Hộ Tư Nhân Đầu Tiên Thụ Tinh Nhân Tạo Cho Cá Nheo
Theo Chi cục Thủy sản Yên Bái, vừa qua, gia đình anh Trần Đức Phương ở thôn 6, xã Vân Hội, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã dùng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho cá nheo và đạt kết quả cao, tỷ lệ trứng nở thành cá nheo giống đạt trên 80%.
Với thành công này, gia đình anh trở thành hộ tư nhân đầu tiên ở miền Bắc sản xuất được cá nheo giống.
Được sự giúp đỡ về kỹ thuật của các kỹ sư nông nghiệp thuộc Chi cục Thủy sản Yên Bái, năm 2012 gia đình anh Phương bắt đầu tiến hành biện pháp thụ tinh nhân tạo cho cá nheo. Sau khi cá nheo mẹ được tiêm thuốc kích thích rụng trứng và cho thụ tinh nhân tạo, trứng được cho vào bể ấp, ngày hôm sau nhiều trứng đã nở thành cá nheo con. Tuy nhiên, tỷ lệ cá nở còn thấp do không kiểm soát được nhiệt độ môi trường, nhiệt độ nước, ánh sáng... nên ảnh hưởng đến quá trình thụ tinh, tỷ lệ trứng nở chỉ đạt khoảng 30%.
Rút kinh nghiệm thực tế từ mùa ấp trứng năm trước, năm nay, gia đình anh tiếp tục đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng khu nhà chuyên dùng cho cá nheo đẻ, xây dựng đường ống dẫn nước, bể tạo áp lực nước, bể ươm, hệ thống làm lạnh và kiểm soát nhiệt độ môi trường không khí, nhiệt độ nước, ánh sáng... nhằm tạo ra môi trường như tự nhiên cho cá đẻ, thụ tinh được thuận lợi.
Ngày 22/3, gia đình anh Phương bắt đầu tiến hành cho thụ tinh cá nheo sông bằng phương pháp nhân tạo và tỷ lệ trứng nở đạt gần 80%. Ngày 25/3, anh Phương tiếp tục cho ấp trứng và điều chỉnh thông số nhiệt độ, áp lực nước... và tỷ lệ cá nở đã đạt trên 80%. Toàn bộ số cá nheo con sau khi nở đều có tỷ lệ sống rất cao, đạt trên 95%, và sinh trưởng rất tốt.
Gia đình anh Phương bắt đầu nuôi cá nheo thương phẩm từ tháng 6/2011 với gần 4.000 con. Gia đình anh đã kéo dẫn trên 2km đường ống nước từ rừng về ao nuôi nên môi trường nước luôn sạch, tạo dòng chảy liên tục nên không bị ô nhiễm, tạo điều kiện cho cá phát triển nhanh.
Trong quá trình chăm sóc, anh phát hiện trong ao có cá nheo con nên cho rằng cá đẻ được trong ao.
Anh Phương nhận định do hệ thống cung cấp nước ra vào cho ao gần giống với môi trường tự nhiên ở sông, suối nên cá nheo đã sinh sản được. Hiện nay, đàn cá nheo trong ao của gia đình anh có gần 3.000 con.
Ông Trần Đức Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái khẳng định Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ gia đình anh Phương về mặt kỹ thuật để hoàn thiện quá trình ươm giống và có kế hoạch nhân rộng mô hình này trong toàn tỉnh.
Related news
Từ thực tế, anh Thiều Văn Thành, Trưởng phòng Kỹ thuật chuyển giao kỹ thuật (Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Quảng Ninh) đã bắt tay nghiên cứu mô hình nuôi cua biển trong rừng ngập mặn nhằm tìm ra giải pháp khắc phục những hạn chế hiện nay của hình thức nuôi cua biển trong các ao, đầm nước lợ, vùng cửa sông ven biển, đồng thời bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Thỏ lại là loài vật nuôi có vòng đời sản xuất rất ngắn, nhanh tăng đàn, hiệu quả kinh tế cao. Nhận thấy những ưu điểm đó, Phòng LĐ – TB&XH huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) đã triển khai mô hình nuôi thỏ cho 30 hộ nghèo ở thôn Phú Hòa, xã Trà Phú, bước đầu đạt kết quả khả quan.
Vài năm gần đây, rất nhiều gia đình ở xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) chú trọng vào nghề chăn nuôi bò sữa. Nhờ sự cần cù, chịu khó của bản thân, sự hỗ trợ tích cực về vốn lẫn kỹ thuật từ chính quyền địa phương, người dân đã biết cách nuôi bò sữa hiệu quả và đã có cuộc sống no đủ hơn.