Prices / Mô hình kinh tế

Ham Tôm Giống Giá Rẻ, Coi Chừng Dịch Bệnh

Ham Tôm Giống Giá Rẻ, Coi Chừng Dịch Bệnh
Author: 
Publish date: Thursday. April 26th, 2012

Dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp trên tôm nuôi quảng canh cải tiến (QCCT), trong khi đó các biện pháp kiểm soát chất lượng môi trường nước, phòng ngừa dịch bệnh đối với mô hình này dường như không có hiệu quả.

Vậy mà, hiện nay bà con nuôi tôm QCCT vẫn chọn loại tôm giống giá rẻ chỉ bằng 40% so với tôm giống thả nuôi thâm canh, bán thâm canh (TC-BTC) để thả nuôi.

Dịch bệnh tăng cao

Trong mô hình nuôi tôm QCCT, tôm sinh trưởng và phát triển hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn thức ăn tự nhiên lấy từ môi trường ngoài. Do đó, mật độ tôm nuôi phải rất thấp (chỉ khoảng từ 1 - 5 con/m2) và không sử dụng hóa chất, kháng sinh. Vả lại, hình thức nuôi này ít dịch bệnh, sản phẩm tạo ra sạch nên được xem là hình thức nuôi tôm bền vững.

Thế nhưng, thời gian gần đây, diện tích tôm nuôi bị bệnh trên tổng diện tích nuôi tôm theo hình thức này ngày càng gia tăng và biểu hiện nhiều bất ổn.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang, trong năm 2011, diện tích nuôi tôm QCCT bị dịch bệnh trên địa bàn tỉnh là 310,5 héc ta với 9,31 triệu con giống bị thiệt hại (chiếm 9,21% diện tích), tăng 119 héc ta so với cùng kỳ năm 2010.

Trong 3 tháng đầu năm 2012, dịch bệnh trên hình nuôi tôm QCCT càng diễn biến phức tạp hơn, đã có đến 218 héc ta với 10,41 triệu con giống bị thiệt hại, chiếm 11,6% so với tổng diện tích đang thả nuôi tôm QCCT trên địa bàn tỉnh.

Tại tỉnh Trà Vinh, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh cho biết, vào thời điểm này, đã có trên 55 triệu tôm giống của 1.112 hộ nuôi bị chết, với diện tích 1.409 héc ta. Số tôm chết chủ yếu nuôi theo hình thức QCCT và một số diện tích nuôi TC-BTC. Tôm bị thiệt hại chủ yếu ở giai đoạn từ 20 - 30 ngày tuổi, có biểu hiện của bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy.

Điều đáng lo ngại hơn, hiện nay, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi theo hình thức QCCT đang diễn biến phức tạp và tỷ lệ dịch bệnh đang vượt qua cả hình thức nuôi tôm TC-BTC. Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang cho biết, trong tổng số 277 héc ta với 54,6 triệu con giống tôm nuôi trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại trong 3 tháng đầu năm 2012, có tới 218 héc ta với 10,416 triệu con giống nuôi theo hình thức QCCT, chiếm 11,5% tổng diện tích nuôi QCCT.

Trong khi đó, diện tích tôm sú TC-BTC thả nuôi bị dịch bệnh chỉ có 16 héc ta với 4,9 triệu giống (chiếm 4,2% tổng diện tích nuôi), diện tích tôm thẻ bị dịch bệnh là 43,3 héc ta với 39,3 triệu giống (chiếm 8% tổng diện tích nuôi).

Ham tôm giống giá rẻ

Trước những diễn biến hết sức phức tạp của tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi theo hình thức QCCT, người nuôi tôm theo hình thức này dường như vẫn chưa nhận thức được những hiểm họa dịch bệnh đang rình rập chính mình và cả cộng đồng.

Ông Ngô Thiện Tâm, Trưởng trạm Thủy sản số 3 (huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) cho biết, hiện nay trên thị trường có hai loại tôm sú giống. Một loại dùng để thả nuôi cho hình thức TC-BTC với giá 75 đồng/con, trong khi đó tôm giống dùng để thả nuôi theo hình thức QCCT chỉ có giá 30 đồng/con, chỉ bằng 40% so với giá giống tôm sú thả nuôi thâm canh, bán thâm canh.

Giải thích nguyên nhân vì sao lại chọn tôm giống giá thấp, nhiều người nuôi tôm QCCT trên địa bàn huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) cho rằng, nuôi tôm theo hình thức này thả giống với mật độ thấp nên không đòi hỏi cao về chất lượng. Hơn nữa năng suất của hình thức nuôi tôm này rất thấp so với hình thức nuôi TC-BTC nên việc giảm giá thành sản xuất nuôi là tất yếu.

Với suy nghĩ như vậy, nên việc kiểm dịch tôm giống đối với các hộ tôm nuôi theo hình thức nuôi QCCT rất hiếm. Nhiều người nuôi tôm chẳng cần quan tâm đến chất lượng mà cứ hễ có giống là vô tư thả xuống, bởi nếu bị thiệt hại cũng chẳng có bao nhiêu. Điều này cũng đã được minh chứng qua số liệu kiểm dịch của Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang, khi hàng năm cơ quan này chỉ kiểm dịch được xấp xỉ 20% tổng số tôm giống thả nuôi trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng đang đe dọa mô hình nuôi tôm QCCT. Hiện nay, theo Tổng cục Thủy sản, dư lượng các loại thuốc bảo vệ thực vật có thành phần Cypermethrin trong các mẫu nước, bùn đáy ao lấy ở những vùng nuôi tôm xảy ra dịch bệnh lên đến 0,016 đến 0,032 µg/l, nhưng chỉ cần nồng độ Cypermethrin ở mức 0,005 ppb (0,005 µg/l) đã gây hội chứng hoại tử gan tụy làm tôm chết.

Trong khi đó, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến lấy nước ngoài tự nhiên vào là thả tôm giống mà không qua bất cứ hệ thống lắng lọc hay xử lý nước nào, nên hiểm họa dịch bệnh đối với mô hình nuôi tôm này rất lớn.

Related news

Giàu Lên Từ Nuôi Chim Cút Giàu Lên Từ Nuôi Chim Cút

Mỗi năm trang trại nuôi chim cút của anh Hưng cho thu lãi gần trăm triệu đồng, tạo điều kiện cho một số lao động địa phương với mức thu nhập khá...

Thursday. April 26th, 2012
Trồng Cam Nhanh Xóa Nghèo Trồng Cam Nhanh Xóa Nghèo

Với hơn 20 ha trồng cam sành, mỗi năm đem về cho gia đình ông Lê Văn Hít (Năm Hít) ở ấp 3, xã Phú An, huyện Cai Lậy, Tiền Giang không dưới 500 triệu đồng.

Thursday. April 26th, 2012
Hiệu Quả Nuôi Lợn Theo Mô Hình Khép Kín Hiệu Quả Nuôi Lợn Theo Mô Hình Khép Kín

Hiện nay khi tình hình dịch bệnh thường xuyên xảy ra trên đàn vật nuôi thì việc vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh càng được các hộ chăn nuôi đặc biệt quan tâm. Và nuôi lợn theo mô hình khép kín của gia đình anh Bùi Danh Dự, phố Chu Văn An, thị trấn Đầm Hà (huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) là một ví dụ điển hình, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như giảm khả năng mắc bệnh và lây truyền bệnh cho vật nuôi.

Thursday. April 26th, 2012