Giá / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Từ Các Khu Bảo Vệ Thủy Sản Ở Thừa Thiên Huế

Hiệu Quả Từ Các Khu Bảo Vệ Thủy Sản Ở Thừa Thiên Huế
Tác giả: 
Ngày đăng: 08/03/2013

Ba năm trở lại, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thành lập 9 khu bảo vệ thủy sản, nhằm bảo vệ và khai thác thủy sản ở đầm phá ngày một tốt hơn. 
Môi trường và nguồn lợi thủy sản được cải thiện

Hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai và Lăng Cô có diện tích khoảng 22 ngàn ha, là điều kiện rất thuận lợi cho hàng ngàn hộ ngư dân nuôi trồng và khai thác thủy sản. Do chưa có sự quản lý chặt chẽ thời gian qua có nhiều người dân đánh bắt thủy sản trái phép, khiến nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. Ba năm qua, UBND tỉnh có quyết định thành lập 9 khu bảo vệ thủy sản. Việc cấm hoàn toàn các hoạt động kinh tế trong các khu bảo vệ thủy sản tạo điều kiện cho thực vật thủy sinh phát triển tốt, vừa làm nơi trú ẩn an toàn vừa là tạo nguồn thức ăn cho động vật thủy sinh, tôm cá và cải thiện môi trường nước. Tại Khu bảo vệ thủy sản Cồn Cát xã Điền Hải, trữ lượng rong mái chèo, rong cỏ ngựa phát triển gấp đôi; rạm, lươn, cua giống khai thác được nhiều lần so với trước. Có thời điểm như từ ngày 13 đến 15/10/2011, bà con ngư dân khai thác được 3 tấn cá dìa. 
Tại Khu bảo vệ thủy sản đập Tây - Chùa Ma xã Vinh Giang, trữ lượng rau câu phát triển tốt, ngư dân khai thác được khoảng 250 vạn con cá dìa. Tại các vùng ngư trường xung quanh nơi có thành lập khu bảo vệ thủy sản, ngư dân khai thác được nhiều cua giống và rau câu. 
Sau khi có hệ thống các khu bảo vệ thủy sản, nguồn cá dìa giống và dìa thịt phát tán ra bên ngoài được ngư dân khai thác, bán với trị giá 5 tỷ đồng. 
Cần sự đóng góp của cộng đồng ngư dân

Tài chính để phục vụ việc tuần tra là từ cộng đồng ngư dân được tính từ công lao động và nguồn quỹ của chi hội nghề cá chiếm 50,6%; ngân sách nhà nước chỉ chiếm 17,2%. Mặc dù hội viên các chi hội nghề cá sẵn sàng tham gia vào việc tuần tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhưng thiếu phương tiện như thuyền máy phù hợp hoặc có phương tiện thì lại thiếu kinh phí để mua xăng dầu. Vì thế, hoạt động tuần tra không thực hiện được liên tục.

Về lâu dài, nguồn tài chính cho hoạt động tuần tra chỉ dựa vào hội phí của các hội viên chi hội nghề cá và phí quản lý ngư trường. Muốn công tác tuần tra, giám sát các khu bảo vệ thủy sản bền vững, đi vào nề nếp, rất cần sự đóng góp của cộng đồng ngư dân. Để được điều này, ngư dân phải được giao quyền khai thác thủy sản ở các vùng xung quanh khu bảo vệ thủy sản. Thực tế cho thấy, ở những khu bảo vệ thủy sản mà chi hội nghề cá quản lý, đồng thời được giao quyền khai thác thủy sản thì quản lý ngư trường tốt hơn nhiều. Vì vậy, quyền đánh cá xung quanh khu bảo vệ thủy sản có thể là chìa khóa cho nền tài chính bền vững của hệ thống các khu bảo vệ thủy sản quy mô nhỏ ở đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. 
Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục Trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết: “Quản lý Nhà nước về khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây đã có những chuyển biến tích cực, ứng phó với xu hướng suy giảm nguồn lợi và ô nhiễm môi trường thuỷ sản. Trong bối cảnh nguồn lực quản lý Nhà nước có hạn chế về ngân sách và con người, việc huy động các nguồn lực xã hội để tham gia quản lý, bảo vệ nguồn lợi, môi trường thuỷ sinh là cách cần thiết”. 
Tại hội nghị đánh giá và triển khai hệ thống các khu bảo vệ thủy sản đầm phá Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trường Lưu nhấn mạnh: “Nhìn chung, sau khi thành lập các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã có những hướng đi đúng và có nhiều mô hình làm tốt, đem lại hiệu quả cho ngư dân. Tuy nhiên, để tái tạo nguồn lợi thủy sản ở đầm phá cần thiết phải tăng cường thêm khu bảo vệ”. Ông cũng đề nghị, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tiếp tục rà soát, quy hoạch xem khu vực nào ở vùng đầm phá thành lập được khu bảo vệ thủy sản đề xuất lên UBND tỉnh xem xét và có quyết định thành lập, không hạn chế về số lượng”. 
Nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, khoảng 3 năm nay, UBND tỉnh thành lập 9 khu bảo vệ thủy sản: Cồn Cát (Điền Hải, Phong Điền); Vũng Mệ (Quảng Lợi, Quảng Điền); Doi Chỏi (Phú Diên, Phú Vang); Cồn Chìm (Vinh Phú, Phú Vang); Đập Tây-Chùa Ma (Vinh Giang, Phú Lộc); Hòn Núi Quện (Lộc Bình, Phú Lộc), Khe Đập Làng (Lộc Bình, Phú Lộc), Mai Doi Bóng (Vinh Xuân, Phú Vang), Cồn Sầy (Hương Phong, Hương Trà), với diện tích 282,7 ha.


Có thể bạn quan tâm

330ha Nhãn Bệnh Chổi Rồng Đã Phục Hồi 330ha Nhãn Bệnh Chổi Rồng Đã Phục Hồi

Thực hiện công tác dập dịch chổi rồng trên nhãn, tính đến nay, người dân các địa phương trong huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) tiếp tục cắt tỉa, phun thuốc đặc trị nhãn bệnh chổi rồng và đã có 330ha/550ha nhãn bị bệnh chổi rồng phục hồi.

08/03/2013
Giải Pháp Hạn Chế Dịch Bệnh Trong Nuôi Tôm Nước Lợ Năm 2013 Giải Pháp Hạn Chế Dịch Bệnh Trong Nuôi Tôm Nước Lợ Năm 2013

Vừa qua, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã ký văn bản chỉ đạo thực hiện một số giải pháp phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ để hạn chế dịch bệnh và triển khai có hiệu quả vụ nuôi tôm năm 2013.

08/03/2013
Bảo Vệ Sản Xuất Lúa Thu Đông Khi Chính Lũ Bảo Vệ Sản Xuất Lúa Thu Đông Khi Chính Lũ

Theo thống kê của Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 28 trận mưa to, kèm theo giông lốc, sấm sét gây thiệt hại về người và tài sản, làm chết 7 người.

08/03/2013