Prices / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Nuôi Lợn Theo Mô Hình Khép Kín

Hiệu Quả Nuôi Lợn Theo Mô Hình Khép Kín
Author: 
Publish date: Wednesday. June 27th, 2012

Hiện nay khi tình hình dịch bệnh thường xuyên xảy ra trên đàn vật nuôi thì việc vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh càng được các hộ chăn nuôi đặc biệt quan tâm. Và nuôi lợn theo mô hình khép kín của gia đình anh Bùi Danh Dự, phố Chu Văn An, thị trấn Đầm Hà (huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) là một ví dụ điển hình, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như giảm khả năng mắc bệnh và lây truyền bệnh cho vật nuôi.

Trước đây, cũng giống như bao hộ gia đình khác, gia đình anh Dự nuôi lợn theo qui mô nhỏ lẻ manh mún. Song nhận thấy hiệu quả sản xuất chưa cao và việc chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường hơn nữa khả năng mắc bệnh dịch của lợn tương đối cao, đầu năm 2007, gia đình anh đã vay vốn, mạnh dạn đầu tư xây dựng khu chăn nuôi khép kín. Khu chuồng trại của gia đình anh có diện tích khoảng 800 m2, chia làm 3 khu, được bố trí một cách khoa học phù hợp với lứa tuổi của đàn lợn, bao gồm khu chăn nuôi lợn nái sinh sản, khu lợn con và sau cùng là khu nuôi lợn thịt. Khu chuồng trại được che kín xung quanh bằng tường xi măng và các tấm nilon có thể cuốn lên hay hạ xuống đảm bảo độ sáng cần thiết cho lợn. Chuồng trại xây dựng mát mẻ, thông thoáng và thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ, phun hoá chất khử trùng tiêu độc, cách li với môi trường xung quanh. Đặc biệt không có mùi hôi đặc trưng của một trại lợn cũng không có ruồi nhặng và côn trùng gây hại. Anh Dự cho biết: Chăn nuôi quan trọng nhất là phải tiêm phòng đầy đủ cho đàn lợn, 
thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra thú y và giữ cho nhiệt độ của chuồng lợn hợp lý. Chính vì vậy gia đình tôi đã chủ động tìm hiểu qua sách báo và sự hướng dẫn của nhân viên thú y để đảm bảo môi trường chăn nuôi an toàn, tiêm ngừa dịch bệnh cho lợn đúng thời điểm và liều lượng. Kể từ năm 2007 đến nay, gia đình anh Dự thường xuyên duy trì 18 con lợn nái sinh sản lấy lợn con giống để nuôi thương phẩm. Các lứa lợn con được sinh ra gối nhau nên chuồng nuôi lợn thương phẩm nhà anh lúc nào cũng có khoảng 100 - 200 con. Với qui mô chăn nuôi khá lớn như vậy nhưng mọi công việc từ cho ăn, vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng… đều do hai vợ chồng anh Dự tự tay đảm nhận mà không thuê mướn thêm nhân công. Nhờ mạnh dạn áp dụng đúng qui trình kĩ thuật cùng với những kinh nghiệm tích luỹ và sự cần cù nên đàn lợn nuôi của gia đình anh chưa bao giờ bị mắc bệnh, bình quân mỗi năm cho thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng/năm.

Cùng với đó, để tạo khí đốt cho gia đình, tiết kiệm chi phí, tận dụng chất thải đồng thời giảm ô nhiễm môi trường, được sự hướng dẫn và hỗ trợ của huyện, gia đình anh đầu tư lắp đặt hệ thống biogas gồm hai hầm chứa thể tích 30 m3 mỗi hầm phía sau chuồng trại. Chỉ với trên 15 triệu đồng cho hệ thống biogas cùng vài cải tiến nhỏ, anh Dự đã đạt được thành công ngoài dự kiến, phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong gia đình. Việc sử dụng hầm biogas cũng đã tiết kiệm cho gia đình anh từ vài triệu đồng mỗi tháng so với việc dùng gas mà vẫn an toàn và hiệu quả.

Chia sẻ về việc tiêu thụ sản phẩm, anh Dự cho biết: Thức ăn chăn nuôi lợn của gia đình chủ yếu bằng cám, ngô, khoai, rau… không có thuốc tăng trọng hay các chất tạo nạc, lợn thường xuyên được tiêm phòng cẩn thận nên chúng khoẻ mạnh, thịt lợn chắc. Do đó khi đàn lợn được xuất bán, thường đạt bình quân 95 kg – 100 kg/con, gia đình tôi chỉ cần gọi điện là tư thương đánh ô tô đến tận nhà để thu mua. Nhận thấy, mô hình chăn nuôi khép kín của gia đình vừa đảm bảo các yêu cầu vệ sinh môi trường, vừa phòng ngừa dịch bệnh đem lại hiệu quả cao, nên gia đình tôi đã vận động nhân rộng cho các hội viên trong CLB chăn nuôi trong thị trấn thực hiện.

Với diễn biến phức tạp của bệnh dịch như hiện nay, mô hình chăn nuôi khép kín như của gia đình anh Dự là một trong những giải pháp giúp người chăn nuôi giảm bớt rủi ro bệnh dịch cho đàn vật nuôi.

Related news

Thu Nhập Cao Từ Nuôi Cá Giống Kết Hợp Với Ba Ba Thu Nhập Cao Từ Nuôi Cá Giống Kết Hợp Với Ba Ba

2 năm gần đây, gia đình anh Nguyễn Ngọc Vinh - chuyên làm cá giống ở xóm 7, xã Phú Xuyên (Đại Từ - Thái Nguyên) đã tận dụng mặt nước thả thêm ba ba, cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm.

Wednesday. June 27th, 2012
Làm Giàu Từ Nuôi Tôm, Cua Kết Hợp Ở Cà Mau Làm Giàu Từ Nuôi Tôm, Cua Kết Hợp Ở Cà Mau

Mỗi năm huyện Đầm Dơi (Cà Mau) có hơn 10.000 nông dân sản xuất giỏi các cấp. Nhiều hộ nhờ cần cù, chịu khó, áp dụng tốt khoa học - kỹ thuật trong quá trình sản xuất, chăn nuôi và thực hiện tốt chủ trương đa cây, đa con, đã trở nên giàu có. Ông Nguyễn Văn Thượng ở ấp Tân Hiệp, xã Tân Dân là một điển hình.

Wednesday. June 27th, 2012
Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Nuôi Cá Trắm Ở Thái Nguyên Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Nuôi Cá Trắm Ở Thái Nguyên

Thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp người dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Định Hoá (Thái Nguyên) đã xây dựng thành công mô hình nuôi cá trắm cỏ bán thâm canh, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

Wednesday. June 27th, 2012