Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Nấm Rơm Trong Nhà
Trồng nấm rơm trong nhà là mô hình không chỉ tạo thêm thu nhập, mà còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều hộ dân xã Vĩnh Trạch (Thoại Sơn, An Giang). Đặc biệt, mô hình thích hợp các hộ ít hoặc không đất sản xuất, góp phần giảm nghèo tại địa phương.
Việc tận dụng nguồn rơm sau thu hoạch lúa vừa giúp vệ sinh đồng ruộng vừa giúp nông dân có thêm nguồn nguyên liệu để trồng nấm rơm. Theo cách làm truyền thống, người dân thường ủ rơm ngoài trời, nơi có phần đất trống. Khi trồng nấm, phải canh thời tiết nắng hay mưa để điều chỉnh lượng rơm phủ trên bề mặt hợp lý.
Để giải quyết tình trạng cây nấm không ra đều, màu nấm sậm đen, Trung tâm Khuyến nông huyện Thoại Sơn đưa ra giải pháp trồng nấm rơm trong nhà và triển khai trồng thí điểm tại hộ ông Trần Văn Hiệp (ấp Trung Bình Nhì, xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn). Sau hơn 6 tháng trồng thực nghiệm, mô hình đã mang lại những sản phẩm đẹp, đáp ứng nhu cầu của người mua.
Ông Hiệp chia sẻ: “Qua sự hướng dẫn về mặt kỹ thuật trồng của Trung tâm Khuyến nông huyện, tôi mạnh dạn trồng thử 10 kệ nấm trong nhà, với diện tích 240 m2. Vụ trước, tôi thu hoạch nấm to, trắng đẹp và “ăn nấm” được lâu hơn trồng ngoài trời. Thu hoạch được 57 kg, bán với giá 50 ngàn đồng/kg, trừ chi phí, tôi còn lời 2,1 triệu đồng”. Bên cạnh đó, trồng nấm rơm trong nhà vừa có thể tận dụng không gian trong nhà để sản xuất, vừa có thể tiết kiệm công sức lao động.
Theo ông Hiệp, trồng nấm rơm trong nhà chỉ cực phần đóng kệ, phân tầng chứ không tốn nhiều công sức chăm sóc, không ngại thời tiết nắng mưa thất thường. Khi có được nguồn rơm mùa đông xuân, ông ủ trong 20 ngày, nguồn rơm trong mùa hè thu thì ủ 15 ngày để rơm chín đều. Sau đó, lót một tấm lưới mỏng trên mặt kệ, rải 3 lớp rơm và 3 lớp meo xen kẽ với dộ dày 3 tấc, cuối cùng là tưới nước thường xuyên vào hai buổi sáng, chiều.
Khoảng 10 ngày sau, nấm bắt đầu sinh trưởng và thu hoạch. Ông Hiệp còn lưu ý, nên giữ cho không gian trồng được sạch sẽ, kín đáo tránh ánh nắng nhiều quá hoặc bị ẩm ướt quá, nếu không nấm sẽ không ra đều và to khỏe.
Nhận thấy mô hình trồng nấm rơm trong nhà được ông Hiệp thực hiện khá hiệu quả, anh Nguyễn Thanh Tùng, ngụ ấp Trung Bình Nhì, xã Vĩnh Trạch, tìm đến tham quan và học tập mô hình. Anh Tùng nói: “Trước đây, khi thu hoạch lúa xong, tôi thường bỏ một lượng rơm lớn ngoài đồng. Nay nhờ mô hình trồng nấm, tôi có thể tận dụng nguồn rơm dư thừa vừa tận dụng khoảng trống trong nhà để tăng thêm thu nhập.
Chỉ với 2 công rơm tương đương trên 1.000 kg rơm, tôi đã có thể trồng 8 kệ rơm trong nhà, với diện tích 200m2. Tính từ giai đoạn ủ rơm đến khi thu hoạch chỉ hơn một tháng là tôi có thể kiếm trên 2 triệu đồng góp phần tăng thêm thu nhập gia đình, vợ tôi cũng có thêm niềm vui từ công việc chăm sóc nấm rơm tại nhà”.
Theo ông Nguyễn Hữu Chí, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Trạch, toàn xã đã nhân rộng mô hình cho 29 hộ trong đó có 4 hộ nghèo không có đất sản xuất. Mô hình này ít tốn kém chi phí, lợi nhuận cao, nông dân dễ dàng tiếp cận. Hiện tại, do nguồn nấm rơm còn ít nên người dân chủ yếu tự tiêu thụ ở các chợ nhỏ.
Còn trong tương lai, nếu mô hình nhân rộng hơn, Hội Nông dân xã sẽ chủ động tìm đầu mối tiêu thụ ổn định và lâu dài, thành lập Tổ hợp tác rau màu tại địa phương trong đó có nấm rơm để các nông dân có thể trao đổi, học hỏi kỹ thuật sản xuất, góp phần giảm chi phí và nâng cao năng suất các loại hoa màu.
Related news
Theo đánh giá ban đầu của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ NNPTNT, hiện trung bình mỗi tỉnh người dân bỏ ruộng với diện tích từ 100ha trở lên.
Vừa qua, tại Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ (An Thái Trung, Cái Bè) đã diễn ra Hội nghị triển khai Quy chế quản lý đàn cá tra bố mẹ chọn giống. Đồng chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản và ông Nguyễn Văn Trọng Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, cùng hơn 30 đại biểu là lãnh đạo Sở NN&PTNT, chi cục thủy sản, trung tâm giống và các cơ sở sản xuất giống có nhận đàn cá tra chọn lọc của 10 tỉnh vùng ĐBSCL.
Hiện người nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải “gồng lưng” chịu lỗ từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg cá tra thương phẩm. Đã lỗ, còn bị doanh nghiệp ép giá, chiếm dụng vốn khiến nông dân không còn tiền tái đầu tư nuôi mới. Tình trạng “treo ao” diễn ra khắp vùng, có nơi diện tích “treo ao” lên đến 60%. Sản phẩm chiến lược quốc gia vì đâu nên nỗi?