Hỗ trợ dân thiệt hại do hạn mặn quy trình thủ tục làm khổ nhà nông
Danh sách nhận hỗ trợ nhiều thiếu sót
2 ngày qua, về xã Vĩnh Hòa và Minh Thuận (huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang), phóng viên ghi nhận, nhiều người dân đang bức xúc về việc trợ cấp tiền hạn, mặn không được xem xét công bằng giữa các hộ dân.
Ông Lư Văn Mến ở ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Hòa phản ánh: “Gia đình có 5ha lúa đông xuân bị thiệt hại khoảng 50% do xâm nhập mặn, nhưng đến nay vẫn chưa có ai đến thông báo hay ghi danh sách để cấp tiền hỗ trợ”. Ông Mến càng bức xúc hơn khi biết, có hộ cùng ấp bị thiệt hại tương tự nhưng lại được cán bộ ghi danh sách hỗ trợ.
Chị Hồ Thị Kim Hằng ngụ cùng ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Hòa, cũng không hiểu vì sao cùng canh tác ruộng giáp ranh nhau, cũng bị thiệt hại như nhau nhưng hộ kia được nhận hỗ trợ, còn nhà chị thì không. Trước thực trạng trên, chị Hằng cùng nhiều hộ dân đã đi khiếu nại và sau đó mới được cán bộ ấp đến cập nhật danh sách. Tuy nhiên, đến nay những hộ được bổ sung danh sách trên vẫn chưa nhận được khoản hỗ trợ nào.
Hàng trăm hộ dân trồng lúa xã Trần Hợi và xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) vừa gửi đơn phản ánh đến cơ quan báo chí phản ánh, thực tế tại một số ấp, dân không nhận được hỗ trợ hoặc có rất ít hộ nhận được. Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Tiến Hải – Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác rà soát lại toàn bộ tình hình thiệt hại lúa do hạn, mặn trên địa bàn huyện Trần Văn Thời. Đối với những trường hợp chi sai sẽ tiến hành thu hồi, đồng thời xử lý cán bộ, đơn vị có liên quan.
Không chỉ bỏ sót số hộ có diện tích sản xuất bị thiệt hại, tại nhiều địa phương ở Kiên Giang còn xảy ra tình trạng cán bộ địa phương ghi báo cáo số diện tích bị thiệt hại không đúng theo thực tế và khai báo của người dân.
“Tôi có 4ha lúa bị thiệt hại 100%. Thế nhưng, chính quyền địa phương chỉ hỗ trợ cho 1ha với số tiền 2 triệu đồng mặc dù tôi đã khai báo đầy đủ 4ha lúa bị chết khô” - bà Đặng Thị Hà ở xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang phàn nàn.
Bà Hà còn cho biết sau khi bà nhận được 2 triệu đồng, chính quyền địa phương còn bắt bà phải đóng các khoản phí tổng cộng 220.000 đồng mà không có sự giải thích, không giao biên lai thu tiền. Theo phóng viên tìm hiểu, trước bức xúc của người dân các địa phương trên, lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, giải quyết các trường hợp khiếu nại trong dân và thu hồi những trường hợp cấp phát tiền không đúng quy định.
Sau đợt kiểm tra trên, theo ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang, sở đã có báo cáo gửi UBND tỉnh. Theo báo cáo trên, chỉ riêng 2 huyện U Minh Thượng và huyện Vĩnh Thuận, chính quyền địa phương đã bỏ sót 728 đối tượng bị thiệt hại với tổng diện tích hơn 1.268ha; hơn 130 trường hợp lập danh sách trùng tên, trùng thửa. Ngoài ra, còn có việc xác định diện tích, đánh giá mức độ thiệt hại không chính xác.
Nguyên nhân được xác định dẫn đến tình trạng trên là do biểu hiện tiêu cực của một số cán bộ cố tình thực hiện không đúng quy trình, làm chưa hết trách nhiệm được giao. Vì vậy, tới đây, ngành chức năng tỉnh Kiên Giang kiến nghị xử lý kỷ luật những tổ chức, cá nhân có liên quan đến những sai phạm.
Hàng ngàn hộ nuôi tôm khổ do “vướng” thông tư (!)
Tại Cà Mau, tháng 5 vừa qua tỉnh công bố thiên tai cấp độ 2, với trên 52.000ha diện tích tôm nuôi bị thiệt hại. Thế nhưng, nhiều nông dân đang đứng trước nguy cơ không được tiền hỗ trợ do không đáp ứng đủ các quy định của Nhà nước đưa ra.
Ông Huỳnh Ngọc Vân – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, địa phương sắp hoàn thành việc cấp tiền hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại do hạn, mặn và đang tiến hành kiểm tra, khảo sát lại sau khi việc chi tiền được thực hiện xong. Tổng số tiền hỗ trợ khoảng 40,2 tỷ đồng. Ông Vân cho biết thêm, số tiền hỗ trợ được trích từ nguồn vốn dự phòng của tỉnh, sau khi chi trả và có con số chính xác mới đề nghị nguồn vốn từ Chính phủ.
Khi được hỏi về việc trên, ông Trần Văn Lũy ngụ xã Trần Thới, huyện Cái Nước, cho biết: Hơn 10 năm qua, cứ khi trong vuông bán hết tôm thì ông mua con giống về thả nuôi và không quan tâm đến chuyện lấy hoá đơn hay chứng từ có liên quan. Vì vậy, khi ngành chức năng hỏi đến các giấy tờ để ghi danh sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai thì ông rất bất ngờ. “Tôi và người dân ở đây mua tôm giống có lấy loại giấy tờ gì đâu, quy định như vậy làm khó chúng tôi quá” – ông Lũy nói.
Theo UBND xã Trần Thới, không riêng gì ông Lũy mà có đến 2.080 hộ dân trong xã bị thiệt hại hơn 3.300ha diện tích ao nuôi tôm nhưng không hộ nào đủ điều kiện nhận hỗ trợ.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau cho biết: “Hiện số tiền phải hỗ trợ cho các hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do hạn mặn vẫn chưa có con số chính xác, do đợi đơn vị huyện Cái Nước rà soát lại. Tuy nhiên, ước tính nông dân bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh sẽ nhận được tiền hỗ trợ hơn 100 tỷ đồng”.
Ông Bằng cho biết thêm, qua rà soát, kiểm tra thì không có hộ nào đủ điều kiện để được hỗ trợ do “vướng” điều kiện quy định trong Thông tư 05 của Bộ Tài chính là phải có đăng ký sản xuất đầu mùa vụ với chính quyền địa phương.
Ðể gỡ khó cho nông dân, tỉnh Cà Mau thống nhất chủ trương, nếu các hộ dân không đăng ký kê khai sản xuất ban đầu, vẫn nhận được tiền hỗ trợ nếu có hoá đơn, chứng từ mua giống, mua thức ăn... nhằm chứng minh đã có sản xuất, nhưng thực tế vẫn không có hộ nào đủ điều kiện. Hiện nay số lượng người dân xuất trình được hóa đơn, chứng từ, giấy kiểm dịch chiếm số lượng rất thấp.
“Do vướng quy định nên ngành chức năng tỉnh cũng không thể nào làm khác. Chúng tôi chỉ còn cách là hướng dẫn các địa phương tuyên truyền cho nông dân biết các quy định trong việc đăng ký sản xuất đối với vụ nuôi mới” - ông Bằng nói.
Related news
Là nước nông nghiệp nhưng Việt Nam nhập khẩu gần 100% thuốc bảo vệ thực vật, mỗi năm nhập khẩu 6-7 triệu tấn ngô, 60- 65% thức ăn chăn nuôi được nhập ngoại, chưa kể các giống cây, con, vật tư nông nghiệp khác.
Gần đây, tại một số tỉnh như Bắc Giang, Hưng Yên, Bình Thuận, Đồng Nai… xuất hiện tình trạng thương lái vào tận vườn thu gom hoa quả. Thậm chí, một số doanh nghiệp (DN) trong nước còn chịu làm “bình phong” để các DN Trung Quốc núp bóng hoạt động, trục lợi, gây thất thu cho Nhà nước.
Sau cơn bão số 1, diện tích lúa bị ngập úng là gần 200.000ha, rau màu bị hư hại là gần 21.000ha... Trước tình hình này, Bộ NNPTNT đã giao Trung tâm Khuyến nông quốc gia phổ biến các biện pháp kỹ thuật để nông dân khôi phục cây trồng.