Prices / Tin nông nghiệp

Học sinh sáng chế hệ thống tưới tự động không cần năng lượng

Học sinh sáng chế hệ thống tưới tự động không cần năng lượng
Author: Minh Trí
Publish date: Friday. February 24th, 2017

Chỉ từ chai nhựa tái chế và vải vụn, một học sinh ở Singapore đã tạo nên hệ thống tưới tự động cho những chậu cây cảnh hay bồn trồng rau xanh tại gia.

Trong ảnh: Dylan Soh cùng cha mình, ông Calvin Soh và hệ thống tưới tự động Grow-It-Yourself Stick.

Không cần đến công nghệ cao hay những vật liệu thiết kế phức tạp, cậu bé 14 tuổi Dylan Soh với sự trợ giúp của cha mình Calvin Soh đã phát minh ra hệ thống Grow-It-Yourself (GIY) Stick.

Hệ thống này chỉ gồm chai nhựa đã qua sử dụng và một dải vải có khả năng hút nước cao, kèm theo khung treo bằng nhựa gắn vào chậu cây đồng thời đưa dải vải tiếp cận lớp đất để cung cấp nước. Tương tự như cách vận hành của một chiếc đèn dầu, dải vải đóng vai trò như bấc đèn hút nước ở trong bình rồi thẩm thấu vào đất trồng.

"Sống ở thành phố con người dường như cách biệt với thiên nhiên. Do đó em muốn tìm cách giúp người dân đô thị có thể trồng cây cảnh hay rau xanh một cách dễ dàng, tiếp cận thiên nhiên ngay tại nhà mà không cần phải đi đâu xa", Dylan chia sẻ.

Ông Soh cho biết thiết kế của GIY Stick tuy đơn giản nhưng đảm bảo cho cây trồng không bị thiếu nước hay bị úng vì chất lỏng được thẩm thấu đều đặn theo thời gian. Khi hết nước người dùng dễ dàng mở nắp đậy rót đầy chai. Nắp đậy bên trên ngoài việc hạn chế nước bốc hơi còn có tác dụng ngăn muỗi đẻ trứng vào bên trong chai. Mô hình này rất tiện dụng cho người dân thành thị vốn rất bận rộn và có ít thời gian rảnh rỗi chăm sóc cây trồng hàng ngày tại nhà.

Hệ thống tưới tự động Grow-It-Yourself Stick có nguyên lý hoạt động đơn giản nhưng hiệu quả và không cần bất cứ nguồn năng lượng nào.

Từ năm 2008, Calvin Soh cùng cậu con trai Dylan Soh và cô con gái 11 tuổi Ava trồng nhiều loại cây ăn trái và rau quả ở ban công chung cư nơi họ sinh sống như một cách để giải tỏa căng thẳng. Dần dà ông Soh muốn xây dựng một trang trại mini ngay tại đô thị bằng cách tận dụng sân thượng nhà mẹ mình ở vùng Telok Kurau trồng cà chua, chanh dây, hương thảo, húng quế... Không chỉ đủ rau sạch cho gia đình, trang trại của ông còn mời nhiều hàng xóm đến thưởng thức mô hình "từ trang trại đến bàn ăn" miễn phí.

Dù trồng nhiều loại cây nhưng cha con nhà Soh không phải tốn nhiều công sức để tưới. Một loạt GIY Stick gắn vào từng bồn rau đảm nhiệm việc tưới tiêu hàng ngày. Dải vải thấm nước từ bình nhựa chuyển vào đất trong bồn, cung cấp lượng nước vừa đủ giúp rễ cây vẫn đủ không khí để thở và không bị thối rễ.

Bên cạnh đó do bình nhựa trong suốt nên người dùng có thể biết được lượng nước cụ thể mà cây trồng hấp thụ hàng ngày, có thể điều tiết lưu lượng nước thẩm thấu bằng cách dùng những những dải vải dày hơn. Thiết kế dạng móc của GIY Stick cũng rất phù hợp cho những bồn hoa hay chậu cây treo trên cao, có thể mang theo bình nước với dung tích tối đa lên đến 5 lít.

 

Hệ thống tưới tự động Grow-It-Yourself Stick có thể dùng tốt trong nhà cũng như không gian ngoài trời.

Với sự hỗ trợ từ công ty huy động vốn khởi nghiệp Kickstarter, trong vòng 6 tháng dự án GIY Stick đã thu hút tài trợ hơn 35.000 đôla Singapore. Hiện tại mỗi ngày có khoảng 10 bộ GIY Sticks được bán trực tuyến với giá bán lẻ 10 đôla Singapore một sản phẩm.


Related news

Giá thịt gà Trung Quốc hạ kỷ lục vì dịch cúm gia cầm Giá thịt gà Trung Quốc hạ kỷ lục vì dịch cúm gia cầm

Giá thịt gà Trung Quốc hạ xuống mức thấp kỷ lục trong một thập niên do lo ngại sự lây lan của dịch cúm gia cầm. Cổ phiếu của các nhà sản xuất thịt cũng lao dốc

Friday. February 24th, 2017
Ước mơ nông trường xanh của 'kỹ sư chân đất' Ước mơ nông trường xanh của 'kỹ sư chân đất'

Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bình Phước vừa giao cho "kỹ sư chân đất" Trần Quốc Hải 120 ha đất để áp dụng thí điểm bằng máy móc tự chế tạo.

Friday. February 24th, 2017
Trồng dưa lưới dưới chân núi Bà Đen Trồng dưa lưới dưới chân núi Bà Đen

Sau khi trừ hết chi phí, cứ 1.000 m2 dưa lưới nhà màng được trồng theo công nghệ mới cho thu nhập 30-40 triệu đồng/vụ (mỗi năm 3 vụ) ở khu vực núi Bà Đen

Friday. February 24th, 2017