Hệ Thống Khuyến Nông Của Thái Lan Và Một Số Nước Asean
Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, hoạt động khuyến nông Việt Nam cần tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và hợp tác với hệ thống khuyến nông các nước trên thế giới; đặc biệt là các nước ASEAN.
Thực tế một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Myanmar.., bên cạnh các Cục Quản lý SX chuyên ngành như Cục Nông nghiệp, Cục Lâm nghiệp, Cục Thủy lợi, Cục Thủy sản... đều có Cục Khuyến nông để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác khuyến nông và chuyển giao công nghệ đến nông dân.
Ngành nông nghiệp các nước ASEAN không chỉ có những điểm chung về thời tiết, khí hậu, về điều kiện SX mà còn có những điểm tương đồng mà Việt Nam có thể học tập và vận dụng.
1. Hệ thống Khuyến nông Thái Lan
Thái Lan có điều kiện tự nhiên và khí hậu tương tự miền Nam Việt Nam với nền nông nghiệp tiên tiến ứng dụng công nghệ cao trong SX. Khoảng 60% lực lượng lao động phục vụ cho ngành nông nghiệp. Lúa là cây trồng quan trọng nhất của Thái Lan. Là nước XK gạo lớn nhất thế giới, mang lại cho quốc gia này hàng tỷ USD/năm. Tốc độ tăng trưởng GDP 7,8% (2010) giúp Thái Lan trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á.
Góp phần vào việc thúc đẩy nền công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn, có vai trò của hệ thống Khuyến nông Thái Lan. Cục Khuyến nông Thái Lan (Department of Agriculture Extension - DOAE) đã được thành lập 45 năm (từ năm 1967) trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan.
Cơ cấu tổ chức
Cục Khuyến nông Thái Lan được chia là 2 cấp: Quản lý Nhà nước cấp Trung ương, có nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ đạo, điều phối và hỗ trợ cho các đơn vị địa phương thực hiện các chương trình, dự án khuyến nông. Cấp quản lý hành chính cấp địa phương có nhiệm vụ xúc tiến, phát triển nông dân, tổ chức nông dân, DN cộng đồng trên địa bàn tỉnh quản lý, điều phối các hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về nông nghiệp.
Cấp Khuyến nông Trung ương (16 phòng ban và 6 trung tâm khu vực vùng) có nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ đạo, điều phối và hỗ trợ cho các đơn vị địa phương thực hiện các chương trình, dự án khuyến nông.
Về cơ cấu tổ chức có 16 phòng, ban gồm Văn phòng thư ký, phòng Nhân sự, phòng Tài chính, phòng Kế hoạch, phòng Kiểm toán nội bộ, phòng Phát triển công lập và các phòng chuyên môn sau:
- Phòng Phát triển nông nghiệp trọng điểm (cung cấp dịch vụ khuyến nông ở những lĩnh vực mà nhà nước ưu tiên);
- Phòng nghiên cứu và phát triển khuyến nông (tổ chức các cuộc khảo sát học tập, nghiên cứu, phát triển các cách tiếp cận khuyến nông, điều phối và phối hợp với các cơ quan kỹ thuật để xây dựng tài liệu khuyến nông phù hợp với vùng, miền);
- Phòng phát triển chuyển giao công nghệ (xây dựng và phát triển các chương trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ các Trung tâm chuyển giao công nghệ cấp xã);
- Phòng Phát triển nông dân (khuyến khích nông dân làm nghề nông, tổ chức nhóm nông dân và mạng lợi nhóm, quản lý trang trại hộ gia đình, và du lịch sinh thái);
- Phòng Phát triển chất lượng nông sản (phát triển, chuyển giao công nghệ, cung cấp dịch vụ về chất lượng nông sản và xây dựng các quy chuẩn về chất lượng sản phẩm, khuyến khích SX sản phẩm hữu cơ);
- Phòng Quản lý và xúc tiến nông sản: Xây dựng hướng dẫn, kế hoạch hành động liên quan đến SX, quản lý và xúc tiến thương mại nông sản.
- Phòng Xúc tiến cơ khí nông nghiệp: Phát triển, ứng dụng các công nghệ, cơ giới hóa trong SX nông nghiệp.
- Phòng Đổi mới kinh tế tự chủ: Nghiên cứu, trình bày và hình thành hệ thống kiến thức liên quan đến kinh tế nhằm phù hợp với điều kiện của nông dân những khu vực khác nhau.
- Ban Xúc tiến DN cộng đồng: Quản lý toàn bộ các hoạt động xúc tiến và hỗ trợ DN cộng đồng.
- Trung tâm thông tin: Xây dựng hệ thống dữ liệu, hệ thống thông tin, số hóa dữ liệu để phục vụ cho ngành nông nghiệp.
Văn phòng phát triển và khuyến nông khu vực (Trung tâm Khuyến nông vùng) với 6 văn phòng tại các tỉnh: Chai Nat, Ratchaburi, Rayong, Khon Kaen, Songkhla và Chiang Mai.
Nhiệm vụ của khối văn phòng này là quản lý 48 đơn vị trực thuộc (Trung tâm Phát triển và xúc tiến nghề nông) của Cục Khuyến nông Thái Lan đặt tại khu vực vùng. Những đơn vị hoạt động này được sử dụng như những địa điểm học tập, trung tâm tập huấn nông nghiệp, biên soạn và phát triển các tài liệu khuyến nông, hỗ trợ nông dân, cung cấp các dịch vụ nông nghiệp và tư vấn kỹ thuật.
Trung tâm Phát triển và xúc tiến nghề nông, gồm 48 Trung tâm: 12 Trung tâm nghề làm vườn; 10 Trung tâm nuôi cấy mô; 5 Trung tâm nuôi ong; 4 Trung tâm nông nghiệp; 1 Trung tâm cao su; 1 Trung tâm khuyến khích thanh thiếu niên SXNN; 6 Trung tâm khuyến nông vùng cao và 9 Trung tâm quản lý sâu, bệnh hại.
Cấp Khuyến nông địa phương gồm cấp tỉnh và cấp huyện
Cấp tỉnh: Văn phòng Khuyến nông tỉnh (tương đương Trung tâm Khuyến nông tỉnh của Việt Nam) có 77 Văn phòng, với nhiệm vụ xúc tiến, phát triển nông dân, tổ chức nông dân, DN cộng đồng trên địa bàn tỉnh quản lý, điều phối các hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi.
Cấp huyện: Văn phòng Khuyến nông huyện (tương đương Trạm Khuyến nông huyện của Việt Nam), với 882 văn phòng khuyến nông huyện có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, xúc tiến và hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ở huyện, khuyến khích và phát triển nông dân, tổ chức nông dân, DN cộng đồng ở mỗi huyện và tiến hành các hoạt động hỗ trợ SX nông nghiệp khác.
Cán bộ khuyến nông: Đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các hoạt động khuyến nông và là người gần với dân nhất. Hiện tại, mỗi xã có 1-2 cán bộ khuyến nông và được Bộ Nông nghiệp và HTX Thái Lan bổ nhiệm như những cán bộ đại diện cho Bộ điều phối và hoạt động ở địa phương với các nhiệm vụ về tư vấn; cung cấp kiến thức; cung cấp dịch vụ; quản lý kiến thức và điều phối.
Ngoài ra, mỗi xã đều có 1 hội đồng tư vấn khuyến nông, thành viên là các lãnh đạo chủ chốt của xã, có nhiệm vụ định hướng và xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp cho xã.
Cơ chế hoạt động khuyến nông ở Thái Lan
Cục Khuyến nông có mối liên hệ chặt chẽ với Cục Nông nghiệp. Cục Nông nghiệp là cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan. Cục Nông nghiệp chủ yếu làm công tác quản lý và nghiên cứu, không trực tiếp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, kết quả nghiên cứu tới người nông dân, những công việc này được giao cho Cục Khuyến nông để thực hiện các hoạt động chuyển giao tới nông dân.
Các hoạt động khuyến nông của Thái Lan chủ yếu tập trung vào hoạt động đào tạo huấn luyện và thông tin tuyên truyền, tư vấn dịch vụ. Những hoạt động này hoàn toàn miễn phí đối với người nông dân.
Điểm nổi bật trong hoạt động khuyến nông Thái Lan đó là Quỹ tín dụng nông thôn. Cơ chế tín dụng tự nguyện của Thái Lan giúp người dân an tâm về nguồn vốn cho phát triển SX quy mô hộ gia đình.
Quỹ tín dụng nông thôn do Văn phòng hợp tác xã của tỉnh quản lý. Cán bộ khuyến nông có trách nhiệm hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn tín dụng nông thôn để phát triển SX.
Hoạt động xây dựng mô hình trình diễn chỉ xây dựng trong phạm vi các Viện nghiên cứu, các Trung tâm phát triển xúc tiến nghề nông và Văn phòng Khuyến nông huyện để nông dân, những người quan tâm đến học tập, trao đổi kinh nghiệm về phương pháp SX, kỹ năng phương pháp khuyến nông (không giống ở Việt Nam). Kinh phí hỗ trợ của nhà nước dành cho hoạt động khuyến nông lớn, nên thuận lợi trong triển khai nhiều hoạt động. Người nông dân không phải lo đóng góp kinh phí đối ứng nên việc triển khai nhân rộng các mô hình ở nhiều địa bàn khác nhau rất thuận lợi.
2. Hệ thống khuyến nông của một số nước ASEAN
Cục Khuyến nông Indonesia trực thuộc Bộ Nông nghiệp Indonesia, được chia làm 5 cấp quản lý khuyến nông: cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp quận, cấp xã với các cán bộ khuyến nông chuyên trách, và bán chuyên trách, cán bộ khuyến nông làm việc theo hợp đồng và nhóm cộng tác viên khuyến nông.
Định hướng phát triển khuyến nông của Indonesia nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đào tạo kỹ thuật cho nông dân, hướng dẫn nong dân đăng ký và làm theo GAP. Cục Khuyến nông Indonesia co mối liên hệ chặt chẽ với Cục Trồng trọt và các Cục khác thuộc sự quản lý chung của Bộ Nông nghiệp Indonesia.
Cục Khuyến nông Malaysia thuộc Bộ Nông nghiệp và ngành nghề nông thôn Malaysia, với định hướng hoạt động chuyển giao công nghệ nông nghiệp và hướng dẫn nông dân thực hiện tiêu chuẩn hóa theo ISO 9001:2008.
Hệ thống Khuyến nông Malaysia cũng có 5 cấp như Indonesia và còn trực tiếp tổ chức thực hiện các khóa đào tạo khuyến nông của ASEAN về khuyến nông, môi trường và công nghệ sau thu hoạch. Cùng với Cục Khuyến nông, Cục Trồng trọt và Cục Quản lý chất lượng nông sản hoạt động dưới sự quản lý chung của Bộ Nông nghiệp và ngành nghề nông thôn Malaysia.
Cục Khuyến nông Myanmar thuộc Bộ Nông nghiệp & Thủy lợi Myanmar, phối hợp với các Cục Quản lý nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp & Thủy lợi Myanmar để thực hiện công tác chuyển giao công nghệ về SX nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch. Cục Khuyến nông Myanmar tập trung định hướng xây dựng các mô hình trình diễn quy mô lớn, kỹ thuật về công nghệ hạt giống và đào tạo lớp học hiện trường (FFS) và hướng dẫn nông dân thực hiện, đăng ký nông sản theo các tiêu chuẩn của ASEAN GAP.
Điều kiện phát triển SX nông nghiệp của các nước ASEAN cũng tương tự như Việt Nam nên có thể ứng dụng tổ chức hệ thống Khuyến nông (quản lý Nhà nước cấp Trung ương và quản lý hệ thống cấp địa phương) vào điều kiện của Việt Nam.
(*): Tác giả hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia
Có thể bạn quan tâm
Anh Nguyễn Văn Minh thôn Song Phượng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Tây) trồng đu đủ giỏi, cho thu nhập cao. Từ 2 sào đu đủ giống Đài Loan trồng tháng 11 năm ngoái, hiện nay gia đình anh đã thu được 8 triệu đồng, dự kiến thu hết sẽ có khoảng 12 triệu đồng
Hiện nay, mãng cầu đang chuẩn bị ra hoa và nông dân sẽ thu hoạch trái vào tháng 6, 7. Tuy nhiên, vào thời điểm này cũng là mùa của nhiều loại trái cây khác nên giá mãng cầu thường rẻ (khoảng 3.000 đồng/kg), nên thu nhập của nông dân không cao.
Cá chim vây vàng là đối tượng nuôi mới, đang được phát triển ở các tỉnh Nam Trung bộ, cho hiệu quả kinh tế cao. Tại Khánh Hòa, bà con nuôi thử cả trong ao đất lẫn lồng bè.