Hội Chăn Nuôi Lợn Sạch Ở Tân Yên
Xác định chăn nuôi lợn là thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, huyện Tân Yên (Bắc Giang) vừa thành lập Hội Chăn nuôi lợn sạch nhằm liên kết người sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm, phát triển chăn nuôi bền vững.
Vùng nguyên liệu tiềm năng
Gia đình ông Hoàng Văn Bay, thôn Hậu là một trong những hộ có quy mô chăn nuôi lớn ở xã Liên Chung. Trên diện tích hơn 1 ha, ông xây dựng 3 dãy chuồng nuôi lợn nái ngoại, lợn thịt và lợn sữa, còn lại đào ao thả cá. Các chuồng đều có hệ thống quạt hút gió, giàn làm mát vào mùa hè. Mùa đông có hệ thống đèn thắp bằng khí biogas để sưởi ấm cho lợn. Với 50 con lợn nái siêu nạc, toàn bộ lợn con sinh ra được giữ lại để nuôi thương phẩm.
Ông Bay cho biết: “Chủ động được nguồn giống không những hạn chế được tình trạng mua phải giống kém chất lượng, mà còn giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả. Thời điểm này giá thịt lợn trên thị trường đạt 50 nghìn đồng/kg hơi, lãi khoảng một triệu đồng/con 100 kg, cao hơn 200 - 300 nghìn đồng/con so với hộ phải mua giống để nuôi”.
Ngoài ra, để tận dụng chất thải chăn nuôi, ông xây hầm biogas xử lý bằng công nghệ phủ bạt dung tích hơn 1.000 m3. Từ trang trại chăn nuôi, mỗi năm gia đình ông lãi 500 - 600 triệu đồng. “Nhiều thời điểm giá lợn xuống thấp, đa phần hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bị thua lỗ nhưng trang trại vẫn có lãi” - ông Bay cho biết thêm.
Tương tự, trang trại chăn nuôi lợn giống của hộ ông Ngô Xuân Lương, thôn Tân Châu, xã Ngọc Châu lợi nhuận bình quân gần 300 triệu đồng/năm. Hiện trong chuồng có 100 con lợn nái ngoại siêu nạc. Vốn là cán bộ thú y xã nên ông Lương có kiến thức, kinh nghiệm về chăm sóc vật nuôi. Quy trình phòng bệnh được ông tuân thủ nghiêm ngặt. Hàng ngày vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin ở từng giai đoạn. Người ra vào khu chăn nuôi đều phải khử trùng và mặc quần áo bảo hộ.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Tân Yên có hơn 250 trang trại chăn nuôi lợn, quy mô 300 - 400 con lợn thịt/lứa; hàng trăm gia trại, hộ chăn nuôi lợn từ 50 - 100 con/lứa, tập trung tại xã Ngọc Châu, An Dương, Việt Lập, Liên Chung… Nhiều hộ trong số đó có thu nhập bình quân 400 - 500 triệu đồng/năm. Đây là tiềm năng để phát triển vùng nguyên liệu thương phẩm phục vụ chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Liên kết phát triển chăn nuôi bền vững
Với tổng đàn hơn 200 nghìn con mỗi năm, Tân Yên là huyện dẫn đầu tỉnh về chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, chăn nuôi trên địa bàn tiềm ẩn không ít rủi ro về đầu ra, giá cả bấp bênh, dịch bệnh đe dọa. Sản phẩm khi tiêu thụ vẫn mạnh ai nấy làm, chưa có sự gắn kết chặt chẽ. Cùng đó, nhiều hộ thiếu kiến thức về thú y nên không bảo đảm từ khâu chọn giống, chăm sóc, xử lý môi trường đã làm giảm hiệu quả chăn nuôi.
Nhằm phát huy lợi thế về phát triển chăn nuôi lợn kết hợp với thủy sản, UBND huyện đã đề nghị và được UBND tỉnh cho phép thành lập Hội Chăn nuôi lợn sạch Tân Yên để tập hợp những người chăn nuôi lợn vào một tổ chức. Qua quá trình vận động, bước đầu đã có 54 hộ tham gia.
Ông Nguyễn Đức Đăng, thôn Lãn Tranh 1, xã Liên Chung cho biết: “Dịch bệnh trên vật nuôi ngày càng phức tạp, xuất hiện nhiều loại bệnh mới. Vì vậy tham gia vào Hội tôi mong muốn được học hỏi kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh trên lợn để hạn chế rủi ro”.
Được biết, Hội Chăn nuôi lợn sạch Tân Yên đã tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2014 - 2019 và thông qua điều lệ, phương hướng hoạt động với các chỉ tiêu cụ thể như: Phấn đấu thành lập 5 chi hội, cơ bản hội viên được trang bị kiến thức về chăn nuôi lợn, xây dựng 2 mô hình điểm về chăn nuôi lợn sạch và đăng ký thành công nhãn hiệu lợn sạch Tân Yên...
Theo ông Nguyễn Thế Huy, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, tham gia vào Hội Chăn nuôi lợn sạch, các hội viên phải tuân thủ quy trình chăn nuôi bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tuyệt đối không sử dụng chất cấm; giám sát lẫn nhau về cách chăm sóc, nuôi dưỡng lợn. Khi có nhãn hiệu, Hội sẽ từng bước liên kết với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thực phẩm để có đầu ra ổn định.
Từ nay đến hết năm 2015, từ nguồn vốn tỉnh phân bổ, huyện hỗ trợ kinh phí cho một số trang trại nuôi lợn nái ngoại; đồng thời dành hơn 200 triệu đồng ngân sách huyện thưởng cho 40 - 50 chủ trang trại tiêu biểu; chỉ đạo đơn vị chuyên môn tập huấn kỹ thuật vận hành công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Có thể bạn quan tâm
Theo thường niên, vào đầu tháng 6 dương lịch, các hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi nghêu ở các huyện ven biển tỉnh Trà Vinh bước vào cao điểm thu hoạch nghêu thương phẩm. Tuy nhiên, mùa nghêu năm nay, người nuôi nghêu ở đây đang đối mặt với nguy cơ thất thu nặng vì giá nghêu thương phẩm giảm mạnh và khó tiêu thụ.
Tại cuộc họp về chất lượng vật tư và ATTP vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, hiện Cites chưa cấp phép cho bất cứ một cơ sở nào nhập khẩu cá tầm nên cả cá tầm thương phẩm và cá tầm giống nuôi trong nước đều không chính ngạch.
Nông dân huyện Long Mỹ (Hậu Giang) đã thu hoạch khoảng 1.000ha lúa Hè thu, năng suất trung bình 5,78 tấn/ha. Giá lúa tươi hạt dài như OM 5451, OM 4900, OM 7347 vẫn ở mức 3.800 - 4.200 đồng/kg; còn hạt tròn như IR 50404 chỉ còn 3.200 - 3.400 đồng/kg, giảm 200 đồng so với tuần trước và khó bán nếu lúa được cắt bằng tay.