Giá / Mô hình kinh tế

Gốc Hay Ngọn

Gốc Hay Ngọn
Tác giả: 
Ngày đăng: 22/06/2012

Mới đây, tại buổi tọa đàm về việc xuất khẩu rau, quả đến các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Cục phó Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) Hoàng Trung thông báo, từ giữa tháng 5 phải tạm dừng việc cấp phép xuất khẩu (XK) 5 loại rau quả gồm khổ qua (mướp đắng), ngò gai (mùi tàu), cần tây, húng quế, ớt ngọt vào thị trường EU.

Đây là biện pháp buộc phải đặt ra nhằm không làm ảnh hưởng đến việc XK các loại rau, quả tươi khác của Việt Nam. Bởi 5 loại rau, quả này thuộc nhóm nhiều lần bị cảnh báo khi xuất sang EU. Trong 4 tháng đầu năm 2012 đã phát hiện 3 vụ, trong khi trước đó EU cảnh báo nếu có thêm 5 vụ vi phạm sẽ ngưng nhập toàn bộ sản phẩm rau, quả Việt Nam (VN). Năm 2010 phía EU đã đưa ra 29 cảnh báo về chất lượng rau quả có nguồn gốc từ VN, năm 2011 số vụ cảnh báo là 366 lần.

Xem xét những mặt hàng bị cảnh báo có liên quan đến loại rau quả mà một số nước EU trồng được, có thể xem đây là một hàng rào kỹ thuật để bảo hộ hàng sản xuất trong khu vực. Nhưng thực tế, có một số doanh nghiệp (DN) XK của VN đã độn thêm vào sau khi sản phẩm chính được kiểm dịch. Có lô hàng khi kiểm dịch chỉ 200 kg, nhưng đến nước nhập khẩu lên hơn 1 tấn làm tăng nguy cơ bị phát hiện. Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản là do việc kiểm soát chất lượng rau, quả XK mới chỉ phần ngọn, thay vì ở phần gốc là nơi sản xuất. Hầu hết rau, quả XK vào EU trong nhóm nguy cơ cao chưa có vùng chuyên canh, chủ yếu khi DN có hợp đồng XK thì mua trong dân qua thương lái, sau đó sơ chế, đóng gói và XK. DN cho rằng, do phải mua hàng trăm loại với số lượng không nhiều nên không thể đầu tư cho vùng nguyên liệu nên chất lượng khó có thể kiểm soát được. Hậu quả, nhiều đơn hàng từ EU chuyển sang nhà sản xuất Thái Lan. Dù chất lượng rau quả VN không kém Thái Lan. Việc sơ chế, đóng gói giữa 2 nước không khác nhau về quy trình, nhưng ở Thái 
Lan, khi làm lạnh giảm nhiệt độ từ từ, không làm đột ngột như VN nên sản phẩm có thể để được lâu 5 - 7 ngày so với 2 - 3 ngày như VN. Đó là chưa kể, thủ tục kiểm dịch, thông quan ở VN lâu hơn, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng các sản phẩm vốn được xem là “sáng rau, chiều rác”.

Việc các nước EU ngày càng quan tâm và khắt khe hơn trong việc kiểm soát chất lượng rau, quả tươi nên không thể tiếp tục cách làm cũ. Hiện VN chưa tạo ra được vùng sản xuất tập trung, thu hoạch, sơ chế, vận chuyển và cả thủ tục thông quan. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch sau nhập khẩu thuộc Cục BVTV, cho biết, rau XK cũng cần cách làm căn cơ như các loại trái cây thanh long, chôm chôm, nhãn, vú sữa, vải…

Để những mặt hàng này có thể xuất vào thị trường Mỹ, Nhật, Australia, New Zealand, Chile, Hàn Quốc, những quốc gia có hàng rào kiểm dịch chặt chẽ và khắc khe, cần phải có vùng chuyên canh rõ ràng, có mã số riêng theo tiêu chuẩn cụ thể, có nhà sơ chế và nhà máy xử lý đạt chuẩn (chiếu xạ hoặc hơi nước nóng). Để làm được chuyện này, giữa 2 nước có sự ký kết và triển khai đồng bộ nên tất cả những sản phẩm trái cây như thanh long, sau đó là chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa khi đã đến các nước trên đều đạt chất lượng theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Muốn làm được như vậy phải có thời gian triển khai. Vì vậy, việc XK rau, quả tươi sang EU hay đất nước nào khác cũng phải đi theo những quy trình, tạo ra chuỗi giá trị giữa các khâu.

Có thể bạn quan tâm

Ớt Xuân Trì Tìm Đường Xuất Ngoại Ớt Xuân Trì Tìm Đường Xuất Ngoại

Những ngày này ở làng Xuân Trì (xã Hoàng Hanh, huyện Ninh Giang, Hải Dương), những thửa ruộng ớt cuối cùng đang được bà con nhổ hết để chuyển sang cấy lúa.

22/06/2012
Làm Giàu Nhờ Chuyên Đề Kinh Tế VAC Làm Giàu Nhờ Chuyên Đề Kinh Tế VAC

Đến thăm mô hình kinh tế VACR của chị Ra Phát Thị Gấm, người Cơ Tu ở thôn Brùa, xã Jơ Ngây (Đông Giang - Quảng Nam), chúng tôi thật sự thán phục trước sự đảm đang của chị

22/06/2012
Ngành Chăn Nuôi Trước Những Khó Khăn Kép Ngành Chăn Nuôi Trước Những Khó Khăn Kép

Năm 2011, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu giá trị sản xuất tăng 7,5-8% so với năm 2010, chiếm tỷ trọng 30-32% trong nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tăng cao, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, nguy cơ người chăn nuôi bỏ chuồng đang trở thành thách thức lớn đối với sự phát triển của ngành

22/06/2012