Hiệu Quả Từ Các Mô Hình Kinh Tế Trang Trại
Năm 2012 Trạm Khuyến nông huyện Ba Tơ triển khai mô hình trang trại vườn-ao-chuồng-rừng (VACR) tại hai xã Ba Tiêu và Ba Vinh. Mô hình này đã giúp hộ gia đình biết quản lý, sử dụng tiềm năng sẵn có tại địa phương, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Mô hình trang trại VACR của anh Chế Minh Thái được Trạm Khuyến nông huyện Ba Tơ hỗ trợ thực hiện trên 3 ha, kinh phí đầu tư gần 154 triệu đồng, gồm trồng rừng, nuôi cá, chăn nuôi trâu, heo, nuôi gà thả vườn. Sau 3 năm triển khai, mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế, với thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm (sau khi trừ chi phí).
Gia đình anh Phạm Văn Lam ở xã Ba Vinh cũng được Trạm Khuyến nông huyện đầu tư xây dựng mô hình kinh tế trang trại trên diện tích 2 ha, với tổng kinh phí trên 140 triệu đồng. Mô hình này gồm trồng rừng, chăn nuôi heo ky, gà Hrê thả vườn, nuôi trâu và đào ao nuôi cá. Sau 2 năm triển khai, mô hình đã bắt đầu có thu nhập gần 70 triệu đồng/năm.
Anh Phạm Văn Lam cho biết: Qua thực hiện mô hình do Trạm Khuyến nông đầu tư, trước tiên tôi nuôi được 10 con heo ky, qua quá trình chăm sóc đúng kỹ thuật đàn heo đã sinh sản tôi bán được 14 con, trung bình 1 con 1 triệu đồng.
Bên cạnh đó tôi bán được 60 - 70 con gà Hrê; bán vài trăm ký cá cho nhân dân, tạo điều kiện cho gia đình phát triển kinh tế và nuôi con ăn học.
Tính đến nay, huyện Ba Tơ đã hình thành được gần 70 mô hình kinh tế trang trại với quy mô vừa và nhỏ. Các mô hình là nguồn thu nhập ổn định cho các gia đình từ 70 đến 80 triệu đồng mỗi năm.
Mô hình đã tạo điều kiện giải quyết việc làm, tăng thu nhập, đáp ứng nhu cầu thực phẩm tại chỗ, phát triển kinh tế bền vững tại địa phương. Ngoài các mô hình kinh tế trang trại do Nhà nước hỗ trợ vốn, một số hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư vốn để phát triển sản xuất.
Điển hình như gia đình anh Dương Ngọc Sơn đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng phát triển kinh tế theo quy mô trang trại, qua đó tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho gia đình. Hiện tại anh Sơn đang nuôi 120 con heo siêu nạc, 30 con heo rừng, cứ sau 6 tháng anh xuất chuồng. Bình quân một năm anh Sơn thu nhập khoảng 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thanh Lục - Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ba Tơ cho biết: Từ thực tiễn xây dựng mô hình kinh tế trang trại trình diễn tại 2 xã Ba Tiêu và Ba Vinh, Trạm Khuyến nông phối hợp với UBND xã tổ chức triển khai cho các xã lân cận; đồng thời tổ chức nhân rộng mô hinình theo quy mô lớn hơn và yêu cầu sát với thực tế hơn. Qua đó đã góp phần xoá đói giảm nghèo từng bước phát triển sản xuất theo hướng bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Xí nghiệp gà giống Tam Đảo, thuộc Công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi Việt Nam, chuyên cung cấp cho thị trường giống gà Ross 308 (giống gà của Mỹ). Với khoảng 50.000 gà giống bố mẹ, mỗi năm, Xí nghiệp cung cấp cho các trang trại, cơ sở chăn nuôi khoảng 4,7 vạn gà giống. Để đảm bảo nguồn gà giống khỏe mạnh, Xí nghiệp đặc biệt coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh.
Cây điều nhiều năm mất mùa, mất giá, nhưng thay đổi loại cây trồng khác trên diện tích đất đồi dốc là điều rất khó đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Anh Điểu Đan ở thôn 5, xã Minh Hưng (Bù Đăng - Bình Phước) đã lên rừng mang giống rau nhíp về trồng xen trong vườn điều và ca cao. Đây là cách làm mới, vừa tăng thu nhập, vừa giúp bảo tồn một loại cây thực phẩm, có dược tính của đồng bào Xêtiêng ở Bình Phước.
Từ lần gặp đầu tiên, tôi rất ấn tượng với chú bởi tác phong nhanh nhẹn và cởi mở. Chú là người biết nắm bắt cơ hội để làm kinh tế gia đình: nuôi ong lấy mật và làm du lịch. Chú Lê Hữu Phước, 58 tuổi, một nông dân chân chất, thích học hỏi, ngụ ở ấp Phú Hiệp - xã Vĩnh Bình (Chợ Lách - Bến Tre).