Prices / Tin thủy sản

Gỡ khó cho chuỗi giá trị cá ngừ

Gỡ khó cho chuỗi giá trị cá ngừ
Author: Ngọc Chung
Publish date: Monday. June 5th, 2017

Sau hai năm triển khai thực hiện, Đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa (giai đoạn 2015 - 2020) đã thu được những kết quả đáng kể, tuy nhiên, Đề án cũng bộc lộ nhiều điểm yếu.

Ngư dân Phú Yên vận chuyển cá ngừ về bến     Ảnh: Ngọc Chung 

Hiệu quả chưa xứng

Theo Bộ NN&PTNT, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa là những tỉnh có tiềm năng khai thác cá ngừ đại dương lớn nhất ở nước ta. Đến nay, 3 tỉnh đã có khoảng 2.372 phương tiện chuyên khai thác cá ngừ, sản lượng đánh bắt hằng năm đạt 100 nghìn tấn. Đến nay trên địa bàn 3 tỉnh đã hình thành trên 10 doanh nghiệp tổ chức chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tổng sản lượng xuất khẩu đạt gần 500 triệu USD.

Tại Phú Yên, ghi nhận của Sở NN&PTNT tỉnh cho thấy, hiện địa phương có hơn 1.100 tàu cá công suất từ 90 CV trở lên chuyên đánh bắt xa bờ, trong đó, khoảng 345 tàu công suất từ 400 CV và khoảng 580 tàu chuyên khai thác cá ngừ. Sản lượng khai thác năm 2016 của tỉnh đạt khoảng 57.000 tấn, trong đó, cá ngừ đại dương khoảng 4.300 tấn. Địa phương cũng hình thành hai mô hình thí điểm chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ của Công ty CP Bá Hải và Công ty TNHH Nguyễn Hưng. Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai đã bộc lộ một số khó khăn như năng lực tài chính của Công ty CP Bá Hải; một số doanh nghiệp thu mua hải sản chưa quan tâm đến hiệu quả, việc thu mua cá ngừ đại dương còn theo hình thức mua xô do vậy chưa tạo được động lực để ngư dân đầu tư công nghệ khai thác, bảo quản, nâng cao chất lượng sản phẩm mà chủ yếu chạy theo số lượng. Ngoài ra, các dịch vụ nước đá, xăng dầu còn manh mún, nhỏ lẻ, không tập trung nên không kiểm soát được chất lượng, luồng lạch thường xuyên bị bồi lấp nên khó khăn cho tàu thuyền cập cảng để tiêu thụ sản phẩm…

Cùng với đó, hạ tầng nghề cá còn yếu kém, chưa hiện đại. Các cảng cá ngừ chủ yếu theo dạng truyền thống, sử dụng lại cảng cá đã có sẵn nên cơ bản là mất vệ sinh. Nhiều doanh nghiệp đến thu mua thì họ lo về việc đảm bảo an toàn vệ sinh hay không, nên dẫn đến giá cả sẽ giảm bớt. Đại diện các ngư dân thì cho rằng, họ đang thiếu vốn đầu tư, nên chỉ một số ít được doanh nghiệp trong chuỗi tiến hành trang bị. Nhưng câu cá tốt về bờ lại bị mua đổ đồng với các loại cá kém chất lượng, vì thế một số tàu cứ an phận làm “kiểu cũ” cho… đỡ mất công.

Nhận định về Đề án này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thực tế, một số chuỗi tiêu thụ cá ngừ đã hiệu quả, khẳng định sự năng động và trách nhiệm của doanh nghiệp - ngư dân trong làm ăn liên kết. Song nhìn chung, tính chất liên kết của nhiều mô hình vẫn còn rời rạc và sự lan tỏa chưa cao, chưa phát huy hết năng lực thành viên trong chuỗi. Hiệu quả kinh tế liên kết vẫn còn cách biệt quá xa so với tiềm năng thực tế. Vì thế, thu nhập từ ngư dân đến doanh nghiệp chưa cao, nhất là các ngư dân.

Nâng tầm chất lượng

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên cho biết, địa phương đang tập trung cơ cấu lại đội tàu khai thác, thu mua cá ngừ theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Sở NN&PTNT tiếp tục vận động các công ty như Lợi An, Hồng Ngọc, Tập Đoàn Biển… tham gia chuỗi liên kết cá ngừ. Việc hình thành đội tàu dịch vụ hậu cần trên biển là rất cần thiết, Phú Yên sẽ triển khai tốt hơn Nghị định 67 để khuyến khích phát triển đội tàu này. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung nâng cấp và nạo vét luồng lạch vào các cảng cá, phát triển các cơ sở đóng sửa tàu thuyền đảm bảo đủ năng lực phục vụ cho đội tàu khai thác xa bờ. Cùng đó, kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo Viện Nghiên cứu Hải sản nâng cao độ chính xác trong dự báo ngư trường, hướng dẫn áp dụng công nghệ phát hiện đàn cá bằng hệ thống viễn thám để nâng cao hiệu quả chuyến biển. Đồng thời, tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm triển khai hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng các cảng cá và đầu tư xây dựng các cảng cá ngừ chuyên dụng, chợ đấu giá cá ngừ của tỉnh…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, qua 2 năm triển khai, Đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi, hiệu quả bước đầu đó là nhận thức của ngư dân và doanh nghiệp tham gia chuỗi được nâng lên rõ rệt, với mục tiêu làm sao tăng được giá trị của sản phẩm sau khai thác. Mô hình do một doanh nghiệp đứng ra tổ chức chuỗi và quản lý từ đầu đến cuối đã thể hiện sự thành công nhất định. Đây là mô hình mà Đề án thí điểm rất mong đợi, tuy nhiên qua thực tế thì chỉ có những doanh nghiệp lớn mới làm được. Đối với mô hình thu mua, chế biến, tiêu thụ gắn kết với các chủ tàu cũng là mô hình thành công bước đầu đó là bỏ qua khâu trung gian nậu vựa. Còn đối với mô hình liên kết giữa doanh nghiệp thông qua nậu vựa để thu mua sản phẩm của ngư dân cũng đạt được sự thành công đó là khâu thu mua, tiêu thụ có tổ chức bài bản hơn và đây cũng là mô hình trong thời kỳ quá độ để đi đến hoàn thiện.

Tuy nhiên, sự liên kết theo chuỗi trong 2 năm qua cũng chỉ là thành công bước đầu, chưa hình thành được một xu hướng cụ thể, sản phẩm khai thác được chủ yếu cũng chỉ dừng lại ở mức sản phẩm thô, chưa có chế biến sâu, doanh nghiệp và ngư dân chưa làm chủ được công nghệ nên giá trị thực sự của con cá ngừ chưa được nâng lên. Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các tỉnh triển khai đề án thí điểm để đánh giá lại từng mô hình, những vấn đề chưa phù hợp sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới.

>>Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Tổng cục Thủy sản cần triển khai nghiên cứu những đề tài khoa học, hỗ trợ kỹ thuật khai thác, bảo quản, sơ chế hiện đại từ nước ngoài cho ngư dân. Thời gian tới, các doanh nghiệp và ngư dân tham gia chuỗi cần khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ có khoa học hơn, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào chế biến.


Related news

Phát triển nghề nuôi biển ở Ecuador Phát triển nghề nuôi biển ở Ecuador

Nghề nuôi tôm đã để lại nhiều hệ lụy môi trường, nên nuôi biển được coi là một giải phát triển thủy sản bền vững hơn.

Monday. June 5th, 2017
Inulin ngăn chặn dịch bệnh thủy sản Inulin ngăn chặn dịch bệnh thủy sản

Với chiết xuất từ cây rau diếp xoăn, inulin nguồn gốc thực vật trở thành một nguồn phụ gia thức ăn bền vững trong ngành nuôi trồng thủy sản

Monday. June 5th, 2017
Sóc Trăng: Khởi sắc từ các mô hình nuôi tôm sạch Sóc Trăng: Khởi sắc từ các mô hình nuôi tôm sạch

Sau nhiều năm nuôi tôm thành công lẫn thất bại, những mô hình hợp tác nuôi tôm ở huyện Mỹ Xuyên đã rút ra được kinh nghiệm: đó là muốn nuôi tôm thành công

Monday. June 5th, 2017