Hàng Ngàn Ha Đất Lúa Thiếu Nước
Giữa lúc miền Bắc được đón những trận mưa rào, thì ở miền Trung, nhất là tỉnh Nghệ An, nắng nóng vẫn kéo dài, sông suối, hồ đập bị cạn kiệt khiến hàng ngàn ha đất trồng lúa bị bỏ hoang.
Điêu đứng vì hạn
Trời nắng như đổ lửa, gió Lào quất hầm hập, chúng tôi về huyện lúa Yên Thành. Đây là vùng đồng quê chiêm trũng, nhưng lại là nơi chịu đựng hạn rất nặng nề. Đứng bên cánh đồng bạc phếch nắng, anh Nguyễn Văn ở xóm Đồng Bào, xã Mã Thành buồn bã: "Vào thời điểm này, vụ hè thu trước cánh đồng lúa đã lên xanh. Nhưng bây giờ khô khốc như rang, không một giọt nước. Nhà tôi làm 5 sào ruộng, xuống giống từ giữa tháng 5. Khi cây mạ vừa mới lên xanh thì nước tưới không chảy về khiến toàn bộ các chân đất đều bị nứt toác, cây lúa sống vất vưởng rồi héo dần".
Không chỉ anh Văn, hàng trăm hộ dân khác ở xã Mã Thành này cũng đang hết sức lao đao vì hàng loạt ruộng lúa non, mạ non đang đứng trước nguy cơ bị chết yểu do nắng hạn khốc liệt. Ông Phan Minh Trọng - Chủ tịch UBND xã Mã Thành than thở: "Toàn xã Mã Thành gồm 375ha diện tích trồng lúa nước, nhưng mới chỉ gieo cấy được khoảng 1/3, còn lại 290ha không có nước để gieo cấy. Hiện tại, diện tích trên phụ thuộc vào thiên nhiên, nếu như trời không mưa sẽ rất nguy khốn".
Ông Nguyễn Sĩ Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: "Hiện địa phương này có 3.500ha diện tích trồng lúa bị hạn rất nặng nằm ở các xã phía tây bắc. Huyện đã huy động lực lượng chống hạn nhưng hiện nay do nắng nóng kéo dài, mực nước các hồ đập trên địa bàn đã cạn kiệt và xuống thấp nên công việc điều tiết, dồn ép nước rất khó khăn". Ông Hưng cũng cho biết, sau 10.7, nếu không có nước, huyện sẽ có kế hoạch cho bà còn chuyển sang trồng màu. Hiện nay, đại hạn đã bao phủ địa bàn Nghệ An. Ngoài Yên Thành và Quỳnh Lưu thì các huyện Nghi Lộc, Đô Lương, Nam Đàn, Anh Sơn... vẫn còn hàng ngàn ha đất trồng lúa bị bỏ hoang chưa thể cấy vì thiếu nước.
Theo ông Phan Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Nghệ An, hiện nay diện tích lúa trên toàn tỉnh mới cấy 43.000/55.000ha. Như vậy còn 12.000ha chưa thể cấy vì thiếu nước.
Ngăn sông Lam để… chống hạn
Không chỉ thiếu nước cho sản xuất, tại nhiều huyện, nhất là các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn nước sinh hoạt cũng bị khan hiếm khiến cho cuộc sống người dân vốn đã khó khăn nay càng thêm lao đao. Ông Lầu Giống Cải- Chủ tịch UBND xã Mường Lống (Kỳ Sơn) cho biết: Ngay ở khu vực trung tâm xã vẫn bị thiếu nước, bà con phải đi xa mới có nước để cõng về sử dụng cho việc sinh hoạt hằng ngày. Hiện nay, các huyện, thị trên địa bàn Nghệ An, đều huy động lực lượng để chống hạn.
Ông Lê Văn Cường - Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi Bắc Nghệ An cho biết: "Trước tình hình nắng hạn khốc liệt trên địa bàn, công ty đã lên phương án xây dựng lịch tưới ở các hệ thống thủy lợi và hồ chứa, đồng thời huy động 280 công nhân thường trực thực hiện lịch phân phối nước. Các trạm bơm của công ty quản lý và trạm bơm dã chiến địa phương để bơm nước cũng được huy động để bơm nước vào các kênh rạch".
Phương án tiếp theo của tỉnh là rải lực lượng canh đập Đô Lương để bảo đảm mực nước và lưu. Ông Nguyễn Văn Hoa- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho biết: "Hiện nay, mực nước trên các sông, hồ chứa đều xuống thấp hơn so với năm ngoái. Riêng hệ thống Nam mực nước chỉ đạt 0,2m so với mức thiết kế là 1,15m. "Về lâu dài, UBND tỉnh Nghệ An đã có đề nghị làm 1 đập ngăn sông Lam ở Bến Thủy để lấy nước. Nếu như không làm dự án trên, sẽ rất khó khăn trong việc cung cấp nước sản xuất nông nghiệp. Nhưng làm được đập ngăn sông đó cũng không đơn giản chút nào, vì phải mất hàng nghìn tỷ đồng"- ông Hoa cho biết.
Related news
Đầu ra gặp khó, giá gạo XK của Việt Nam đã liên tục giảm xuống trong mấy tháng qua. Tuy nhiên nếu các DN còn tiếp tục giảm giá XK gạo xuống thấp thêm nữa, sẽ rất nguy hiểm.
Trồng màu bằng màng phủ có lợi thế là sự phản chiếu của màng phủ ngăn không cho sâu bệnh gây hại. Lượng phân bón không bị rửa trôi, tiết kiệm một phần chi phí, năng suất không hề thua kém so với cách trồng thông thường
Huyện Đồng Xuân (Phú Yên) có diện tích trồng sắn khá lớn với trên 4.100 ha, năng suất đạt 18,5 tấn/ha, trong khi đó năng suất sắn toàn tỉnh đạt 19 tấn/ha. Để sử dụng hợp lý tài nguyên đất canh tác sắn, tháng 11/2011, Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ triển khai mô hình trồng sắn xen đậu phộng trên đất đồi để đạt hiệu quả kinh tế cao.