Giá / Tin nông nghiệp

Hiệu quả mô hình nuôi lươn dưới tán dừa

Hiệu quả mô hình nuôi lươn dưới tán dừa
Tác giả: Nguyễn Trung
Ngày đăng: 26/11/2019

Hiện nay, phong trào nuôi lươn đồng phát triển khá phổ biến nhưng hầu hết chưa chủ động được nguồn con giống, vẫn phải mua giống được đánh bắt từ thiên nhiên. Loại giống này thường bị câu hay chích điện dẫn tới tỷ lệ hao hụt cao, lươn sinh sản kém, chậm lớn. Mới đây, anh Đặng Văn Hoàng, ấp Tân Quí, xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri đã thành công trong việc nhân giống lươn đồng dưới tán dừa.

Anh Đặng Văn Hoàng (phía phải) giới thiệu mô hình nuôi lươn của gia đình. Ảnh: Nguyễn Trung

Anh Đặng Văn Hoàng cho biết, do đời sống kinh tế khó khăn, năm 1991, anh và gia đình đến lập nghiệp tại vùng kinh tế mới xã Tân Mỹ. Bước đầu, gia đình anh thuê 7.000m2 đất của Ủy ban MTTQ huyện để phát triển sản xuất. Để động viên khuyến khích gia đình anh, đơn vị cho thuê không thu tiền thuê trong 3 năm đầu.

Trước khi đến với nghề nuôi lươn sinh sản, trên 7 công đất xung quanh nhà được anh trồng lúa, mía, chuối và xen cây dừa. Nhờ miệt mài chăm sóc nên mảnh vườn luôn cho thu hoạch cao, kinh tế gia đình anh ngày càng ổn định và không ngừng phát triển.

Không dừng lại với việc phát triển vườn chuyên canh, sau nhiều trăn trở, suy nghĩ tìm hướng phát triển mới trên mảnh đất hiện hữu của mình, anh Hoàng đã quyết định đầu tư thêm nghề nuôi lươn sinh sản. Năm 2014, qua tìm hiểu chương trình khuyến nông trên các phương tiện thông tin đại chúng, anh đầu tư xây dựng mô hình. Bước đầu, mô hình của anh được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 200kg lươn giống và 30% chi phí thức ăn.

Dưới tán vườn dừa, anh Hoàng xây dựng 150 bể, quy cách 1m x 2m, dưới đáy lót bạt chứa bùn để thả lươn giống. Theo anh Hoàng, trọng lượng lươn cái sinh sản khoảng 100 gam/con là thời kỳ lươn đẻ năng suất cao nhất, bình quân anh vớt gần 1.000 lươn con/ngày. Sau đó anh tiếp tục nuôi 1,5 - 2 tháng là bán lươn giống với giá từ 2.000 - 12.000 đồng/con. Trung bình mỗi tháng, cơ sở của anh Hoàng cung ứng cho thị trường trong tỉnh, các tỉnh Tây Nguyên, miền Đông từ 10 - 20 ngàn lươn con, hàng trăm ký lươn thịt và lươn giống bố, mẹ. Mỗi năm, anh thu nhập trên 200 triệu đồng.

Theo Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Mỹ Nguyễn Quang Vinh, mô hình nuôi lươn của anh Đặng Văn Hoàng rất hiệu quả, điều kiện nhân rộng mô hình này rất khả quan. Lãnh đạo địa phương đã chỉ đạo cán bộ phụ trách phối hợp với nông dân tiến hành rà soát và nhân rộng mô hình, nhằm tạo điều kiện để các nông hộ có diện tích đất ít phát triển kinh tế.


Có thể bạn quan tâm

Nông dân mê máy làm đất đa năng Nông dân mê máy làm đất đa năng

Máy làm đất đa năng từ khâu cày chuyển qua bừa hoặc xới cỏ thì khi thay giàn công cụ không quá 3 phút, máy gọn nhẹ nên phụ nữ điều khiển được

26/11/2019
Góc nhìn của nông dân sản xuất lúa đặc sản Góc nhìn của nông dân sản xuất lúa đặc sản

Phải khẳng định rằng, canh tác lúa đặc sản một thời gian dài đã góp phần tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất sản xuất so với việc canh tác giống lúa thường

26/11/2019
Quy trình sản xuất bột matcha Quy trình sản xuất bột matcha

Người dân Lai Châu sản xuất bột matcha trải qua nhiều công đoạn: thu hoạch, làm mát, hấp, sấy khô, xay bột, bảo quản.

26/11/2019