Hiệu Quả Mô Hình Ương Nuôi Cá Chép Trong Ao
Trên địa bàn thị xã Tam Điệp (Ninh Bình), diện tích nuôi trồng thuỷ sản đang được mở rộng, tuy nhiên các hộ nuôi nơi đây chủ yếu vẫn trông chờ vào nguồn cá giống do thương lái đưa về, vận chuyển xa nên chất lượng cá không đảm bảo, tỷ lệ sống thấp, cá nuôi chậm lớn, hay bị bệnh, năng suất không cao.
Để giúp người nuôi trồng thuỷ sản chủ động được nguồn giống, đảm bảo về chất lượng, UBND thị xã Tam Điệp đã hỗ trợ xây dựng đề tài KHCN “Xây dựng mô hình ứng dụng kỹ thuật nuôi ương cá chép từ cá hương lên cá giống cung cấp cho vùng nuôi trồng thuỷ sản”. Đề tài được thực hiện tại thôn Đoàn Kết, xã Yên Sơn, thị xã Tam Điệp.
Ông Phạm Trung Kiên - chủ nhiệm đề tài cho biết: Đề tài chọn đối tượng là cá chép do giống cá này có nhiều ưu điểm nổi trội so với những giống cá khác như tốc độ tăng trưởng nhanh, thích nghi tốt với các loại hình thuỷ vực trong ao, hồ. Thức ăn của chúng đa dạng, là loài dễ nuôi, dễ tiêu thụ. Mô hình có quy mô thực hiện là 17.000 m2 với tổng số cá đưa vào ương là 425.000 con.
Trong quá trình triển khai mô hình, thời gian đầu cũng gặp không ít khó khăn vì địa hình miền núi phức tạp, hơn nữa do sử dụng nguồn nước chung trong khi bà con chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường nên việc xử lý nước cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, do nắm vững kỹ thuật và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình từ cải tạo ao, bón phân, gây màu, đảm bảo tốt khẩu phần ăn qua các giai đoạn cũng như phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để phòng trừ, đàn cá giống phát triển khá tốt, tốc độ sinh trưởng nhanh.
Kết quả sau 4 tháng thực hiện ươm nuôi, số lượng cá giống thu được là 9 tấn, trọng lượng cá đạt khoảng 300g/con. Với giá bán 60 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí người nuôi thu lãi trên 30 triệu đồng.
Trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó phòng Kinh tế thị xã Tam Điệp, được biết: Trên địa bàn thị xã Tam Điệp diện tích ruộng trũng chỉ trồng được một vụ lúa rất lớn. Hiện nay thị xã đang khuyến khích bà con chuyển đổi cấy 1 vụ lúa, thả 1 vụ cá. Thành công của mô hình ương nuôi cá chép từ cá hương lên cá giống đã giúp bà con chủ động được con giống tại chỗ, rút ngắn thời gian nuôi, hạn chế được thiệt hại do thiên tai lũ lụt, hạn chế được bệnh trên cá, năng suất và sản lượng cũng được nâng cao.
Bên cạnh đó, mô hình đã góp phần đẩy mạnh phong trào nuôi cá, tạo công ăn việc làm, giúp xoá đói, giảm nghèo, tăng thêm thu nhập cho người dân. Thời gian tới, thị xã sẽ tiếp tục hỗ trợ mở rộng quy mô, phạm vi ương nuôi các loại cá giống khác, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu nuôi trồng thuỷ sản của bà con nông dân.
Related news
Tính đến ngày 15/4 đã có hơn 40 ngàn hecta nhiễm, trong đó có 17 ngàn hecta nhiễm nặng, khoảng 43 ngàn ha cần được phun thuốc phòng trừ. Các địa phương bị nặng nhất là Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình. Sâu cuốn lá nhỏ chủ yếu xuất hiện trên những ruộng cấy sớm, phát triển xanh tốt.
Về vùng nuôi tôm Công Lương, xã Hoài Mỹ (Hoài Nhơn) vào những ngày cuối tháng 4 này, chúng tôi được biết vấn đề thời sự của người dân ở đây là nạn dịch tôm đang hoành hành. Trước đây, vùng nuôi tôm Công Lương chưa bao giờ bị dịch bệnh vì cơ sở hạ tầng nuôi tôm nơi đây được Nhà nước đầu tư khá tốt, tính cộng đồng trong nuôi tôm cũng được người nuôi thực hiện chu đáo.
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xuất hiện phong trào nuôi lươn trong bể bạt cho hiệu quả kinh tế cao, bởi chi phí đầu tư thấp, dễ nuôi, thị trường ổn định. Sự thành công của các hộ nuôi lươn ở xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ là một ví dụ.