Giàu Lên Từ Trang Trại Chăn Nuôi Heo Siêu Nạc Ở Dak Lak
Từng gắn bó với cây cà phê hơn 15 năm nhưng nhìn đi nhìn lại số tiền thu được cũng chỉ đủ trang trải các chi phí sinh hoạt, nuôi con ăn học, có lúc còn rơi vào cảnh nợ nần khi giá cà phê xuống thấp. Sau nhiều lần trăn trở, bàn tính, năm 2006, vợ chồng anh Nguyễn Gia Thiện ở thôn 9 (xã Ea Riêng, huyện MDrak, tỉnh Dak Lak) quyết định chuyển đổi hướng phát triển kinh tế sang chăn nuôi heo siêu nạc.
Thay vì phát triển chăn nuôi theo cách truyền thống, anh lặn lội đi nhiều nơi và được tiếp cận với mô hình mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao do Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam đầu tư. Với phương thức Công ty đầu tư toàn bộ về con giống, thức ăn, thuốc phòng dịch và đầu ra… hộ chăn nuôi đầu tư đất đai, nhân công, nguồn vốn ban đầu để xây dựng trang trại, vợ chồng anh Thiện thống nhất “thử sức” cách làm này.
Bằng nguồn vốn tích lũy được, cộng thêm vay mượn Ngân hàng, bà con và bạn bè, vợ chồng anh mạnh dạn đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng hệ thống trang trại rộng 2.000 m2 với 4 dãy chuồng nuôi từ heo nái, heo giống đến heo thịt. Trong trang trại còn có kho dự trữ thức ăn, khu vực để thuốc thú y, dụng cụ khám chữa bệnh cho heo, lối đi thuận tiện cho việc chăm sóc, hệ thống nước uống, cho ăn tự động. Để theo dõi chu kỳ sinh sản, chăm sóc heo mẹ tốt nhất, ở mỗi ô chuồng đều gắn “thẻ nái” ghi chép cẩn thận các thông tin về thời gian phối giống, mức độ lên giống, ngày đẻ dự kiến, ngày đẻ thực tế, số con loại bỏ khi mới sinh, ngày cai sữa thực tế…
Thường xuyên phun thuốc sát trùng, vệ sinh chuồng trại đúng cách giúp trang trại chăn nuôi của gia đình anh Nguyễn Gia Thiện phát triển ổn định, hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ vậy, anh có thể nắm chính xác thời gian đẻ của từng con heo nái. Heo con sau mười ngày sẽ được tách mẹ cho ra hệ thống chuồng chăm sóc riêng. Bên cạnh đó, để bảo đảm vệ sinh chuồng trại chăn nuôi cũng như môi trường xung quanh, cứ 2 ngày gia đình anh tiến hành phun thuốc sát trùng 1 lần, đồng thời đầu tư xây dựng 3 hầm biogas có tổng thể tích 45 m3, lắp đặt một máy phát điện không chỉ giúp xử lý chất thải chăn nuôi mà còn có nguồn điện cung cấp cho trang trại và khí ga cho 5 hộ xung quanh sử dụng.
Nhờ kỹ thuật chăn nuôi tốt, có khoa học, đàn heo của gia đình anh lớn nhanh và ít bị dịch bệnh. Anh Thiện cho biết, chăn nuôi heo siêu nạc quan trọng nhất là phải tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ, thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra thú y và giữ nhiệt độ chuồng nuôi không nóng quá vào mùa hè, không lạnh quá vào mùa đông. Điều đáng nói, phế phẩm chăn nuôi được gia đình anh tận dụng bán lại cho các hộ trong vùng để ủ phân vi sinh chăm sóc cây trồng. Nhờ cách làm khoa học trên, đàn heo của gia đình anh phát triển ổn định, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 80 tấn heo thịt, lợi nhuận sau khi trừ chi phí trên 300 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, giải quyết việc làm ổn định cho 2 lao động địa phương, anh còn là một trong những “mạnh thường quân” sẵn sàng đóng góp ủng hộ các hoạt động nhân đạo từ thiện của địa phương, tự đầu tư 26 triệu đồng làm 800 m2 đường giao thông nông thôn và sẵn sàng giúp đỡ những hộ có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, thiếu vốn sản xuất cùng vươn lên thoát nghèo.
Related news
Dịch bệnh đốm trắng ở tôm xuất hiện, gây thiệt hại cho người nuôi ngay từ đầu vụ tôm xuân hè 2013. Trong khi đó, công tác phòng chống dịch lại gặp nhiều khó khăn, nguy cơ dịch bệnh có thể lan ra diện rộng. Phóng viên Báo Hà Tĩnh có cuộc trao đổi với bà Đặng Thị Thu Hoàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh về vấn đề này.
Chi cục Nuôi trồng thủy sản Trà Vinh cho biết: Trước tình hình nuôi tôm sú gặp khó khăn do ảnh hưởng của hội chứng hoại tử gan tụy, bệnh đốm trắng… vụ tôm 2013 nhiều hộ mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi tôm thẻ chân trắng.
Gia đình chị Phan Thị Thùy (thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) giờ đây đã có cơ ngơi khang trang nhờ nuôi gà siêu trứng, với thu nhập 150 triệu đồng/năm.