Hai lúa hiến kế thích ứng biến đổi khí hậu
Chia sẻ kết quả nghiên cứu về tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với nông dân (ND); tuyên truyền, vận động ND xây dựng mô hình sản xuất thích ứng BĐKH hiệu quả là mục đích của Hội thảo ND thích ứng với BĐKH do T.Ư Hội ND Việt Nam vừa tổ chức tại Bạc Liêu.
Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả
Tại hội thảo, ngoài những tham luận khoa học của các nhà khoa học, nhiều mô hình sản xuất thích ứng BĐKH có hiệu quả được ND giới thiệu, trong đó nổi bật là những mô hình: Luân canh tôm – lúa; luân canh tôm – lúa hữu cơ; trồng chuối – tràm; trồng măng tây trên cát áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm Israel; trồng nho áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel...
Trong ảnh: Mô hình nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học tại thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng thích ứng vớ BĐKH. Ảnh: C.L
Trong bối cảnh BĐKH diễn ra ngày càng gay gắt và phức tạp, việc quản lý tài nguyên nước và ứng phó BĐKH là hai nhiệm vụ không thể tách rời và đang trở nên ngày càng cấp bách đối với Việt Nam” .
Bà Nguyễn Hồng Lý nhấn mạnh
Lão nông Nguyễn Văn Lựa (ấp 4, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), chia sẻ: Mấy năm trước đất bị ngập mặn chỉ trồng được 1 vụ với 2ha lúa, thu nhập khoảng 30 triệu đồng/năm. Từ khi vận dụng mô hình luân canh lúa – tôm; mùa khô, nước ngoài sông rạch mặn thì lấy vào nuôi tôm, đến khi mưa xuống, nước ngọt từ thượng nguồn đẩy nước lợ ra biển thì lại lấy nước ngọt vào trồng lúa. Với 2ha đất sản xuất theo mô hình này, sau khi trừ các chi phí, tôi có thu nhập mỗi năm khoảng 250 triệu đồng/năm.
“Sản xuất mô hình lúa – tôm hữu cơ rất thân thiện với môi trường, giải quyết được vấn đề ô nhiễm nguồn nước, lão hóa đất vùng nuôi tôm, giảm hiểu rủi ro do dịch bệnh. Ngoài ra, môi trường nuôi thủy sản trong ruộng lúa rất ổn định, nguồn lợi thủy sản xung quanh được tái tạo và phục hồi” – ông Huỳnh Văn Thường (xã Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh), người tiên phong thực hiện mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm tại địa phương cho hay.
Xây dựng mô hình điểm thích nghi với BĐKH
Hội thảo đặt ra vấn đề, ĐBSCL và các tỉnh ven biển đang chịu tác động kép do BĐKH, nước biển dâng và do các hoạt động xây đập, khai thác và sử dụng nước không bền vững tại các khu vực thượng nguồn sông Mekong. Hạn hán dẫn tới xâm nhập mặn ngày càng tăng, làm ảnh hưởng tới hàng nghìn ha đất canh tác. Công cuộc phát triển kinh tế xã hội cũng như cộng nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước sẽ không thể bền vững nếu không có những giải pháp hữu hiệu để ứng phó với thách thức này.
Mô hình trồng mãng cầu xiêm của nông dân thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) thích ứng BĐKH hiệu quả. Ảnh: C.L
GS Nguyễn Thanh Phương (khoa Thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ), cho rằng: Trong tương lai cần tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh về khả năng chịu ảnh hưởng của một số loài tôm/cá có giá trị kinh tế với các yếu tố BĐKH, ví dụ như: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cá da trơn nước ngọt và lợ... Phát triển các mô hình nuôi trong điều kiện độ mặn và nhiệt độ cao để đánh giá chỉ số kỹ thuật, hiệu quả kinh tế và chất lượng sản phẩm... Nhà nước cần nhanh chóng đầu tư có tính chiến lược cho nghiên cứu các loài chịu mặn, kỹ thuật sinh sản các loài nước lợ...
Chỉ đạo tại hội thảo, bà Nguyễn Hồng Lý - Phó Chủ tịch T.Ư Hội ND Việt Nam cho rằng: “Đối với những vùng bị ảnh hưởng BĐKH, cần có những nghiên cứu sâu về thổ nhưỡng và các cây con giống có chất lượng, phù hợp với từng vùng đất. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị với Chính phủ để có những chính sách đảm bảo sản xuất và ổn định đời sống ND. Sắp tới sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình điểm, trong đó có những mô hình thích hợp với vùng bị ảnh hưởng BĐKH”.
Related news
Giống lúa đài thơm 8 được kỳ vọng là giống chịu được hạn, mặn, đảm bảo năng suất trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Việt Nam có bà Phạm Thị Huân (tức bà Ba Huân) - Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân. Bà Huân là nữ nông dân Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng "nông dân điển hình".
Chỉ vì không có thương hiệu, gạo Việt không có thứ hạng trên thị trường thế giới và dễ dàng bị các nước đi sau “vượt mặt”.