Giúp Nông Dân Làm Nông Nghiệp Đô Thị
Quận Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) có tốc độ đô thị hóa nhanh, đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp nên việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị là chủ trương lớn của thành phố và của quận.
Hội ND Thủ Đức đã nhanh chóng vào cuộc thực hiện chủ trương này.
Nâng cao kiến thức
Theo ông Huỳnh Văn Thành - Chủ tịch Hội ND quận Thủ Đức, thực hiện chủ trương của UBND thành phố về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng đô thị trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2011-2015, Hội ND quận đã phối hợp với Trạm Thú y, Trạm Khuyến nông quận tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho ND. Trung bình mỗi năm tổ chức từ 3-4 lớp, với những ngành nghề: Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa mai, hoa lan, kỹ thuật tạo dáng bonsai, nuôi trồng thủy canh, kỹ thuật nuôi cá kiểng…
Sau các lớp tập huấn, Hội đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều điểm trình diễn cây trồng, vật nuôi ở một số hộ dân, để bà con học tập làm theo. Để hỗ trợ vốn ND sản xuất, Hội đã trực tiếp giới thiệu 3 nguồn vốn vay chủ yếu: Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) của quận, Quỹ HTND thành phố và nguồn vốn vay có hỗ trợ lãi suất vay (theo Quyết định 36 của UBND thành phố), với tổng số tiền trên 34 tỷ đồng. Theo đó, đã có 518 hộ với trên 101ha chuyển sang trồng các loại hoa kiểng, 68 hộ nuôi bò sữa và bò thịt, 12 hộ nuôi cá kiểng, 170 hộ nuôi heo thịt và một số hộ chăn nuôi nhím, thỏ, dê, ếch… phát triển kinh tế một cách bền vững. Nhờ đó 38 hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo, 30 hộ chuyển sang hộ cận nghèo (thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm).
Theo ông Đào Văn Quý - Phó phòng Kinh tế quận Thủ Đức, do tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất canh tác giảm nhiều, nên việc phát triển nông nghiệp gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó là úng ngập ở khu vực trũng khi triều cường, mùa mưa lũ; dịch bệnh trên đàn gia súc làm ảnh hưởng lớn tới sản xuất. Cùng với đó là quy mô sản xuất của ND chủ yếu là kinh tế hộ, sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, sản phẩm nông nghiệp chưa có sức cạnh tranh cao, thiếu sự liên kết trong tiêu thụ sản phẩm…
Tạo vốn, liên kết sản xuất
Ông Mai Quốc Thái - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn và trang trại thành phố nêu ý kiến: Để ND sản xuất đạt hiệu quả, cần phải chú trọng đến 4 yếu tố: Đất đai; kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; nguồn giống và nguồn vốn ưu đãi cho ND.
Theo ông Quý, để tháo gỡ khó khăn trên, Hội ND và các ngành chức năng phải vận động, hướng dẫn ND tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Còn theo ông Lê Thành Thảo - Chủ tịch Hội ND Hiệp Bình Phước, cần phải phát triển mạnh phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn để làm nòng cốt. Lực lượng này phải nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, phải đáp ứng được khả năng cạnh tranh hàng hóa trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới.
Còn bà Dương Thị Hồng - Chi hội trưởng Chi hội Hoa lan phường Linh Xuân cho rằng phải quan tâm đến việc đầu tư cây con giống cho ND, nhất là các giống hút hàng; giúp ND vay vốn, nhất là các nguồn vốn ưu đãi; hướng dẫn ND thành lập các tổ hợp tác, HTX để chủ động đầu vào, đầu ra cho sản phẩm...
Related news
Địa hình đồi núi, ruộng bậc thang, đường sá đi lại khó khăn, trình độ dân trí hạn chế... đang là những cản trở lớn khiến việc thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Cao Phong khó khăn.
Bắt đầu từ xã Thới Thạnh (Bến Tre), năm 2008, Dự án Heifer đầu tư cho địa phương 40 con bò (trị giá ban đầu mỗi con hơn 10 triệu đồng, trọng lượng khoảng 180 kg) dành cho những hộ nghèo, cận nghèo, hộ chí thú làm ăn và có đất chăn nuôi (đất làm chuồng, trồng cỏ, có người chăn).
Mặc dù Bắc Kạn chưa phải là vùng kinh tế trọng điểm như các tỉnh bạn nhưng so với những ngày đầu tái lập (năm 1997) với điểm xuất phát cực thấp thì thấy rằng sau 16 năm chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã khá rõ nét. Giờ đây Bắc Kạn đã có vùng trồng cây ăn quả, vùng trồng cây công nghiệp ngắn ngày, vùng trồng cây lương thực, cây lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc…