Chiều 9.6, Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội NDVN Hà Phúc Mịch đi thăm mô hình trồng quýt của anh Trần Văn Bảo ở ấp 8, xã Tấn Thành, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.
Sau nhiều năm trồng điều không đạt hiệu quả, năm 2007, anh Bảo cải tạo lại vườn và trồng trên 1.000 gốc quýt trên diện tích 1,8ha.
Sau 3 năm, quýt bắt đầu được thu hoạch. Anh Bảo cho biết, bình quân mỗi năm quýt cho trái 2 vụ chính, trừ chi phí anh thu lãi gần 2 tỷ đồng/năm. Ngoài 2 vụ quýt chính, anh còn bán lai rai với nguồn thu không nhỏ. Thấy việc trồng quýt đạt hiệu quả kinh tế cao, anh trồng thêm 1,5 ha quýt, khoảng 1 năm nữa bắt đầu cho thu hoạch. Hiện, bà con trong vùng đã trồng trên 40ha quýt.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch Hà Phúc Mịch đã đến thăm mô hình sản xuất rau an toàn của anh Nguyễn Xuân Thủy ở phường Tân Thiện, thị xã Đồng Xoài. Anh Thủy cho biết, anh trồng rau vào năm 2001 với diện tích vài trăm mét vuông, chủ yếu là để cải thiện thêm kinh tế gia đình. Năm 2008, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân thị xã, anh chuyển sang trồng rau an toàn trên diện tích 3.500m2, chủ yếu là các loại rau ăn lá và các loại cải. Bình quân mỗi tháng anh Thủy thu khoảng 7 tấn rau cải các loại, trừ chi phí lãi khoảng 20 triệu đồng/tháng. Đầu ra chủ yếu là bỏ mối ở các sạp ngoài chợ và chợ rau đầu mối ở thị xã Đồng Xoài.
Ông Đặng Xuân Hảo - Chủ tịch Hội ND thị xã Đồng Xoài cho biết, hiện diện tích trồng rau toàn thị xã là 30ha. Hội ND thị xã đang vận động ND trồng rau thành lập Hợp tác xã để trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, có ký kết hợp đồng với các siêu thị, tạo đầu ra bền vững cho người trồng rau.
Làm việc với Hội ND thị xã Đồng Xoài, Phó Chủ tịch Hà Phúc Mịch lưu ý, hiện nay ta chưa có hành lang pháp lý bảo vệ cho người trồng rau theo hướng VietGAP, làm thiệt hại không ít đến lợi ích của người sản xuất. Hội ND phải vào cuộc để tạo hành lang pháp lý cho người trồng rau, giúp người trồng rau cả về giấy chứng nhận VietGAP, kỹ thuật trồng... Phải liên kết tốt 4 nhà, có quan hệ tốt với các siêu thị, để tạo đầu ra bền vững cho rau.