Giá / Mô hình kinh tế

Phát Triển Chăn Nuôi Sau Dịch Lợn Tai Xanh

Phát Triển Chăn Nuôi Sau Dịch Lợn Tai Xanh
Tác giả: 
Ngày đăng: 27/08/2013

Đã gần 5 tháng sau khi xảy ra dịch lợn tai xanh tại các huyện Xuân Trường, Trực Ninh, Hải Hậu (Nam Định), đến nay việc tái đàn vẫn đang khó khăn, chật vật. Ở huyện Xuân Trường, tại thời điểm tháng 4-2013 tổng đàn lợn có 39.856 con, nhưng đến tháng 7-2013 chỉ còn 38.791 con (giảm 1.065 con); trong đó, đàn lợn nái 8.980 con (giảm 153 con), đàn lợn đực giống vẫn giữ nguyên và đàn lợn thịt còn 29.727 con (giảm 912 con).

Ở huyện Trực Ninh số đầu lợn nuôi cũng giảm, cụ thể: xã Trực Đại hiện tổng đàn chỉ còn gần 1.000 con, giảm trên 1.000 con so với tháng 4-2013, xã Trực Thắng hiện tổng đàn còn 5.384 con lợn, giảm 2.316 con so với tháng 4-2013…

Gia đình anh Bùi Văn Tứ, xóm 9, xã Giao Hà (Giao Thuỷ) tổ chức nuôi lợn thịt ngay sau khi hết dịch lợn tai xanh trên địa bàn tỉnh.

Lý giải về sự chậm tái đàn sau dịch lợn tai xanh, đồng chí Nguyễn Xuân Sinh, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Xuân Trường cho rằng, có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả tâm lý của người chăn nuôi do lần đầu tiên bị dịch. Thêm nữa, tại thời điểm này, người nuôi hạch toán đầu ra, đầu vào không có lãi. Các hộ chăn nuôi ở các huyện Xuân Trường, Trực Ninh có dịch lợn tai xanh bàng hoàng khi dịch xảy ra.

Dịch lây lan nhanh, số lợn chết và phải tiêu hủy nhiều khiến nhiều hộ không còn vốn để đầu tư tái đàn. Trên thực tế chỉ các hộ nuôi nhỏ lẻ mới mua lợn giống ở ngoài về nuôi, còn lại các gia trại, trang trại đều tự nuôi lợn nái sinh sản, chủ động lợn giống. Các gia trại ở huyện Trực Ninh, Xuân Trường chủ yếu chọn lợn nái nội (lợn nái Móng Cái) vì dễ nuôi, ít phải dùng thức ăn công nghiệp, lợn đẻ đều, đẻ sai.

Tuy nhiên, với giống nội nuôi lợn thịt cũng phải sử dụng cám tổng hợp, trong khi sau dịch, giá thức ăn quá cao, giá lợn thịt lại không tăng, thậm chí giảm, nên người nuôi không tái đàn. Đối với các gia trại nuôi khép kín tự chủ lợn nái, con giống cũng là yếu tố hạn chế nguy cơ dịch bệnh nhưng do trong thời gian có dịch, tất cả đàn lợn nái đều tiêm vắc xin tai xanh để dập dịch, nên hầu hết số lợn nái đang mang thai đều bị hỏng thai.

Chị Nguyễn Thị Tân, xóm 5, xã Trực Thắng (Trực Ninh) cho biết: "Nhà tôi nuôi 4 con lợn nái Móng Cái đều bị hỏng thai do tiêm phòng vắc xin trong đợt dịch tai xanh. Bây giờ đàn nái mới bắt đầu sinh sản, gia đình tôi sẽ giữ lại toàn bộ số lợn con để nuôi”. Với các xã vùng nguyên liệu cho sản xuất lợn sữa xuất khẩu, con lợn nái là cả một "gia tài" để có thu nhập cao.

Đợt dịch tai xanh vừa qua, cả 15 xã có dịch số lợn nái đang sinh sản phải tiêu hủy tới 877 con. Để lựa chọn đàn lợn nái sinh sản tốt, đều, thì thời gian nuôi ít nhất cũng phải 1 năm trở lên và 60-70% đàn nái sinh sản lứa đầu, lứa thứ 2 trở đi tiếp tục thải loại những con không động dục trở lại, hoặc đẻ ít, nuôi con không khéo… Do vậy sớm nhất phải đến giữa năm 2014 đàn nái mới cho sinh sản lứa đầu.

Đồng chí Phạm Quang Ba, Chủ tịch UBND xã Trực Đại (Trực Ninh) cho biết: "Với trên 3.000 con lợn nái đã vượt qua dịch, hiện đang đồng loạt sinh sản, nếu giữ lại nuôi 50% số lợn con thì cuối tháng 8-2013 tổng đàn lợn của xã sẽ tăng cả chục nghìn con. Hiện tại giá lợn thịt đang tăng, giá cám theo dự báo sẽ giảm, đây là cơ hội tốt để các hộ nuôi tái đàn. Công tác phòng dịch bệnh đã được chính quyền và các hộ nuôi chú trọng hơn sau bài học rút ra từ dịch lợn tai xanh đầu năm".

Rút kinh nghiệm từ việc quản lý chắc đàn vật nuôi, đến nay các xã của 3 huyện Xuân Trường, Hải Hậu, Trực Ninh đã giao trực tiếp cho các xóm trưởng, thôn trưởng thường xuyên nắm chắc tình hình đàn vật nuôi trong khu dân cư và cùng với đội ngũ cán bộ thú y, các đoàn thể tuyên truyền về chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường, dịch bệnh. Ngoài 2 đợt tiêm phòng vắc xin trong năm (vụ xuân và vụ thu), hằng tháng xóm trưởng và thú y xã đều tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi phát sinh.

Xã Trực Đại đã yêu cầu các hộ nuôi lợn phải cam kết tiêm phòng vắc xin, nếu hộ nào không tiêm phòng sẽ đề nghị không hỗ trợ nếu dịch bệnh xảy ra và không cấp giấy lưu thông. Ở xã Trực Thắng, bảng thống kê kết quả tiêm phòng vắc xin và bản cam kết tiêm phòng của từng hộ được công khai tại Nhà Văn hóa thôn và để mọi người cùng theo dõi, giám sát.

Sau dịch lợn tai xanh, công tác tái đàn trong chăn nuôi lợn ở các xã có dịch tuy chậm nhưng đến đầu tháng 8-2013 nhiều xã đã tái đàn và tổng đàn đã từng bước tăng trở lại. Vấn đề đặt ra là chính quyền và các hộ nuôi cũng như lực lượng thú y xã phải coi công tác phòng, chống dịch bệnh là biện pháp số một bảo đảm an toàn trong chăn nuôi.

Mặt khác từng hộ tự giác chấp hành việc tiêu độc, khử trùng và vệ sinh chuồng trại thường xuyên, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Mở rộng chăn nuôi vẫn là giải pháp quan trọng để tăng thu nhập cho nông dân.


Có thể bạn quan tâm

Nông Dân Tiền Phong Mất Mùa Đỗ Vì Mưa Nông Dân Tiền Phong Mất Mùa Đỗ Vì Mưa

Trời mưa lớn kéo dài đã khiến trên 40 ha đỗ tương, đỗ xanh của xã Tiền Phong (Thanh Miện, Hải Dương) đang chuẩn bị vào thời kỳ thu hoạch bị thối.

27/08/2013
Một Nông Dân Thuần Hóa Gà Rừng Một Nông Dân Thuần Hóa Gà Rừng

Ông Toái cho biết, 1 năm trước, thấy có người bán trứng gà rừng, ông mua về cho gà ri ấp. Chẳng bao lâu, gà rừng con nở và ông phát triển đàn từ đó. Sau khi bán hơn một nửa, hiện nay, đàn gà rừng của ông có hơn 40 con. Theo ông Toái, cùng một lứa, khi gà trống biết gáy (6 tháng), tháng sau gà mái cũng vào tuổi sinh sản. Gà rừng mái thường đẻ trứng ngoài bụi cây, lùm cỏ, ông Toái theo dõi, nhặt trứng về, rồi làm tổ, ép cho gà ri mẹ ấp.

27/08/2013
Nhờ Định Danh Sinh Vật Lạ Nhờ Định Danh Sinh Vật Lạ

Ông Đỗ Chí Sĩ-Chi cục trưởng Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cà Mau, cho biết: Vừa gởi báo cáo bước đầu với UBND tỉnh Cà Mau về kết quả thu mẫu tìm nguyên nhân cá chết bất thường ở Bồ Đề (xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau).

27/08/2013