Hiệu Quả Của Công Nghệ Sinh Thái Và Bảo Tồn Ong Mật
Ngày 9/5, tại Tiền Giang, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam hợp tác cùng chuyên gia Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) do Tiến sĩ KL. Heong và Tiến sĩ Monina M. Escalada phối hợp UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức sơ kết Chương trình “Công nghệ sinh thái và bảo tồn ong mật, thụ phấn tăng năng suất cây trồng” lần đầu tiên tại các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ và khu vực ĐBSCL.
Theo các chuyên gia, lần đầu tiên thực hiện thí điểm mô hình trong vụ lúa đông xuân 2009 - 2010 ở xã Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy) và xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè) của tỉnh Tiền Giang, với 20.000 cây hoa đủ loại xung quanh khu ruộng rộng 35ha. Sau đó, tỉnh An Giang bắt đầu phát triển mô hình công nghệ sinh thái với diện tích 100ha của 350 nông dân tham gia.
Kết quả cho thấy, trên mỗi ha ruộng lúa, nông dân tiết kiệm được 400.000 đồng chi phí thuốc phòng trừ sâu rầy và 100.000 đồng tiền thuê nhân công phun thuốc; nông dân giảm được 4 - 5 lần phun thuốc trừ rầy và sâu cuốn lá nhưng vẫn đạt năng suất từ 6 - 6,5 tấn/ha ở vụ hè thu và thu đông, 7,5 - 8 tấn/ha ở vụ đông xuân (có nơi đạt đến 9 tấn/ha), tăng từ 0,5 - 1 tấn/ha so với canh tác bình thường.
Tiến sĩ KL. Heong, Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế IRRI cho biết, trồng cây có hoa trên bờ ruộng để hấp dẫn và nuôi dưỡng ong ký sinh sâu hại lúa đến hút mật và phấn hoa, sau đó bay trở lại ruộng tìm sâu hại để đẻ trứng. Trên ruộng lúa, sâu rầy vẫn có nhưng thiên địch sẽ nhiều hơn, giúp tiêu diệt sâu rầy, bảo vệ sản xuất và tạo sinh cảnh đẹp vì bờ ruộng có hoa. Nhờ vậy mà nông dân không cần phun thuốc bảo vệ thực vật, trừ khi nào cấp thiết nhất mới phải sử dụng theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.
Theo TS. Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, trồng hoa trên bờ ruộng là một mô hình mới rất có triển vọng, phù hợp với việc phát triển một nền nông nghiệp bền vững. Khi trồng hoa, nông dân cần chú ý đến giống hoa được khuyến cáo trồng rộng rãi để có tác dụng thu hút, nhân nuôi các côn trùng có ích, các thiên địch, đặc biệt là loài ong ký sinh tốt như: Hoa sao nhái, hoa cẩm tú, hoa quỳ, hướng dương, bông trang, mè, đậu bắp, đậu xanh... Trồng hoa trước khi sạ lúa, tốt nhất là từ 20 ngày đến 1 tháng, hoặc trồng cây hoa trực tiếp trên bờ ruộng từ 7 - 10 ngày.
Related news
Tại Hội nghị quốc tế Mối đe dọa về lạm dụng thuốc trừ sâu trong hệ sinh thái lúa - Tìm kiếm giải pháp khắc phục do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức tại Hà Nội vào sáng nay (16/12), các chuyên gia của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) cho biết việc sử dụng thuốc trừ sâu sai mục đích hoặc phun thuốc bừa bãi đã vô tình tiêu diệt nhiều loài thiên địch bắt mồi, làm gia tăng dịch bệnh.
Hiện nay, nấm xanh đang được nhân rộng tại các địa phương và hầu hết bà con nông dân đều quan tâm đến mô hình này. Cán bộ bảo vệ thực vật thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A Nguyễn Thanh Phong cho biết: Được sự hỗ trợ của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, địa phương đã gieo cấy nấm xanh khoảng 15ha lúa Đông xuân tại ấp 3B. Từ thực tế cho thấy, mô hình nấm xanh đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con nông dân trong công tác phòng trừ sâu hại, đặc biệt là không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Theo báo cáo của ngành BVTV và phản ảnh của một số Sở NN-PTNT các tỉnh phía Bắc thì tình hình sâu bệnh hại trên cây lạc đang có chiều hướng phát triển mạnh, gây hại nặng trên diện rộng, đặc biệt là những vùng chuyên canh lạc như Ninh Bình, Nghệ An, Bắc Giang, Vĩnh Phúc…