Thực Hiện Các Giải Pháp Đồng Bộ Chủ Động Sản Xuất Nông Nghiệp
Năm 2011, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều bất lợi do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh diễn biến bất thường... Để sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành chức năng, đặc biệt là nông dân đã cố gắng khắc phục khó khăn, chủ động chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, tập trung mọi nguồn lực thâm canh cây trồng đem lại hiệu quả thiết thực.
Năm 2011, do bất lợi của thời tiết vụ đông - xuân rét đậm rét hại, vụ hè thu hạn hán, diện tích lúa cấy giảm so với năm 2010, năng suất lúa bình quân đạt 38,1 tạ/ha, giảm so với năm 2010 (41,2 tạ/ha), sản lượng lúa vụ mùa giảm trên 5.200 tấn so với kế hoạch. Trước tình hình đó, tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo ngành chức năng đưa ra các giải pháp chuyển đổi sang trồng các loại cây khác, như: ngô, lạc...
Đồng thời huy động các nguồn lực hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phòng trừ dịch bệnh cho gia súc; đẩy mạnh các mô hình, dự án khuyến nông, khuyến ngư đem lại hiệu quả. Tổng sản lượng lương thực cả năm đạt 239.278,4 tấn, đạt 102,3% KH. Đặc biệt, năng suất, sản lượng cây mía tăng đã cơ bản góp phần tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nông dân tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ; khai thác lợi thế của từng địa phương hình thành những vùng sản xuất hàng hóa gắn liền với chế biến theo cơ chế thị trường. Thu nhập của nông dân ngày càng tăng, đời sống vật chất, tinh thần của khu vực nông nghiệp, nông thôn có bước chuyển biến rõ rệt. Đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa quan trọng, như: thuốc lá, mía, trúc sào, hồi, lạc hè thu tại các huyện trong tỉnh.
Để các địa phương chủ động gieo cấy 3.354 ha lúa, gieo trồng 25.069,7 ha ngô, 3.510 ha thuốc lá, 1.290 ha đỗ tương, 2.460 ha mía, 355,5 ha lạc, 187,9 ha khoai tây, 3.122 ha sắn trong vụ đông - xuân năm 2011 - 2012 theo kế hoạch, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo sản xuất ngay từ đầu vụ. Tuyên truyền, định hướng cho các vùng có tiềm năng sản xuất để từ đó chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất theo hướng thị trường.
Vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, thay đổi tập quán sản xuất cũ lạc hậu bằng phương pháp sản xuất mới, kỹ thuật phù hợp. Tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với thị trường hàng hóa và dịch vụ để mở mang kiến thức sản xuất kinh doanh. Tổ chức tốt khâu thu hoạch, sơ chế và bảo quản nông lâm sản sau thu hoạch tại các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn làm hàng hóa.
Xây dựng và phát triển mạnh các hình thức khuyến nông - khuyến ngư, đặc biệt là khuyến nông cơ sở; tăng cường công tác khuyến nông đến vùng sâu, xa và vùng có tỷ lệ nghèo cao. Cung ứng đủ, kịp thời các loại giống cây trồng, vật nuôi, giống cây lâm nghiệp, giống thủy sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, đồng thời đẩy mạnh phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, dịch bệnh hại cây trồng. Tăng cường công tác sơ chế, bảo quản nông lâm sản, thực phẩm nhằm nâng cao giá trị của hàng hóa.
Phát triển các cơ sở nhỏ bảo quản, sơ chế nông sản ở nông thôn. Tạo điều kiện tốt để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và ngoài nước tiếp xúc tìm hiểu và đầu tư vào các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đặc biệt trong lĩnh vực trồng rừng, sản xuất thuốc lá, lạc, mía... Đẩy mạnh các hình thức sản xuất theo mô hình trang trại, tổ hợp tác xã, hợp tác xã trong nông nghiệp, doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ nông, lâm sản ở nông thôn. Tạo điều kiện thông thoáng để các doanh nghiệp hợp tác liên kết với nông dân sản xuất.
Tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách mới của Nhà nước về hỗ trợ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn như: Vốn Nghị quyết 30a, vốn bảo vệ và phát triển rừng, vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và nông thôn mới; khuyến khích vốn đầu tư từ các doanh nghiệp đang trồng rừng sản xuất, thuốc lá, mía, lạc.
Có thể bạn quan tâm
Huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) là huyện chuyên sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Toàn huyện có 1.038 ha nuôi tôm thâm canh và 2.046 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến, trong đó, xã Phú Tân là xã chuyên ngư có 410 ha nuôi tôm thâm canh, 2006 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến; xã Phú Đông có 280 ha nuôi thủy sản.
Những năm gần đây, nhiều bà con nông dân ở huyện Châu Thành A (Hậu Giang) đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn trái. Trong đó, xoài cát Hòa Lộc luôn được người dân ưu tiên lựa chọn.
Ngày 24.7, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) tổ chức thả 20 nghìn con cá giống điêu hồng tại 4 lồng bè nuôi cá thí điểm tại khu vực đập phụ, cửa xả nước Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 (thuộc thôn 3, xã Trà Đốc).