Hoang Mang Thủ Phủ Tôm Sú Vì Dịch Bệnh
Với 48.000 ha, hầu hết là nuôi tôm sú (tôm thẻ chỉ chừng dưới 200 ha), Sóc Trăng được coi là “thủ phủ” tôm sú ở ĐBSCL. Những ngày này, dịch bệnh đang tiếp tục lây lan ở “thủ phủ” con tôm với tốc độ chóng mặt.
Đã mất khoảng ngàn tỷ đồng
Những ngày đầu tháng 5 này, người nuôi tôm sú ở Sóc Trăng tiếp tục hoang mang, lo lắng trước tình trạng dịch bệnh đang lan rộng ở mức khó kiểm soát. Ngày 4/5, ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (MTSA) cho biết đến giờ này, đã có hơn một nửa trên tổng diện tích nuôi tôm của MTSA là 2.600 ha, được các hội viên thả nuôi tôm. Tuy nhiên, có tới trên 90% diện tích đã xuống giống bị chết do dịch bệnh. Ông Nhiệm than thở: “Dịch bệnh trên tôm đang ở mức rất nặng nề. Các hội viên của MTSA cứ thả tôm xuống là tôm lại bị dịch bệnh, bị chết. Có những hộ đã thả đi thả lại 3 lần, 5 lần, nhưng lần nào tôm cũng chết. Chưa bao giờ tình hình dịch bệnh trên tôm lại nghiêm trọng như năm nay”.
Một ao tôm vừa phải tát cạn do tôm chết trắng bởi dịch bệnh
Dịch bệnh càn quét qua hàng loạt ao nuôi tôm ở Sóc Trăng đã gây ra những tổn thất nặng nề cho người nuôi tôm. Theo tính toán của ông Nhiệm, mỗi ha tôm bị thiệt hại chừng 80 triệu đồng. Tính ra, đến thời điểm này, các hội viên của MTSA đã bị thiệt hại tới trên 100 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Khởi, PGĐ Sở NN-PTNT Sóc Trăng, đến đầu tháng 5, toàn tỉnh này đã thả nuôi 25.000 ha tôm sú thì có tới 13.000 ha bị mất trắng do dịch bệnh. Như vậy, chỉ trong vòng nửa tháng qua, diện tích tôm bị thiệt hại ở Sóc Trăng đã lên gần gấp đôi (ngày 20/4, diện tích tôm bệnh là 7.000 ha). Với diện tích bị bệnh quá lớn như trên, tính sơ sơ, đã thấy người nông dân Sóc Trăng bị thiệt hại trên dưới 1.000 tỷ đồng.
Một điều đáng lo ngại là tới giờ này, vẫn chưa biết chính xác tôm sú ở Sóc Trăng đang bị bệnh gì là chính. Ông Khởi cho biết, theo kết quả phân tích của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2, bệnh đốm trắng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, còn lại là bệnh trên gan. Trong khi đó, Trung tâm Thú y vùng 7 đến lấy các mẫu tôm đem về xét nghiệm thì không phát hiện ra những loại virus có trong danh mục. Vì thế, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đang đề nghị Trung tâm này tiếp tục lấy thêm các mẫu mới về xét nghiệm để xem tôm ở Sóc Trăng đang bị tàn phá bởi virus nào là chính.
Nhấp nhổm “nhảy” qua tôm thẻ
Trước tình hình dịch bệnh trên tôm đang lây lan mạnh, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã cử các cán bộ thủy sản, thú y xuống địa bàn, dùng các biện pháp kỹ thuật để phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, như lời thừa nhận của ông Nguyễn Văn Khởi, thì hiệu quả phòng chống dịch không cao. Nguyên nhân chính là do thời tiết ở Sóc Trăng vẫn đang quá cực đoan, rất không tốt cho sức khỏe con tôm. Theo ông Khởi, trong suốt 20 năm qua, chưa năm nào thời tiết bất thường như năm nay, bất thường tới mức mà giải pháp phòng chống dịch bệnh tốt nhất có lẽ là… không nên thả nuôi. Tuy nhiên, nuôi tôm là một ngành sản xuất chính ở Sóc Trăng, do đó, không thả không được.
Thời tiết quá bất lợi cũng đang được nhiều nông dân nuôi tôm lâu năm lý giải cho sự thất bại của họ trong vụ tôm năm nay. Theo ông Nguyễn Văn Nhiệm, trước đây, thả nuôi tôm từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4, nông dân thường cầm chắc thành công. Năm nay, tôm thả trong giai đoạn này lại chết như ngả rạ. Trước đây, những hộ nuôi công nghiệp, áp dụng kỹ thuật cao, thường không bị dính dịch bệnh. Năm nay, từ hộ nuôi công nghiệp đến những hộ nuôi quảng canh đều bị dịch bệnh như nhau, thậm chí nuôi kỹ thuật cao còn bị thiệt hại nhiều hơn so với nuôi thường.
Theo ông Khởi, kể cả khi đã có đủ điều kiện khẳng định tôm sú ở Sóc Trăng chủ yếu mắc bệnh gan như phân tích của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2, thì tỉnh cũng không thể công bố dịch, bởi theo quy định hiện nay, chỉ có 3 loại bệnh trên tôm được công bố dịch là đốm trắng, đầu vàng và taura. Mặt khác, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, từ trước tới giờ chưa từng có tiền lệ công bố dịch bệnh trên tôm. Điều này cũng đang khiến cho tỉnh Sóc Trăng thêm phần lúng túng trước việc có nên công bố dịch bệnh hay không. |
Trước thực trạng đó, nhiều hộ nuôi tôm sú ở Sóc Trăng đang nhấp nhổm chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Ông Nguyễn Văn Nhiệm cho biết: “Thực tế, tôm thẻ chân trắng nuôi ở Sóc Trăng cũng bị bệnh và chết, nhưng tỷ lệ thiệt hại thấp hơn nhiều so với tôm sú. Bây giờ cứ thả tôm sú xuống là chết nên người ta phải tự cứu bằng cách chuyển sang tôm thẻ, cho dù vùng nuôi đó đã được phép nuôi tôm thẻ hay chưa. Vừa rồi, Tổng cục Thủy sản về làm việc với tỉnh Sóc Trăng và có ý kiến về việc sẽ xem xét cho nuôi tôm thẻ chân trắng ở tỉnh chúng tôi. Biết thông tin đó, nhiều hộ nuôi tôm mừng lắm”.
Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Văn Khởi, các nghiên cứu mới cho thấy chưa có bằng chứng lây lan bệnh taura từ tôm thẻ sang tôm sú. Vì thế, nếu Bộ NN-PTNT cho phép Sóc Trăng nuôi tôm thẻ tỉnh cũng sẽ tạo điều kiện cho nông dân chuyển một phần diện tích nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ. Tuy nhiên, ông Khởi cũng băn khoăn về đầu ra cho tôm thẻ, bởi lâu nay, các doanh nghiệp ở Sóc Trăng chỉ quen chế biến và xuất khẩu tôm sú mà thôi.
TÔM CHẾT DO VI KHUẨN GÂY HOẠI TỬ GAN, TỤY? Ngày 5/5/2011, tại hội thảo về dịch bệnh trên tôm do Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) tổ chức, TS Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 (Bộ NN-PTNT) cho biết: Kết quả xét nghiệm ban đầu trên các mẫu tôm bệnh và tôm bệnh chết tại một số vùng nuôi vừa qua cho thấy có dấu hiệu hoại tử do nhiễm khuẩn xuất hiện với tần suất rất cao. Với phương pháp xét nghiệm mẫu tôm bằng PCR, bằng mô học và cả bằng sinh học phân tử, nhóm nghiên cứu của Viện đã loại trừ được tác nhân đốm trắng, đầu vàng và cả vi bào tử. Tác nhân chính là do vi khuẩn ký sinh ở gan gây hoại tử gan. Kết quả nhuộm gram cho thấy, vi khuẩn này thuộc nhóm vi khuẩn Gamma-Proteobacteria. Nhóm này gần giống với nhóm Alpha-Proteobacteria từng gây bệnh gan tụy trên tôm thẻ chân trắng ở Nam Mỹ. Đây chỉ mới là những kết quả phân tích bước đầu, nên để xác định chính xác đây có phải là vi khuẩn Gamma-Proteobacteria hay không và để định danh đây là vi khuẩn gì cần có các nghiên cứu thêm. Từ những kết quả trên, TS. Hảo khuyến cáo người nuôi tôm cần quan tâm nhiều hơn đến việc xử lý đất trên nền đáy ao và xử lý nước tốt hơn để loại trừ vật chủ mang vi khuẩn này là nhóm Protozoa. TS Hảo nói: Trong đất nuôi tôm có chứa rất nhiều Protozoa và không loại trừ cả trong một số chế phẩm vi sinh. Do đó, việc xử lý đất thật kỹ để diệt mầm Protozoa là rất quan trọng. Theo các tài liệu khoa học, sử dụng Formaline và vôi (CaO) để diệt Protozoa là rất hiệu quả. Tuy nhiên, phải cần có những thử nghiệm trước khi công bố chính thức. |
Thanh Sơn
Có thể bạn quan tâm
Những ngày gần đây, nhiều nông dân trồng cà phê ở huyện Tân Phú (Đồng Nai) đã bước vào vụ hái cà phê, sớm hơn gần tháng so với mọi năm. Năm nay do nhiều nguyên nhân dẫn tới cà phê chín sớm, khiến nhiều chủ vườn khổ vì hái cà phê trong khi thời tiết đang mưa nhiều.
Nguyên nhân bước đầu được xác định do nguồn giống tôm thả nuôi của các hộ không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Mặt khác, nước cấp vào ao nuôi được lấy trực tiếp từ sông vào không qua xử lý; trong ao nuôi tôm còn có một số loài giáp xác tự nhiên như tôm rảo, cua, còng..
Mô hình này nuôi cá bằng thức ăn viên công nghiệp. Cụ thể, tháng thứ nhất, sử dụng thức ăn 40% độ đạm; tháng thứ 2-3, sử dụng thức ăn 30% độ đạm và 3 tháng còn lại sử dụng thức ăn 27% độ đạm. Mỗi ngày, người nuôi cho cá ăn vào sáng và chiều, theo định kỳ 10 ngày bón phân chuồng cho mương cá/lần.