyền, cử các đoàn viên thanh niên, hội viên tham gia thực hiện dự án, vay vốn… HTX Trường Giang góp vốn 200 triệu đồng, cơ sở vật chất như (nhà bè, phao, dụng cụ nuôi trồng…); cung cấp địa điểm nuôi, cán bộ kỹ thuật, chăm sóc trong thời gian thực hiện dự án, liên hệ con giống, đầu tư lồng bè…
Khu thực hiện dự án nằm cách xa đất liền, nơi vùng nước sạch và lưu thông tốt, đáy biển có cát, ít tàu thuyền qua lại, đảm bảo môi trường nước tốt nhất cho vật nuôi. Anh Dương cho biết: Giống tôm này không có sẵn như các loài thuỷ sản khác nên anh đã phải lặn lội vào tận Phú Yên để mua và vận chuyển về Vân Đồn bằng đường hàng không. Dù đã có kinh nghiệm nhiều năm làm nghề nuôi trồng thuỷ sản song lần đầu đi mua tôm giống anh vẫn thấy run, số tôm giống trị giá cả trăm triệu đồng chỉ nằm gọn trong cái hộp xốp be bé, sơ sẩy một chút là hỏng hết.
Giá tôm hùm xanh giống khá cao (thời điểm hiện tại khoảng 50.000 đồng/con), đòi hỏi người nuôi tôm phải rất cẩn thận nếu không có thể mất trắng. Sau khi vận chuyển về để tránh bị sốc nhiệt người nuôi không được thả ngay vào lồng mà phải trải qua một quy trình nghiêm ngặt để tạo sự thích nghi từ từ. Lồng nuôi tôm cũng có những quy chuẩn riêng như khung quấn nhựa xung quanh để tăng độ bền và tránh hà, hàu bám... Hiện số tôm hùm được anh Dương lấy về để nuôi thử nghiệm khoảng trên 800 con. Một ngày tôm được cho ăn 2 lần vào sáng sớm và chiều tối, thức ăn chủ yếu là hàu tươi, cá, cua ghẹ bé băm nhỏ. Việc cho tôm ăn cũng phải được chú ý để đảm bảo tốc độ sinh trưởng.
Anh Dương cho biết thêm: Nếu chăm sóc hợp lý, đúng kỹ thuật, điều kiện tự nhiên thuận lợi thì giống tôm hùm xanh chỉ cần nuôi khoảng 10 tháng là thu hoạch được, trung bình nặng từ 3-4 lạng/con. Giá tôm hùm xanh hiện nay trên thị trường khoảng 1 triệu đồng/kg thì giá trị kinh tế mà loại thuỷ sản này mang lại quả thật không hề nhỏ. Dự án hiện đang được đánh giá là rất khả thi khi chỉ sau hơn 1 tháng thả tôm giống, số lượng tôm đều sống và phát triển khá tốt, mỗi con đã đạt kích thước gấp 2 lần so với ban đầu.
Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh chưa có đơn vị nào nuôi loại tôm hùm này, việc nuôi loại tôm có giá trị kinh tế cao này nếu thành công sẽ mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thuỷ sản ở Vân Đồn và có thể nhân rộng ra nhiều địa phương khác trong tỉnh.
Related news
* Đưa vào hoạt động thêm 144 ô vựa chuyên doanh thủy hải sản
Đến Hòn Chuối, Hòn Tre, Thổ Chu… những điểm đảo thuộc vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, khách không khỏi thích thú ngắm nhìn những lồng bè nuôi cá bóp lênh đênh trên biển cả, những mái chòi canh xác xơ vì gió biển. Nhìn có vẻ "tiêu điều" nhưng đó lại là bệ phóng giúp ngư dân làm giàu và níu chân họ gắn bó với vùng biển Tây Nam.
Chiều 2/7, tại xã Xuân Phương (TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên), Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) chi nhánh Phú Yên phối hợp với Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT) tổ chức hội thảo phòng chống dịch bệnh nuôi tôm hùm và chia sẻ giải pháp tài chính từ Kienlongbank. Hơn 50 người dân đại diện cho các hộ nuôi tôm hùm ở xã Xuân Phương và các xã, phường lân cận đến dự.