Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Lợn Theo Công Nghệ Thái Lan Ở Giao Thủy (Nam Định)
Từ năm 2011 trang trại nuôi lợn công nghiệp của anh Lại Văn Nhân (Cty TNHH Thái Việt) xã Giao Thịnh (Giao Thủy - Nam Định) đã áp dụng theo công nghệ Thái Lan. Ông Phạm Ngọc Vĩnh, trưởng quản lý trang trại cho biết, năm 2012, mặc dù giá lợn thương phẩm biến động nhưng Cty vẫn ổn định sản xuất, xuất bán được hơn 300 tấn thịt lợn thương phẩm và hơn 5.000 con giống lợn ngoại chất lượng cao. Trừ các chi phí sản xuất, Cty thu về hơn 3 tỷ đồng mỗi năm. Hiện tại, Cty đang chuẩn bị đàn lợn nái hậu bị với 2.800 con lợn giống Duroc.
Trung bình mỗi tháng Cty sản xuất hơn 800 con lợn giống. Toàn bộ quy trình sản xuất giống lợn nái, lợn đực giống đều đảm bảo theo 15 tiêu chí kỹ thuật của công nghệ Thái Lan như: đàn lợn nái đẻ là giống nhập ngoại, được gắn thẻ số, có sổ theo dõi sức khỏe; quá trình chăm sóc, lai tạo, phối giống, sử dụng thức ăn cám công nghiệp thích hợp tùy từng thời điểm sinh trưởng của lợn giống; kiểm tra nhóm máu, kiểm dịch trước khi nhập trang trại. Công tác kiểm dịch phòng ngừa luôn được chú trọng; rắc vôi bột định kỳ 2 lần/tuần. Đàn lợn mới đều được tách riêng và phải qua kiểm dịch trước khi nhập chuồng từ 1 - 2 ngày. Dự kiến trong năm 2013, Cty sẽ xuất ra thị trường hơn 10 nghìn con lợn giống Duroc, Yorkshire, Landrace và hơn 600 tấn lợn thịt thương phẩm.
Từ hiệu quả mô hình nuôi lợn theo công nghệ Thái Lan của Cty, anh Vũ Trọng Nghĩa, một cổ đông của Cty đã đầu tư xây dựng thêm 1 trang trại mới tại chân cầu Hà Lạn. Anh Nghĩa cho biết, sở dĩ anh đầu tư phát triển chăn nuôi lợn thịt siêu nạc theo công nghệ Thái Lan vì anh đã đi Thái Lan nghiên cứu, tham quan tận nơi các cơ sở chăn nuôi. Tháng 6-2012, anh khởi công xây dựng trang trại trên diện tích 6 ha với 5 dãy khu chuồng, công trình phụ trợ và trang thiết bị theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ Thái Lan như xa khu dân cư, có hầm biogas với hơn 5.000 m3, chuồng trại sinh sản được bố trí theo mô hình lạnh và kín; được làm mát bằng quạt gió và bạt nước, đảm bảo không khí đối lưu và nhiệt độ luôn ổn định 25 - 26 độ. Mặt sàn được láng xi-măng và có đan thoát nước đảm bảo luôn khô thoáng.
Các ô chuồng có diện tích hợp lý với tỷ lệ 1,35 m2/con. Nước lấy từ giếng khoan qua bể lọc dẫn tới các tháp nước giữa các khu chuồng và sử dụng máy để bơm vào hệ thống uống tự động. Trang trại có tường bao cách ly với môi trường xung quanh, trước khi vào trang trại các nhân viên phải sát trùng, cách ly 1 ngày. Nét mới trong trang trại của anh Nghĩa là sử dụng lợn đực ngoại giống Pietrain kháng stress nhân thuần có nguồn gốc từ Bỉ. Ngoài hơn 750 con lợn nái ngoại ông bà với bộ gien thuần chủng siêu nạc tạo ra nguồn lợn nái bố mẹ sinh sản tại trang trại ở xã Hải Lộc (Hải Hậu) anh Nghĩa đã chủ động hợp tác với Khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng Thủy sản (Đại học Nông nghiệp I Hà Nội) gây dựng đàn lợn đực giống Pietrain kháng stress 100 con. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, các con lai tạo ra từ lợn đực giống Pietrain có khả năng sinh trưởng tốt hơn, khả năng kháng bệnh cao và hệ số tiêu tốn thức ăn thấp hơn.
Cụ thể trong hệ thống sản xuất lợn thương phẩm, các nghiên cứu về tổ hợp lai thương phẩm giữa các giống cao sản Duroc, Pietrain, Yorkshire và Landrace đã được báo cáo với tỷ lệ nạc đạt trên 55%, hệ số chuyển hóa thức ăn thấp hơn 3,2 kg thức ăn/kg tăng trọng và tăng khối lượng đều vượt quá 600 g/con/ngày. Đây sẽ là cơ sở để trang trại anh Nghĩa góp phần vào công tác cải tạo chất lượng gien giống lợn, tạo ra thế mạnh phát triển đàn gia súc chất lượng cao bền vững trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, anh Nghĩa còn phối hợp với Cty CP Chế biến thực phẩm xuất khẩu Nam Định (TP Nam Định) để chủ động đầu ra sản phẩm, đảm bảo sản xuất ổn định. Với tổng mức đầu tư hơn 15 tỷ đồng, dự kiến trang trại chăn nuôi lợn theo công nghệ Thái Lan của anh Nghĩa hằng năm sẽ cung cấp cho thị trường hơn 4.000 tấn lợn thịt siêu nạc cùng hàng nghìn con giống lợn ngoại chất lượng cao.
Từ hai trang trại chăn nuôi lợn theo công nghệ Thái Lan ở Giao Thủy, trong thời gian tới, đàn lợn giống trên địa bàn tỉnh sẽ được nâng cao về chất lượng và năng suất, tạo ra thế mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh.
Related news
Ấp Phú Trung, xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự hiện có trên 70 hộ nuôi bò với gần 500 con bò các loại. Những năm gần đây, người dân đã biết chú trọng nâng cao chất lượng đàn bò, đưa giống bò lai vào nuôi thay thế đàn bò truyền thống và bước đầu đem lại hiệu quả cao.
Đầu tháng 10-2013, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bình Đại (Bến Tre) phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Bình Đại tổ chức thí điểm mô hình nuôi lươn trên cạn cho hộ nghèo tại xã Phú Thuận.
Những ngày này đi vào vùng trồng ớt thuộc xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) mới có thể thấy hết không khí nhộn nhịp của người trồng ớt nơi đây. Nhiều rẫy ớt nằm san sát nhau cùng rộ lên một màu đỏ thắm của ớt chín với cảnh rộn rã nói cười của người thu hoạch ớt...