Hộ Chăn Nuôi Có Chất Cấm... Đổ Tội Cho Thuốc
Xin được nhắc lại, từ tháng 3/2012, trong quá trình kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi tại các điểm kinh doanh, sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và các trang trại, đoàn kiểm tra của Chi cục Thú y Đồng Nai đã lấy nhiều mẫu để xét nghiệm tại Trung tâm kiểm nghiệm thuốc thú y trung ương II. Kết quả đã phát hiện 11 hộ chăn nuôi có sử dụng chất cấm Salbutamol trong chăn nuôi. Trong đó, xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) có 2 hộ là Đặng Văn Trung (ấp Đức Long 2) và Nguyễn Vũ Nam (ấp Đức Long 3).
Còn lại 9 hộ khác đều thuộc huyện Trảng Bom. Cụ thể, hộ Đồng Văn Mậu, Nguyễn Văn Thái ở ấp Phú Sơn và hộ Quách Thị Thúy Oanh ở ấp An Chu (xã Bắc Sơn). Tại xã Giang Điền có các hộ Nguyễn Thị Mãi, Lê Thị Liễu, Nguyễn Hữu Trọng ở ấp Xây Dựng và Lê Văn Vân ở ấp Đoàn Kết. Xã Trung Hòa có 2 hộ là Nguyễn Thị Huyền và Nguyễn Hoàng Long, đều thuộc ấp An Bình.
Để tìm hiểu thêm, chúng tôi đã trực tiếp đến xã Bắc Sơn, nơi có 3 hộ chăn nuôi bị xác định là có chất cấm sau khi xét nghiệm nước tiểu của đàn heo. Đây cũng là 3 hộ có tổng đàn chăn nuôi heo khá lớn, như hộ ông Nguyễn Văn Thái nuôi 200 con heo nái và thịt; còn ông Đồng Văn Mậu thì có tổng đàn heo lớn gấp 3 lần gia đình ông Thái, trong đó chỉ riêng đàn heo nái đã trên 200 con. Bà Trần Thị Mơ (vợ ông Thái) khẳng định: “Gia đình tôi nuôi heo đã trên 10 năm nay, nếu có chất cấm thì xử phạt người bán cám và thuốc thú y chứ phạt chúng tôi thì oan ức quá!”.
Theo bà Mơ, trước và hiện nay gia đình bà nuôi heo sử dụng chính là thức ăn viên của công ty Cargill và 2 loại thuốc bột đựng trong bịch nylon dùng điều trị “giãn phế quản” cho heo bị ho, nằm mệt thở bụng là Florfenicol và Amoxicillin nguyên liệu với giá mua 1 kg từ 760-800 ngàn đồng.
“Tôi mua ở cửa hàng Kim Huê và Trung Hoa ở ngã ba Trị An, cứ 1 kg thuốc thì trộn với 5 tấn cám viên và lúc nào heo bệnh mới dùng. Ngày 6/4 vừa qua khi có đoàn kiểm tra vào đây, tôi cũng đưa 2 mẫu loại thuốc trên cho đoàn xem. Họ nghi trong thuốc Amox có chất cấm (Sabutamol) vì đây là loại thuốc trị ho, viêm phế quản cho heo”. Theo kết quả kiểm nghiệm thì trong 3 chỉ tiêu chất cấm xét nghiệm gồm Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamin thì có chất cấm là Sabutamol với liều lượng 0,66 ppb (phần tỷ).
“Ngày 11/4, Sở NN-PTNT đã chuyển cho chúng tôi hồ sơ các hộ vi phạm sử dụng chất cấm để xử phạt theo thẩm quyền. Tuy nhiên, các hộ vi phạm cho rằng họ không mua chất cấm về pha trộn trong thức ăn chăn nuôi. Vì vậy, chúng tôi đang chỉ đạo ngành công an xác minh làm rõ thêm vấn đề này, đặc biệt là cần phải truy xuất nguồn gốc chất cấm beta-agonist có từ đâu để xử lý” (bà Vũ Thị Châu, PCT huyện Trảng Bom)
Hộ ông Mậu cũng vậy, theo ông này, ngoài sử dụng cám viên Nutribac thì ông chỉ sử dụng thuốc bột Amox nhưng nhiều lần hơn, bất kể heo bệnh hay không bệnh thì ông vẫn pha trộn cho heo ăn với tần suất khá dày là 2 lần trong tuần.
“Nếu heo trang trại không sử dụng chất đó thì chết ngay. Amox nguyên liệu nó giữ sức khỏe cho heo ổn định” - ông Mậu lý luận. Kết quả phân tích trong nước tiểu của đàn heo trang trại nhà ông Mậu có định lượng 0,64 ppb.
Ông Nguyễn Thanh Hà, Trưởng Ban CN-Thương mại xã Bắc Sơn đi cùng chúng tôi cho biết, tất cả 3 hộ chăn nuôi dính chất cấm đều không đồng tình với cách đề nghị xử phạt của ngành chức năng. “Chúng tôi rất bức xúc trước việc này bởi lẽ đến nay ngành chức năng cũng chưa biết họ đã sử dụng chất nào khiến cho đàn heo dương tính với Salbutamol, đó là thuốc thú y, thức ăn hỗ trợ hay chất kích thích sinh trưởng? Nên chăng cần phải lấy mẫu các loại thuốc bột mà họ đang sử dụng trộn cho heo để xem thử liệu có chất Salbutamol không?” - ông Hà nói.
Related news
Chiều 9.6, Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội NDVN Hà Phúc Mịch đi thăm mô hình trồng quýt của anh Trần Văn Bảo ở ấp 8, xã Tấn Thành, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.
Bộ NNPTNT vừa có văn bản đề nghị Bộ TNMT xem xét, đưa tôm thẻ chân trắng (TTCT) ra khỏi danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Lý do là nếu giữ TTCT trong danh mục đó sẽ ảnh hưởng đến tình hình phát triển sản xuất và xuất khẩu loại thủy sản này
Sau dừa, khoai lang, cua..., các thương nhân Trung Quốc (TQ) đã đến vùng nguyên liệu ở ĐBSCL đặt trạm và trực tiếp mua khóm (dứa) của nông dân với giá cao. Họ còn tới tận ruộng khóm xem xét và gợi ý sẽ “cung cấp thuốc” để nông dân xử lý cho trái thật to!