Prices / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Cánh Đồng Mẫu Vùng Đầu Nguồn An Giang

Hiệu Quả Cánh Đồng Mẫu Vùng Đầu Nguồn An Giang
Author: 
Publish date: Thursday. February 21st, 2013

Tổng kết sản xuất vụ thu đông năm 2012, nông dân xã Tân Thạnh – vùng đầu nguồn của thị xã. Tân Châu (tỉnh An Giang) vô cùng phấn khởi bởi hiệu quả từ cánh đồng mẫu mang lại. Với năng suất thu hoạch đạt 7,1 tấn/ha, giá lúa 5.000 đồng/kg, giá thành sản xuất chỉ 2.800 đồng/kg; sau khi trừ chi phí còn thu lợi nhuận trên mỗi ha 15,5 triệu đồng.

Cánh đồng mẫu xã Tân Thạnh có tổng diện tích gần 150 ha, thu hút 133 nông dân tham gia thông qua đầu mối Hợp tác xã (HTX) Tân Phú A1. Đây là vụ thứ 2 liên tiếp, nông dân xã này thực hiện cánh đồng mẫu dưới sự liên kết của nhiều đơn vị, doanh nghiệp như: Công ty vật tư HAI đầu tư thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân; Công ty Xuất nhập khẩu An Giang và Công ty TNHH may thêu Lan Anh đầu tư phân bón. Đặc biệt, Công ty CP Toàn Cầu đầu tư giống xác nhận OM 6976 để nông dân sản xuất; đồng thời chịu trách nhiệm thu mua toàn bộ lúa của nông dân. Giá thu mua được tính theo giá thị trường tại ngày thu mua, cộng thêm 150 đồng/kg với điều kiện ẩm độ lúa không quá 25 độ.

Nông dân Trịnh Văn Dứt, Chủ nhiệm HTX Tân Phú A1 cho biết, được hỗ trợ như vậy nên nông dân tham gia cánh đồng mẫu nhiều hơn gấp đôi so với vụ hè thu năm 2012. Cánh đồng mẫu cho nhiều cái lợi, trước mắt là mua phân thuốc không phải lo sợ hàng giả, hàng kém chất lượng vì được đặt mua từ đại lý cấp I; riêng đối với phân bón thì mỗi bao mua giá rẻ hơn 15.000 đồng. Đến khi thu hoạch bán lúa được giá cao hơn giá thị trường nên bà con nào cũng khoái.

Về phương thức thanh toán khá nhanh lẹ, công ty cân lúa của nông dân xong ra phiếu cân hàng và trong ngày hôm sau tiến hành thanh toán tiền cho nông dân ngay tại trụ sở HTX Tân Phú A1. Trường hợp nông dân không muốn bán ngay thì lúa được công ty cân nhận và ra phiếu gởi kho (không tính phí). Thời hạn trong vòng 1 tháng khi nông dân cần bán thì cắt giá theo thị trường và vẫn được hưởng chênh lệch 150 đồng/kg…

Nông dân Trịnh Văn Dứt cho rằng: "Dù vai trò của HTX khá nặng nề nhưng Ban chủ nhiệm rất quyết tâm thực hiện mô hình này, sẵn sàng đầu tư tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nông dân. Nhờ HTX có con người, có tiền bạc, máy móc… coi như có tất cả phục vụ bà con ngon lành nên quá trình làm cũng dễ! Tới đây, HTX sẽ động viên, tuyên truyền 100% xã viên và nông dân trong HTX cùng tham gia vô cánh đồng mẫu lớn hơn với diện tích từ 500 ha trở lên".

Để nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như đáp ứng nhu cầu, điều kiện về chất lượng hạt lúa của công ty thu mua, trong suốt vụ nông dân được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn các biện pháp canh tác kỹ thuật như: Ghi chép sổ tay, thực hiện 4 nguyên tắc IPM, áp dụng công nghệ sinh thái, "1 phải, 5 giảm", quản lý dịch hại… Nông dân Dương Văn Nghĩa, ngụ ấp Giồng Trà Dên, bộc bạch: "Qua quá trình học tập đã nâng cao trình độ sản xuất của chúng tôi lên rõ rệt, làm thay đổi các quan điểm lạc hậu trước đây. Trước khi học chúng tôi cứ nghĩ có sâu hại là cần phải phun xịt ngay, có khi phun ngừa trước. Cứ tưởng như thế là đem lại hiệu quả nhưng sau khi học mới hiểu ra trên đồng có rất nhiều đối tượng thiên địch khống chế sâu hại.

Chính sự xử lý bừa bãi thuốc trừ sâu đã làm bộc phát sâu hại, làm ô nhiễm môi trường, đặc biệt là vô tình mình tự tích lũy độc chất trong cơ thể lâu ngày gây bệnh mãn tính và làm tăng chi phí trong sản xuất". Cùng với những nông dân thực hiện cánh đồng mẫu, nông dân Nghĩa mong mỏi mô hình này tiếp tục được mở rộng diện tích để trở thành cánh đồng mẫu lớn; đồng thời được nhân rộng nhiều nơi giúp nông dân làm ra sản phẩm chất lượng, hiệu quả ngày càng cao hơn để nâng cao đời sống cho bà con.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang đánh giá cao kết quả thực hiện cánh đồng mẫu xã Tân Thạnh. Ông cho rằng, nông dân trong mô hình có thể liên kết cùng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trên đồng ruộng, trong đó tiêu chí rất quan trọng là đã thực hiện được chương trình "1 phải, 5 giảm" giúp bà con nâng cao chất lượng hạt gạo, hạ giá thành sản xuất so ruộng ngoài mô hình.

Qua đó, góp phần tăng thêm lợi nhuận cao hơn ruộng của nông dân bên ngoài với mức chênh lệch khá hấp dẫn 3,4 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, Thạc sĩ Nguyễn Hữu An cũng lưu ý bà con sản xuất trong những vụ tới đây phải sử dụng giống sao cho hiệu quả hơn, giảm lại lượng giống gieo sạ để nhằm tiết kiệm và giúp hạn chế các loại sâu bệnh. Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Tân Châu Nguyễn Phước Hưng, thành công bước đầu của cánh đồng mẫu Tân Thạnh là điều kiện để địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình này ở những nơi khác.

Trong đó, lưu ý sự đồng tình hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp trong chia sẻ lợi ích, trách nhiệm là điều rất quan trọng! Thị ủy và UBND thị xã rất quan tâm về mặt chủ trương, cơ chế chính sách khuyến khích các xã, phường thực hiện cánh đồng mẫu trên tinh thần đã hội đủ các điều kiện cần thiết. "Chúng ta làm từng bước, có hiệu quả chứ không triển khai cánh đồng mẫu rầm rộ mà không khả quan" - ông Nguyễn Phước Hưng nhấn mạnh.


Related news

Bắt Được Cá Hô Nặng 130 Kg Bắt Được Cá Hô Nặng 130 Kg

Một con cá hô có trọng lượng trên 130 kg đã được ngư dân bắt trên sông Hậu.

Thursday. February 21st, 2013
Giá Cá Tra Tiếp Tục Giảm Mạnh Giá Cá Tra Tiếp Tục Giảm Mạnh

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện giá cá tra tại các tỉnh ĐBSCL tiếp tục giảm mạnh xuống dưới 20.000 đồng/kg, giảm từ 7.000 đến 7.500 đồng so với tháng 1.

Thursday. February 21st, 2013
Đến Năm 2020, Vẫn Giữ 3,8 Triệu Héc Ta Đất Lúa Đến Năm 2020, Vẫn Giữ 3,8 Triệu Héc Ta Đất Lúa

Trả lời phỏng vấn trong chuyên mục “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” trên VTV vào tối 24/6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, dù các địa phương có phương án lấy đất để thực hiện các dự án phi nông nghiệp, Nhà nước vẫn cố gắng bảo vệ quỹ đất lúa, bảo đảm đến năm 2020, nước ta vẫn giữ được 3,8 triệu héc ta đất lúa.

Thursday. February 21st, 2013