Prices / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Từ Các Liên Minh Sản Xuất Vùng Rau An Toàn

Hiệu Quả Từ Các Liên Minh Sản Xuất Vùng Rau An Toàn
Author: 
Publish date: Wednesday. July 31st, 2013

Xã An Hải (Ninh Phước) có tổng diện tích tự nhiên 2.098,2 ha, trong đó có trên 1.000 ha đất nông nghiệp nhưng có tới 50% là đất cát bạc màu. Nhưng chính trên mảnh đất khô cằn, nóng bỏng này thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng cho nguồn nước ngầm dồi dào, giúp nông dân canh tác quanh năm và hình thành vùng trồng rau an toàn (RAT) nổi tiếng tại tỉnh ta.

Vùng trồng RAT xã An Hải tập trung chủ yếu tại 2 thôn Nam Cương và Tuấn Tú. Về đây trong nắng tháng 8 chói chang, trước mắt chúng tôi vẫn xanh ngát những luống rau màu đang được chăm sóc cẩn thận. Bắt đầu triển khai mô hình sản xuất RAT từ vụ đông-xuân 2009-2010, với diện tích 7 ha theo hướng dẫn của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, đến nay quy mô vùng trồng RAT đã lên 101 ha (43 ha ở Nam Cương và 58 ha ở Tuấn Tú).

Theo anh Hồ Thanh Phong, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hải, đánh dấu cho bước phát triển ấy là sự kiện ra mắt Liên minh sản xuất RAT Tuấn Tú-Đại Lợi và Liên minh sản xuất RAT An Hải vào cuối năm 2010, dưới sự hỗ trợ 40% vốn của Ban quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Liên minh sản xuất RAT Tuấn Tú-Đại Lợi là sự liên kết giữa doanh nghiệp chế biến nông sản Đại Lợi (TP. Hồ Chí Minh) với Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Tuấn Tú, có sự tham gia của 160 hộ nông dân trồng rau ở thôn Tuấn Tú.

Còn Liên minh sản xuất RAT An Hải thực chất là của 72 hộ nông dân thôn Nam Cương (bao gồm cả 8 hộ bên thôn Hòa Thạnh) thông qua Tổ hợp tác sản xuất RAT liên kết với Doanh nghiệp tư nhân Hai Phước (Đài Sơn, Phan Rang-Tháp Chàm). Nói chung, cả 2 liên minh trên đều thực hiện theo hình thức liên kết sản xuất-tiêu thụ RAT do nông dân địa phương làm ra.

Trở lại vùng trồng RAT xã An Hải lần này, chúng tôi không khỏi ấn tượng với những gì đang diễn ra. Theo nhiều nông dân, thông thường mỗi sào trồng RAT, họ giảm được 30% chi phí đầu tư và lãi hơn 25% so với cách trồng tập quán cũ. Sau khi có dự án tài trợ mô hình tưới nước tiết kiệm do Hội Nông dân tỉnh triển khai và được Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh đầu tư xây dựng đường điện hạ thế và 2 trạm biến áp 3 pha (250kVA và 320kVA), vùng trồng RAT 2 thôn Nam Cương và Tuấn Tú đã có bước đột phá mới.

Vụ đông-xuân vừa qua, với 100% diện tích trồng các loại rau như cà rốt, cà chua, hành, cải củ, nông dân đã không còn rau để cung ứng cho thị trường. Anh Hồ Minh Tuyến, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất RAT thôn Nam Cương cho biết: “Đầu ra không còn là vấn đề bận tâm của nông dân, qua hình thức liên minh, doanh nghiệp cam kết mua bằng hoặc cao hơn giá thị trường tại thời điểm. Rau thu hoạch là tiêu thụ ngay trong ngày”.

Mặc dù vụ đông-xuân vùng RAT có năng suất khá cao, đơn cử năng suất cà rốt đạt 3-4 tấn/sào, cải trắng đạt 5-5,5 tấn/sào và cà chua đạt 4 tấn/sào, nhưng trước nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, sản lượng thu hoạch của 101 ha rau các loại đã không kịp đáp ứng.

Đây là dấu hiệu cho thấy đã có tiền đề để vùng RAT xã An Hải phát triển mạnh. Anh Nguyễn Nguyên Hưng, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Tuấn Tú khẳng định: “Tuấn Tú có trên 100 ha đất sản xuất nông nghiệp, nếu nhu cầu tiêu thụ của thị trường vẫn tiếp tục tăng, HTX sẽ đưa thêm diện tích từ 20-30 ha vào trồng RAT”.

Vào vụ hè-thu này, do mưa ít nên diện tích trồng chưa phủ hết, Tổ hợp tác sản xuất RAT thôn Nam Cương mới trồng 38,3 ha cải trắng, hành tây, hành tím và ớt; riêng vùng RAT thôn Tuấn Tú mới xuống giống trồng 10 ha, chủ yếu là hành lá. Theo anh Hồ Minh Tuyến, qua mô hình trồng RAT, ngoài ưu điểm làm giảm nguy hại môi trường và ngộ độc thuốc BVTV đối với người trực tiếp sản xuất và người tiêu dùng, còn nâng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cải thiện đời sống cho người nông dân.

Có thể nói, qua thực tế nhu cầu tiêu thụ RAT trên thị trường, người nông dân trồng RAT ở An Hải đang có nhiều cơ hội để hình thành vùng sản xuất RAT quy mô lớn, nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh và tiếp cận dịch vụ về kỹ thuật, thương mại. Nói cách khác, đây là cơ hội để vùng trồng RAT xã An Hải từng bước tạo dựng thương hiệu, đẩy mạnh tiếp thị và quảng bá sản phẩm. Làm được điều này, An Hải sẽ có thêm điều kiện thuận lợi trên tiến trình xây dựng nông thôn mới.


Related news

Chọn Giống Cá Nàng Hai Nuôi Trong Ao Chọn Giống Cá Nàng Hai Nuôi Trong Ao

Cá nàng hai còn có một tên gọi khác là cá thát lát cườm. Thịt loài cá nàng hai có mùi thơm, chất lượng thịt ngon, có thể chế biến ra nhiều món ăn cao cấp phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Wednesday. July 31st, 2013
Giải Pháp Phát Triển Chăn Nuôi Bền Vững Giải Pháp Phát Triển Chăn Nuôi Bền Vững

Nhận định được những khó khăn gặp phải, Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ hai huyện Pác Nặm đã giảm chỉ tiêu phát triển đàn trâu, bò đến năm 2015 xuống còn 23.000 con. Tuy đã giảm nhưng để hoàn thành được chỉ tiêu này đòi hòi những giải pháp tích cực hơn nữa của ngành hữu quan.

Wednesday. July 31st, 2013
Thả Cá Bản Địa, Bảo Tồn Thủy Sản Nước Ngọt Quí Trên Sông Tiền Thả Cá Bản Địa, Bảo Tồn Thủy Sản Nước Ngọt Quí Trên Sông Tiền

Ngày 21-8, trên sông Tiền, thuộc địa bàn phường Long Thạnh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, Trung tâm giống thủy sản, Chi cục Thủy sản và Hiệp hội Thủy sản tỉnh An Giang (AFA) cùng với nhân dân trong tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, thành phố Cần Thơ đã tổ chức "Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông Tiền".

Wednesday. July 31st, 2013