Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Chanh Dây
Trong một chuyến đi tham quan và học hỏi kinh nghiệm thực tế về kỹ thuật trồng cây chanh dây từ người dân, chúng tôi ghé thăm gia đình anh Trịnh Văn Quyền – thôn 8 – xã ĐăkNia – thị xã Gia Nghĩa – tỉnh Đăk Nông. Đây là một trong những gia đình trồng chanh dây đạt hiệu quả kinh tế cao.
Tiếp đón chúng tôi là một người đàn ông khoảng 50 tuổi có nước da ngăm đen với thái độ rất niềm nở, chân thành. Qua nói chuyện, biết mục đích của chuyến tham quan, anh đã rất vui vẻ cho chúng tôi biết: “Đầu năm 2009 anh mua 2 cây chanh dây giống về trồng với mục đích lấy trái phục vụ cho gia đình, sau năm tháng trồng thì đã cho lứa trái đầu tiên và anh nhận thấy chanh rất sai trái, khi chín quả chanh có màu tím, nước chanh có vị thơm ngon và rất mát”. Từ những thực tế mà bản thân trải nghiệm nên anh bàn bạc với vợ mở rộng diện tích trồng chanh.
Trước khi mở rộng diện tích, anh đã đi rất nhiều nơi để học hỏi thêm kinh nghiệm cũng như tham khảo các giống chanh dây đạt năng suất cao. Qua những chuyến đi như vậy anh đã đúc rút cho bản thân mình rất nhiều kinh nghiệm: Từ vấn đề đào hố trồng cây đến việc bố trí trụ chính và trụ phụ cho giàn. Không những thế anh còn sáng tạo ra kỹ thuật bố trí dây chính và dây phụ trên giàn cũng như kỹ thuật kéo dây.
Anh nói: “Tôi đi thăm nhiều mô hình, tôi thấy người ta dùng Palan để kéo dây thép chính của dàn, nhưng tôi nghĩ nếu làm như vậy thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến độ giãn của dây thép. Vì thế khi tiến hành kéo dây thép chính tôi không làm theo họ mà tôi xẻ một rãnh nhỏ trên trụ chính để vừa dây thép chính của dàn vào đó, sau khi tiến hành xong thì để trụ chính một góc 450 so với mặt đất về phía trong dàn và tiến hành đẩy trụ ra phía ngoài đến khi nào trụ được dựng vuông góc thì cũng là lúc các dây thép chính của dàn căng như dây đàn”.
Sau khi uống xong ly nước chanh do chị nhà pha thì anh mới dẫn chúng tôi ra vườn. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là như được vỡ òa trong cảm giác mãn nhãn vì được trông thấy vườn chanh rất sai trái, trái nào trái đó tròn mọng như căng đầy nhựa sống. Đó chính là nhựa sống của cây và là nhựa sống của con người. Qua lời tâm sự của anh chúng tôi được biết: Hiện nay, trong vườn gia đình anh có 400 cây cho thu hoạch chính và 200 cây vừa cho thu bói. Với 400 cây thu hoạch chính thì đã thu được 8 – 10 tấn và cứ khoảng 2 tháng thì cho thu hoạch rộ 1 lứa, mỗi lứa thu hoạch rộ như vậy có thể thu được 7 - 8 tấn. Trong thời gian chờ thu hoạch rộ thì mỗi ngày cũng thu được khoảng 150 – 200kg nữa.
Anh nói: “Để đạt được như thế này cũng khá vất vả các chú ạ! Vì đây là đối tượng cây trồng mới nên những hiểu biết về nó còn quá ít đặc biệt là vấn đề sâu bệnh hại”. Như vây, bên cạnh vấn đề sâu bệnh thì khâu chăm sóc cũng rất quan trọng, ngoài việc bón phân cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng thì còn phải tiến hành cắt cành và cắt lá theo định kỳ, không để vườn chanh quá rợp vì quá rợp sẽ không đủ ánh sáng cung cấp cho cây làm ảnh hưởng đến năng suất và đó cũng chính là điều kiện để sâu bệnh phát triển.
Sau khi được anh dẫn đi một vòng quanh vườn, chúng tôi mới đề cập đến vấn đề đầu tư và đầu ra của sản phẩm. Anh cho biết: “Nếu một 1 ha trồng mật độ 5x5m như vườn này thì tổng đầu tư ban đầu khoảng 60 triệu đồng chưa tính công, trong đó tiền giống khoảng 12 triệu đồng còn bao nhiêu là tiền trụ, tiền dây thép và phân bón. Ngoài ra còn phải đầu tư tiền phân bón, tiền thuốc phòng trừ sâu bệnh theo định kỳ.
Còn đầu ra của sản phẩm tại thời điểm hiện tại thương lái tiến hành thu mua tận vườn với giá trung bình khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg” Như vậy, tính sơ bộ thì 1ha chanh dây như của gia đình anh Quyền cho tổng thu khoảng 400 – 500 triệu đồng, nếu trừ tất cả các khoản chi thì vẫn còn lãi ròng 250 – 300 triệu đồng/ha/năm. Điều đó đã giúp cho gia đình anh có một cuộc sống khá giả và có điều kiện chăm lo cho con cái học hành.
Sau khi chúng tôi ghé thăm một số mô hình trồng chanh dây khác trên địa bàn xã ĐăkNia, chúng tôi có suy nghĩ: “Các cấp, các ngành cần quan tâm sâu sát hơn nữa về vấn đề chuyển đổi và định hướng sự phát triển bền vững đối với một số cây trồng mới trên địa bàn tỉnh nhà. Đặc biệt là một số đối tượng cây trồng mới có giá trị kinh tế cao như cây chanh dây chẳng hạn”. Từ đó góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng ổn định và bền vững.
Related news
Nhờ mạnh dạn đầu tư nuôi gà J-Dabaco, gia đình bác Trần Văn Hoàn ở thôn Đại Hà, xã Hà Kỳ (Tứ Kỳ - Hải Dương) thu lãi mỗi năm hơn trăm triệu đồng...
Trong những năm qua, nhiều nông dân xã Hiệp Xương (Phú Tân) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ nếp truyền thống sang trồng rau muống lấy hạt. Bởi, trồng rau muống lấy hạt chi phí đầu tư ít nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ gia đình ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Một số nông dân ở xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đang tự mình xây dựng thương hiệu gạo sạch. Là những nông dân nhiều năm gắn bó với nghề trồng lúa, họ mong mỏi sẽ xây dựng được thương hiệu gạo sạch cho sản phẩm của mình.