Hiệu quả phân hữu cơ vi sinh từ chất thải chế biến sắn
Nhờ sử dụng phân bón hữu cơ được chế biến từ chất thải của chế biến sắn, đã giúp tăng mạnh về năng suất, chất lượng, phát triển bền vững cây điều của Bình Phước.
Vườn điều của các thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Bù Nho năng suất vượt trội nhờ bón phân từ dự án. Ảnh: Trần Trung.
Thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH-CN) tỉnh Bình Phước đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng KH-CN sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và các chế phẩm sinh học Hudavil từ chất thải rắn và bùn hồ sinh học của các nhà máy chế biến tinh bột sắn (mì).
Việc sử dụng các chủng vi sinh vật theo công nghệ Hudavil thuộc dự án có nhiều điểm khác biệt so với các công nghệ sản xuất phân vi sinh ở Việt Nam.
Phần lớn phân vi sinh có mặt 8 chủng vi sinh vật với mật độ đạt 106 - 108 CFU/g/chủng, khi bón cho cây trồng có tác dụng phát triển nhanh bộ rễ, tăng cường sự trao đổi chất qua tế bào. Các axít amin giúp tăng hàm lượng protein, lipit, tinh bột..., làm tăng chất lượng của nông sản. Sự có mặt của 8 chủng vi sinh vật hữu ích này tiếp tục chuyển hóa xác động - thực vật, rễ cây thoái hóa cho vùng rễ của cây trồng, giúp giảm ngộ độc rễ nên cây sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, kết quả dự án đã đáp ứng được mục tiêu và 14 nội dung được phê duyệt. Dự án đã xây dựng mô hình xưởng sản xuất dịch men với 8 chủng vi sinh vật, khối lượng 18 ngàn lít; xây dựng xí nghiệp sản xuất phân bón sinh học hơn 1.400 tấn; xây dựng 5 mô hình sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh Hudavil cho 5 loại cây trồng chủ lực của địa phương, mỗi mô hình 50 ha; xây dựng 2 kiểu dáng công nghiệp hàng hóa; tổ chức đào tạo 10 kỹ thuật viên cơ sở làm chủ công nghệ sản xuất và các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề hướng dẫn sử dụng phân bón vi sinh cho nông dân…
Theo Thạc sỹ Trịnh Kiều Dung, Chủ nhiệm dự án, hiện mỗi năm nhu cầu trên địa bàn tỉnh Bình Phước ước cần khoảng 400.000 đến 500.000 tấn phân hữu cơ vi sinh chất lượng cao để cải tạo đất, công nghệ sản xuất hàng hóa xanh, sạch trong nông nghiệp.
Về yếu tố môi trường, dự án đã xử lý được ô nhiễm từ nguồn chất thải sau sản xuất tinh bột sắn và tái chế nguồn chất thải để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh chất lượng cao, cung ứng với giá hợp lý cho nhu cầu của nông dân trên địa bàn tỉnh.
Về cây trồng, qua theo dõi, phân bón hữu cơ Hudavil có ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển tốt trên các nhóm cây trồng, làm gia tăng năng suất và lợi nhuận. Nhóm cây điều, cà phê, sắn, sầu riêng, quýt tăng năng suất từ (10,5 - 18,4%).
Trong đó, cao nhất là cây quýt tăng 18,4% năng suất, thấp nhất là cây cà phê tăng 10,4%. Đặc biệt, lợi nhuận tăng bình quân trong các nhóm cây trồng từ 15 - 21,1%, cao nhất là nhóm cây điều, cây quýt tăng từ 20,7 - 21,1%. Cơ bản mô hình ứng dụng phân bón hữu cơ vi sinh Hudavil đạt theo yêu cầu đề ra. Năng suất cây trồng khi sử dung phân bón gia tăng từ 10 - 15% và lợi nhuận tăng từ 20 - 30% so với sản xuất đại trà.
Theo ông Nguyễn Thái Lâm, thành viên Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Bù Nho, đơn vị thụ hưởng dự án: Qua 2 năm sử dụng phân từ dự án, chất lượng cây điều được thể hiện rõ rệt, vườn điều xanh tốt, cây chắc khỏe, cho chồi, bông lớn và không có dấu hiệu của các loại bệnh như nhiều vườn điều khác trên địa bàn.
Ông Ninh Quốc Hòa, Chủ tịch Hội nông dân xã Bù Nho, huyện Phú Riềng cho biết thêm, địa phương có 2 mô hình được thụ hưởng dự án, năm đầu tiên bà con đăng ký sử dụng 80 tấn phân hữu cơ vi sinh Hudavil, năm thứ 2 sử dụng 150 tấn, năm thứ 3 sử dụng 250 tấn. Qua hội nghị sơ kết và tổng kết dự án, tất cả bà con đều cho rằng, sau khi sử dụng, năng suất của cây trồng năm sau luôn cao hơn năm trước và đánh giá rất cao về chất lượng sản phẩm phân bón này.
“Để nhân rộng hiệu quả dự án, hiện Trung tâm KH-CN tỉnh đang phối hợp với Hội Nông dân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Liên minh HTX tỉnh xây dựng các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh Hudavil Bình Phước đến từng xã, chi hội nghề nghiệp trong toàn tỉnh; tổ chức hội thảo để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, cũng như hỗ trợ 30 - 50% giá phân bón cho những hộ dân tiếp tục tham gia mô hình thụ hưởng", Tiến sỹ Đàm Văn Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm KH-CN tỉnh Bình Phước cho biết.
Related news
Nguồn chất thải gây ô nhiễm môi trường từ các nhà máy chế biến tinh bột sắn có thể trở thành nguồn phân hữu cơ quý giá nhờ công nghệ xử lý men vi sinh.
Không chỉ phá hoại mùa màng và cây trồng với tốc độ đáng kinh ngạc, phân của loài sâu bướm thải ra còn làm cho biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn?
Từ phụ phẩm vỏ cà phê, người nông dân trồng cà phê đã ủ làm thành phân hữu cơ bón lại cho cây, vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa làm đất tơi xốp.