Hiệu Quả Từ Mô Hình Hợp Tác Xã Chăn Nuôi Heo
Xã Phú Long, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) là một trong những địa phương có truyền thống và thế mạnh trong phát triển chăn nuôi gia súc. Việc tập trung chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo đầu ra cho các xã viên trong Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi heo Phú Bình là biện pháp hiệu quả để ổn định thu nhập cho bà con trong nghề chăn nuôi.
HTX Phú Bình được thành lập vào cuối năm 2012, có trụ sở tại ấp Phú Bình, xã Phú Long, huyện Châu Thành. Lúc đầu thành lập, HTX có 12 hộ xã viên, vốn điều lệ gần 5 tỷ đồng, đến nay số vốn đã tăng lên 11 tỷ đồng. HTX hiện có 15 xã viên là các hộ chăn nuôi lâu năm trên địa bàn xã. Vốn hoạt động của HTX chủ yếu được sử dụng vào việc hỗ trợ trực tiếp cho các xã viên đầu tư vào con giống, thức ăn, thuốc phòng và trị bệnh, xây dựng cơ bản... HTX còn được hỗ trợ từ nguồn quỹ của Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp để giúp các xã viên xây dựng đảm bảo hệ thống chuồng trại chăn nuôi heo theo hình thức khép kín, được Liên minh HTX hỗ trợ đào tạo về kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ xã viên.
Chủ nhiệm HTX chăn nuôi heo Phú Bình, ông Ngô Phi Dũng cho biết: HTX chọn các hộ xã viên có tâm huyết với ngành chăn nuôi lâu năm trên địa bàn xã. Các hộ xã viên làm đơn vị hạch toán và tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất. Còn lại, hầu hết các vấn đề kinh doanh đầu vào, đầu ra liên quan đến các sản phẩm chăn nuôi chính đều do HTX đảm nhiệm. Sản phẩm chính của HTX là heo thịt thương phẩm, phân phối mua bán theo quy trình chăn nuôi bài bản.
Đến nay, HTX đã ký kết và thực hiện thành công những hợp đồng với các doanh nghiệp chăn nuôi trong và ngoài tỉnh. Cụ thể như: Công ty Vissan, Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp giết mổ tập trung lớn trên địa bàn. Thông qua các mối liên doanh làm ăn với các doanh nghiệp, HTX học hỏi được nhiều kinh nghiệm sản xuất và làm quen với sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Nhờ mô hình này, tổng đàn heo của HTX luôn duy trì ở mức trên 400 heo nái, 4000 con heo thịt. Trong đợt xuất chuồng vừa qua, HTX Phú Bình cung cấp ra thị trường trên 40 tấn heo thịt. Tuy mới hoạt động được hơn 1 năm, nhưng HTX Phú Bình đã cho thấy những bước đi đúng hướng phù hợp với điều kiện sản xuất của các xã viên.
Từ khi tham gia vào HTX, nhiều hộ gia đình đã ăn nên làm ra và phần nào cải thiện được cuộc sống. Anh Nguyễn Văn Thắng ngụ ấp Phú Bình, xã Phú Long, huyện Châu Thành cho biết: "Gia đình tôi có hơn 400m2 chuồng trại nuôi heo, số lượng đàn heo hơn 40 con heo nái, 250 con heo thịt. Mỗi đợt xuất chuồng, sau khi trừ tất cả các chi phí gia đình còn lãi trên 700 triệu đồng".
Ông Ngô Phi Dũng cho biết thêm: Trước đây, các hộ dân chăn nuôi riêng lẻ thường bị các thương lái ép giá. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp là mối hiểm họa của các hộ chăn nuôi nếu không nắm vững khoa học kỹ thuật. Chính vì thế, HTX Phú Bình được thành lập là điều kiện cần và đủ nhằm đảm bảo cho nhu cầu tất yếu của người dân chăn nuôi trên địa bàn xã.
Hiện hệ thống chuồng trại của các thành viên trong HTX đều nằm trong khu quy hoạch chăn nuôi, xây dựng đảm bảo yêu cầu, kỹ thuật theo kinh nghiệm và tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại, thường xuyên có sự kiểm tra của những chuyên gia về ngành thú y nhằm kiểm soát dịch bệnh kịp thời và có biện pháp giúp đàn heo phát triển đạt hiệu quả cao.
Related news
Trên khu đồng trũng, cấy lúa quanh năm mất mùa, gia đình anh Nguyễn Văn Trực và chị Vũ Thị Vụ, thôn 3, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đã mạnh dạn nhận xin dồn đổi ruộng làm trang trại. Đến nay, trang trại nuôi vịt, lợn kết hợp thả cá của gia đình anh Trực cho thu nhập 500 - 600 triệu đồng mỗi năm.
Mùa lũ năm nay, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) có tổng diện tích thả nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa khoảng 170 ha, tập trung ở các xã: Tân Hội, Bình Thạnh và An Bình B. Trong đó, địa phương thả nuôi nhiều nhất là xã Bình Thạnh, với trên 100 ha. Thời điểm này, các hộ nuôi đang bước vào thu hoạch rộ.
Hải Tân là một xã thuộc vùng trũng của huyện Hải Lăng (Quảng Trị), người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những hộ dân sống bằng nghề chài lưới trên sông.