Prices / Tin thủy sản

Giảm thiệt hại cho tôm trong nắng nóng

Giảm thiệt hại cho tôm trong nắng nóng
Author: Quang Trí
Publish date: Wednesday. November 6th, 2019

Để hạn chế thiệt hại cho tôm trong mùa nắng nóng, người nuôi tôm cần theo đúng quy trình kỹ thuật nuôi, nhất là phải chọn giống tốt, cải tạo ao nuôi kỹ, quản lý tốt môi trường nước, thức ăn và theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của tôm để có biện pháp xử lý kịp thời.

Thường xuyên kiểm tra môi trường nước trong ao nuôi tôm - Ảnh: PTC

Chưa thả nuôi vụ mới

Những ngày qua, thời tiết nắng nóng kéo dài và dự báo sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới nên khả năng phát sinh dịch bệnh trên tôm nuôi rất cao, nhất bệnh là bệnh hoại tử gan tụy. Do đó, đối với những bà con nuôi tôm có kế hoạch thả giống vụ mới hay thả giống lại do tôm bị dịch bệnh, thì chưa nên thả giống ngay trong thời điểm này mà nên chờ đến khi mưa xuống (dự báo khoảng 1 tháng nữa) để nhiệt độ ổn định hơn rồi mới tiến hành thả giống nuôi vụ mới.

Trong thời gian chờ thời tiết ổn định, bà con cần cải tạo ao đầm thật kỹ, lấy nước, xử lý nước và chọn tôm giống chất lượng tốt để chuẩn bị sẵn sàng cho vụ nuôi mới. Đầu tiên phải phơi khô cứng nền đáy ao chứa, ao nuôi khoảng 1 - 2 tháng để ngắt vụ, tiêu diệt các mầm bệnh, khoáng hóa và phục hồi môi trường nền đáy. Tháo cạn nước ao nuôi và ao chứa, loại bỏ các địch hại có trong ao, vét bùn đáy ao thật kỹ, tu sửa bờ, cống cấp nước, thoát nước. San đáy ao dốc về phía cống thoát, phải đầm nén kỹ bờ ao hoặc lót bạt để chống xói lở và hạn chế rò rỉ. Rào lưới quanh ao để tránh các loài ký chủ trung gian gây bệnh từ bên ngoài như cua, còng, rắn...

Sau đó tiến hành bón vôi, bừa kỹ cho vôi ngấm vào đáy để diệt hết tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp còn sót lại, diệt khuẩn trong bùn, giải độc và trung hòa pH. Nếu có điều kiện cần phơi đáy ao từ 20 - 30 ngày. Đối với những ao không phơi được đáy cần bơm cạn nước tối đa có thể, dùng máy cào chất thải về góc ao, bơm chất thải vào ao chứa thải, sau đó tiến hành bón vôi. Cuối cùng, chọn thời điểm thích hợp để lấy nước vào ao lắng hay ao nuôi, diệt khuẩn nước bằng Chlorine và gây màu nước. Cần kiểm tra kỹ môi trường ao nuôi và trước khi thả giống cần điều chỉnh các yếu tố môi trường nước trong ao cho thích hợp như độ kiềm lớn hơn 80 mg/l, pH lớn hơn 7,5.

Người nuôi chủ động chọn mua tôm giống có chất lượng tốt, nhất là không mua con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Sau khi chọn tôm giống bằng phương pháp cảm quan, người nuôi đem tôm đi kiểm tra bằng phương pháp PCR để khẳng định tôm không bị nhiễm mầm bệnh nguy hiểm. Đặc biệt, cần áp dụng biện pháp ươm tôm giống trong diện tích nhỏ trong thời gian từ 25 - 30 ngày trước khi thả ra ao nuôi, với mật độ 500 - 600 con/m2. Đồng thời, thả tôm sang ao nuôi với mật độ hợp lý không quá dày (20 - 25 con/m2 đối với tôm sú; 45 - 50 con/m2 đối với tôm thẻ chân trắng). Thời gian thả thích hợp nhất là vào buổi sáng hoặc chiều tối.

Người nuôi cần có ao lắng để xử lý nước riêng biệt, tiệt trùng nguồn nước đầu vào trong ao lắng trước khi cấp vào ao nuôi bằng hóa chất Chlorine, liều lượng 30 kg/1.000 m2, đồng thời hạn chế thay nước trong suốt vụ nuôi và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật diệt giáp xác. Hiện nay, mô hình nuôi ghép với cá rô phi, công nghệ Biofloc (sử dụng các hạt floc để kết dính các loại vi khuẩn, tảo... có trong ao nuôi) cũng là những mô hình cho hiệu quả tốt cần áp dụng để phòng chống dịch bệnh tôm.

Quản lý chặt chẽ ao nuôi

Đối với những ao tôm đang thả nuôi, việc quản lý môi trường ao nuôi và phòng chống bệnh cho tôm trong thời điểm này là cực kỳ khó khăn. Bởi trong mùa nắng nóng, nhiệt độ không khí và nước ao chênh lệch rất lớn, tảo trong ao phát triển khó kiểm soát, thường có sự xuất hiện những cơn mưa trái mùa đột ngột với lưu lượng nước lớn, môi trường nước ao nuôi biến động mạnh, tôm kém ăn, sức đề kháng của tôm giảm...

Để hạn chế thiệt hại cho ao nuôi tôm thì bà con cần gia cố bờ bao, thức ăn cho tôm phải là loại tốt, thường xuyên bổ sung khoáng chất cho tôm, cần duy trì mực nước trong ao từ 1,3 - 1,8 m tránh để biến động nước sau những cơn mưa hay nhiều ngày nắng gắt, thường xuyên kiểm tra ổn định độ pH vì nó quyết định phần lớn sức đề kháng của tôm. Khi trời nắng nóng có sự dao động lớn giữa nhiệt độ không khí và nhiệt độ môi trường nước, tránh gây sốc hoặc làm động tôm như chài, mò bắt bởi những hoạt động này sẽ làm tôm búng, nhảy lên mặt nước làm cong thân, gây ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của tôm.

Nếu có điều kiện, cần cấp nước để bù vào lượng nước bốc hơi, nên cấp nước từ từ khoảng 20 - 30% lượng nước trong ao, cấp vào lúc trời mát khoảng sau 19 giờ đêm, cấp nước cần qua ao lắng và xử lý. Cần sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ giúp ổn định môi trường, hạn chế khí độc trong ao nuôi. Kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn cho tôm, không cho tôm ăn quá nhiều để tránh tình trạng dư thừa thức ăn, cần chú ý giảm lượng thức ăn cho tôm khi nhiệt độ nước ao cao trên 300C.

Bà con cần quản lý chặt chẽ các yếu tố môi trường trong ao như pH (kiểm tra 2 lần/ngày), độ kiềm (định kỳ 7 - 10 ngày/lần), NH3, ôxy hòa tan, mật độ tảo (định kỳ 3 ngày kiểm tra/lần). Trong quá trình nuôi nên sử dụng chế phẩm vi sinh, khuyến khích sử dụng các chế phẩm nâng cao sức đề kháng của tôm, hạn chế thấp nhất sử dụng kháng sinh. Bố trí quạt nước ở mức 15 - 20 cánh quạt/1.000 m2 mặt nước nhằm đảm bảo đủ lượng ôxy trong ao. Khi tôm có dấu hiệu giảm ăn, tăng trưởng chậm thì thu hoạch từng phần hoặc toàn bộ.

Ngoài ra, bà con nuôi tôm cần theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe tôm và các yếu tố môi trường ao tôm để kiểm soát dịch bệnh và có biện pháp xử lý mầm bệnh kịp thời khi dịch bệnh xảy ra. Khi phát hiện tôm nuôi bị bệnh cần kịp thời thông báo cho cán bộ thú y địa phương để xác định bệnh và tiến hành dập dịch trước khi xả nước thải ra các kênh rạch tự nhiên. Các hộ đang nuôi cần áp dụng quy trình nuôi khép kín đối với khu vực thường xuyên xảy ra dịch bệnh và quy trình nuôi ít thay nước có kiểm soát đối với những khu vực nuôi ổn định nhằm hạn chế khả năng lây lan. Người nuôi có thể tạt thêm xuống ao Vitamin C và khoáng tạt, đồng thời nên giảm hoặc ngưng cho tôm ăn trong và sau những cơn mưa lớn. Ở những vùng đất phèn thì cần rải vôi quanh bờ ao để phòng phèn bị rửa trôi xuống ao tôm trong những cơn mưa lớn trái mùa.

Người nuôi cần tăng cường chạy quạt, rút bỏ lớp nước mặt ngay trong khi mưa. Đối với các ao nuôi tôm ở vùng đất phèn thì rút bỏ cả nước mặt và lớp nước đáy, đánh thêm vôi cho ao với liều lượng 10 kg/1.000 m3 nước ngay trong khi mưa lớn để tránh có những biến động đột ngột về môi trường gây ảnh hưởng đến tôm nuôi.


Related news

Giải pháp kiểm soát, diệt hến, vẹm trong ao tôm Giải pháp kiểm soát, diệt hến, vẹm trong ao tôm

Các loài hai mảnh vỏ (hến, vẹm, trai, hàu…) thường được tìm thấy trong ao nuôi tôm và các kênh dẫn nước ở giai đoạn ấu trùng có tiêm mao sống phù du (veliger).

Wednesday. November 6th, 2019
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đạt 1,08 tỷ USD.

Wednesday. November 6th, 2019
Cá da trơn Việt Nam có visa chính thức vào thị trường Mỹ Cá da trơn Việt Nam có visa chính thức vào thị trường Mỹ

Mỹ công nhận tương đương hệ thống kiểm soát ATTP, 4 công ty đã qua đợt rà soát thuế chống bán phá giá được xuất khẩu cá tra vào Mỹ với thuế suất 0%.

Wednesday. November 6th, 2019