Prices / Tin nông nghiệp

“Hai lúa” miền Tây khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch

“Hai lúa” miền Tây khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch
Author: Huỳnh Xây
Publish date: Monday. February 6th, 2017

Năm 2016, ở ĐBSCL đã nổi lên nhiều mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch. Năm mới 2017, chủ nhân của các dự án khởi nghiệp này tiếp tục vạch ra nhiều kế hoạch lớn, với nhiều kỳ vọng.

Trong ảnh: Anh Ngô Xuân Điền nghiên cứu thành công nhiều loại nấm “độc, lạ”.  Ảnh:  Huỳnh Xây

Gặt hái nhiều thành công

Sau nhiều năm du học ở Pháp, thạc sĩ Công nghệ Hóa học Ngô Chí Công (SN 1989) đã từ bỏ nhiều cơ hội làm việc tốt ở xứ người, trở về quê hương (phường 4, TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) khởi nghiệp bằng mô hình kinh doanh hoa sen sấy khô. Trong cuộc thi “Dự án khởi nghiệp” lần 2 năm 2016 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp mới đây, mô hình của anh Công đã lọt vào vòng chung kết và giành được giải 3.

“Mô hình sản xuất của anh Tiếng có ý nghĩa lớn, góp phần đưa gạo sạch từ nhà ra thị trường. Do diện tích sản xuất lúa của anh Tiếng ít, quy mô còn nhỏ, mang tính chất nông hộ nên Sở đang chỉ đạo các đơn vị có liên quan có định hướng mở rộng quy mô sản xuất và kết nối doanh nghiệp tiêu thụ”.   Ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Tháp

Trao đổi với phóng viên, anh Công cho biết, hoa sen sấy khô của anh giống hoa tươi từ 80 - 90%. Cánh hoa, nhụy hoa vẫn giữ được độ mềm, mịn và màu sắc gần giống với hoa chưa qua xử lý. Hoa sen sấy khô có thể sử dụng từ 6 tháng đến hơn 1 năm mà không cần phải chăm sóc đặc biệt, thay nước hay các phụ phẩm bảo quản khác. “Đến nay, đã là 1 năm, hoa sen sấy khô của tôi chính thức có mặt trên thị trường và ngày càng được nhiều khách hàng biết đến” – anh Công nói.

Mô hình sản xuất lúa sạch không dùng phân bón, thuốc trừ sâu của anh Võ Văn Tiếng (SN 1991, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự) được ông Lê Minh Hoan – Bí thư Tỉnh ủy và ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp quan tâm hỗ trợ.

Theo anh Tiếng, trong năm 2016, anh đã giành được giải nhất cuộc thi “Dự án khởi nghiệp”. Sau đó, anh vinh dự được lãnh đạo tỉnh mời tham gia và phát biểu ý kiến tại hội nghị triển khai nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2017. Đặc biệt, trong những ngày đầu năm 2017, Bí thư Tỉnh ủy cũng đích thân đến tận ruộng xem mô hình trồng lúa của anh.

“Tôi tập trung lên đê bao, đào ao chứa nước, san bằng mặt ruộng và bắt tay sản xuất lúa sạch, hay còn gọi lúa hữu cơ. Mặc dù lúc đầu không ai nghĩ về tính khả quan của mô hình, kể cả người thân nhưng rồi tôi cũng làm được. Năng suất lúa bình quân 4,8 tấn/ha, lợi nhuận 28 triệu đồng/ha” – anh Tiếng phấn khởi nói.

Là kỹ sư điện nhưng anh Ngô Xuân Điền (SN 1988, phường Trà An, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ) lại đam mê, tự mày mò nghiên cứu sản xuất được 32 loại nấm trong nhà lạnh, trong đó phần lớn là những nấm “độc, lạ” có khả năng bồi bổ sức khỏe, trị bệnh, ngoài ra anh còn sản xuất được đông trùng hạ thảo, nuôi được gà đông tảo, dế, bồ câu…

Kỳ vọng và quyết tâm

Theo anh Công, định hướng ban đầu của anh là đưa sản phẩm ra nước ngoài, cụ thể là Pháp. Vì vậy, trong năm 2017, anh sẽ tập trung giới thiệu sản phẩm mình bên quốc gia bạn. “Năm 2017, tôi sẽ trưng bày, giới thiệu sản phẩm hoa sen sấy khô tại Paris (Pháp). Còn trong nước, tôi sẽ kết hợp với một số đơn vị tiếp tục phát triển thị trường ở Đồng Tháp, TP.HCM, Hà Nội. Song song đó, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu làm sao để đa dạng hoá sản phẩm” – anh Công nói.

Cũng theo anh Công, là người con của “đất sen hồng” nên mô hình của anh cũng mang ý nghĩa góp phần nâng cao giá trị kinh tế của cây sen, giúp cải thiện thu nhập cho người nông dân chuyên trồng sen. Riêng người yêu thích hoa sen cũng sẽ được thưởng thức loại hoa này lâu hơn (nhất là ở những vùng không có điều kiện trồng).

Từ vài nghìn mét vuông, mô hình lúa sạch của Tiếng được mở rộng lên 20ha. Anh  đã đăng ký thành công nhãn hiệu hàng hóa “Gạo an toàn Tâm Việt”, gạo được chế biến theo tiêu chẩn HACCP với quy trình và công nghệ hiện đại. Về dự định trong năm mới 2017, anh Tiếng cho biết, sẽ tiếp tục mở rộng diện tích khoảng 40ha - 50ha. Ngoài sản phẩm gạo sạch, anh Tiếng còn nuôi vịt, cá an toàn.

“Chúng tôi đã mua một khu  đất lớn để làm theo quy trình đồng bộ, tiết kiệm chi phí cực lớn mà chưa ai có thể nghĩ ra. Ở đó, chúng tôi sẽ trồng nấm linh chi, sau khi thu hoạch sẽ lấy phế phẩm để trồng nấm Hoàng Đế (giống mới, có trọng lượng lớn, có thể đạt hàng chục kg/chùm nấm nên được gọi là nấm khổng lồ). Nấm Hoàng Đế thu hoạch xong sẽ tiếp tục lấy phụ phế phẩm trồng nấm rơm, kế đến là nuôi trùn quế, sản xuất phân vi sinh bán” – anh Điền hào hứng thông tin.


Related news

Một số biện pháp chăm sóc lúa Đông Xuân sau mưa lũ Một số biện pháp chăm sóc lúa Đông Xuân sau mưa lũ

Vào đầu vụ sản xuất Đông Xuân 2016-2017, Bình Định đã phải “gánh chịu” 5 đợt mưa to đến rất to đã gây ngập lụt sâu trên địa bàn toàn tỉnh

Monday. February 6th, 2017
Phát triển trang trại chăn nuôi hàng hóa Phát triển trang trại chăn nuôi hàng hóa

Cùng với sự phát triển trồng trọt, thị xã Thái Hòa-Nghệ An không ngừng mở rộng cả về số lượng, chất lượng trang trại chăn nuôi, giúp nhiều hộ nông dân làm giàu

Monday. February 6th, 2017
Liên kết sản xuất nông nghiệp sinh thái công nghệ cao Liên kết sản xuất nông nghiệp sinh thái công nghệ cao

Nhằm phát triển nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ sinh thái, ứng dụng công nghệ cao (ƯDCCN), UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành kế hoạch giao cho đơn vị liên kết

Monday. February 6th, 2017