Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Bò Nhốt Chuồng
Thay đổi tập quán chăn thả truyền thống trước đây, hiện nay nhiều hộ nông dân ở xã Hải Quế, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã chuyển sang nuôi bò theo hình thức nhốt chuồng. Cách nuôi mới này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Dẫn chúng tôi đi thăm các mô hình nuôi bò nhốt chuồng trên địa bàn, chị Lê Thị Hoài Thương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Quế cho biết: “Khoảng vài năm trở lại đây, người dân ở đây đã dần chuyển từ nuôi bò thả rông sang hình thức nhốt chuồng. Với kinh phí đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao nên hầu như mọi người đều đang có xu hướng chuyển sang nuôi theo hình thức này”.
Ghé thăm gia đình ông Nguyễn Truyền ở thôn Kim Long, chúng tôi chứng kiến đàn bò lai 10 con của gia đình ông rất to béo, khỏe mạnh. Vừa mang cỏ cho đàn bò ăn, ông Truyền phấn khởi cho biết, ông đã có thâm niên hàng chục năm nuôi vịt đàn, nhưng qua đài báo và lên mạng internet tìm hiểu nhu cầu thị trường, nhận thấy hình thức nuôi bò nhốt chuồng có hiệu quả kinh tế cao lại phù hợp với điều kiện gia đình nên ông đã chuyển hẳn sang nuôi bò nhốt.
Ông Truyền phân tích thêm: “So với vịt thì nuôi bò ít tốn công chăm sóc hơn, nguồn thức ăn sẵn có, chủ yếu là cỏ ngoài đồng cắt về, thêm ít phụ phẩm nông nghiệp như khoai, sắn nên chi phí đầu tư thấp. Bò lại ít bị bệnh tật, có thể nuôi khép kín trong diện tích nhỏ nên dễ chăm sóc, giá thành lại cao. Chính những ưu thế đó nên nuôi bò nhốt là hướng đi thích hợp cho người chăn nuôi bò hiện nay”.
Đầu năm 2012, gia đình ông Truyền đầu tư 79 triệu đồng mua đàn bò 5 con, chỉ sau một thời gian ngắn đã phát triển lên được 10 con. Hiện đàn bò của gia đình ông phát triển khỏe mạnh.
“Riêng cặp bê mới chỉ hơn 1 tháng tuổi của tôi đã có người đến đặt cọc mua 10 triệu đồng mỗi con mà tôi không bán. Hiện qua tính toán, tôi thấy đã có lãi chắc trong tay không dưới 50 triệu đồng từ đàn bò của mình”, ông Truyền cho biết.
Cũng thông qua mô hình này, nhiều hộ gia đình nông dân ở xã Hải Quế đã từng bước vượt qua khó khăn. Điển hình như gia đình bà Nguyễn Thị Lựu, 52 tuổi ở thôn Kim Long. Năm 2010, trong một trận lốc, do cây gãy đè trúng người nên chồng bà không may mất sớm, để lại bà với 4 đứa con. Từ ngày chồng mất, kinh tế gia đình bà gặp nhiều khó khăn, nhất là khi cả gia đình chỉ phụ thuộc vào làm mấy sào ruộng và chăn nuôi lặt vặt. Trước khó khăn đó, qua gom góp và vay mượn, bà mua được 2 con bò, 2 con trâu để nuôi nhốt. Hàng ngày bà và các con đi cắt cỏ từ các cánh đồng về cho ăn. Nhờ tiết kiệm hết mức chi phí nên từ đàn trâu, bò của mình, mỗi năm gia đình bà cũng có khoản thu nhập trên 10 triệu đồng, vượt qua được khó khăn trong cuộc sống.
Hay như gia đình anh Nguyễn Cư, từ một hộ gia đình hết sức khó khăn nhưng không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả nhờ mô hình nuôi bò nhốt. Khoảng những năm 2000, từ cặp bò do bố mẹ cho, anh Cư đã cần mẫn gầy đàn, sau này cải tạo bằng cách phối giống bò lai Sind nên chất lượng đàn bò đã được nâng lên. Ngoài nuôi bò sinh sản, anh Cư cũng là người buôn bán bò có tiếng trong vùng. Anh thường đi khắp nơi để tìm mua bò với giá rẻ, thể trạng không được mạnh khỏe về vỗ béo bán kiếm lời. Cũng nhờ năng động và chịu khó nên mỗi năm, chỉ tính riêng từ nuôi bò nhốt và buôn bán bò, anh có thu nhập trên dưới 100 triệu đồng.
“Giá bò hiện phổ biến ở mức từ 25-30 triệu đồng đối với con trưởng thành (khoảng trên 8 tháng tuổi), cá biệt, có con còn có giá trên 35 triệu đồng. Tính ra, nuôi bò nhốt hiệu quả kinh tế rất cao, trừ mọi chi phí cũng có lãi phân nửa, nếu bò nhà sinh được thì càng có lãi hơn”, anh Cư cho biết
Theo chị Lê Thị Hoài Thương, hiện trên địa bàn xã Hải Quế có hàng trăm hộ gia đình nuôi trâu bò, trong đó có khoảng 40 hộ gia đình chuyên nuôi bò nhốt chuồng với quy mô từ 10 con trở lên. Qua thực tế so sánh các mô hình chăn nuôi trên địa bàn, có thể khẳng định mô hình nuôi bò nhốt chuồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Địa phương cũng đã khuyến khích người dân chuyển dần sang chăn nuôi bò theo mô hình này.
“Về lâu dài, chúng tôi sẽ cố gắng tìm kiếm thêm nguồn vốn vay ưu đãi từ các kênh để có thể hỗ trợ người dân vay phục vụ cho việc phát triển mô hình nuôi bò nhốt nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con”, chị Thương cho biết thêm.
Related news
Nông dân Mai Văn Nên trồng 12 công khoai môn sáp Thái Lan ở khu vực Tà Lọt sau lưng núi Cấm, xã An Cư (Tịnh Biên - An Giang) đạt hiệu quả cao. Ông Nên cho biết, khoai môn sáp Thái Lan được mua giống từ Campuchia, sau 6 tháng trồng cho thu hoạch.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, nhờ điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, bà con ngư dân Quảng Bình đã chủ động bám biển, nên sản lượng đánh bắt được 22.054,4 tấn, tăng 8,1% so với cùng kỳ và sản lượng nuôi trồng đạt 3.084,5 tấn, đưa tổng sản lượng hải sản đạt 25.140 tấn, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Trong đó có 18.500 tấn hải sản có giá trị kinh tế cao, phục vụ xuất khẩu (đạt tỷ lệ 74% tổng sản lượng hải sản).
Vào những ngày này, bà con nông dân toàn tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung cao độ thu hoạch lạc xuân. Năm nay, năng suất trung bình đạt cao, vượt trội so với các năm trước do bà con mạnh dạn đưa vào sản xuất nhiều giống lạc mới và thực hiện các biện pháp chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật. Tuy nhiên, giá lạc trên thị trường liên tục giảm, khiến người dân gặp không ít khó khăn...