Giảm Nghèo Nhờ Trồng Gấc
Đứng bên giàn gấc trĩu quả, cụ Đặng Thi (78 tuổi) ở thôn Thạch Bồ, vui vẻ cho biết: “Tôi là người đầu tiên trồng gấc ở đây. Gần 20 năm trước, nhân một chuyến ra Bắc thăm bà con, tôi được nếm mùi vị của gấc qua các món ăn. Tôi thích luôn và không quản ngại đường xa để di thực loại cây này về trồng tại quê nhà”. Trải qua bao năm tháng, bà con thấy đây là loại cây phù hợp với đồng đất nơi này, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó gấc nhanh chóng “chiếm lĩnh” nhiều khu vườn. Cụ đưa tôi đi xem hai giàn gấc rộng khoảng 200m2 và một gốc gấc cổ thụ sau nhà, có đường kính khoảng 1m với vài chục quả gấc xanh bu bám. Trung bình mỗi năm cụ thu từ gấc khoảng 3 triệu đồng, đó là chưa kể đến việc biếu và dùng trong nhà. Cụ cho biết: Hầu hết các món ăn trong gia đình, tôi đều cho gấc vào để tăng thêm màu sắc và dinh dưỡng. Thôn Thạch Bồ có khoảng 30 hộ trồng gấc, nhưng nhiều nhất là hộ ông Đặng Mãi và hộ bà Nguyễn Thị Tâm; có hộ mỗi năm thu hoạch khoảng 400kg, có nhiều hộ xoá đói giảm nghèo nhờ cây gấc. Có thể trồng gấc bằng thân dây hoặc bằng hạt, gấc ít sâu bệnh và dễ chăm sóc. Tuy nhiên, để cho gấc sai quả, phải chú ý khâu thụ phấn. Khoảng 9 - 10 giờ sáng là có thể thực hiện thụ phấn nhân tạo cho gấc bằng cách cho nhuỵ hoa của dây gấc đực tiếp xúc nhuỵ cái. Trung bình mỗi hoa đực thụ phấn khoảng 5 hoa cái. Cũng có trường hợp, từ gốc dây gấc cái, đâm ra một nhánh gấc mới, chỉ cho hoa đực. Mỗi quả gấc có khoảng 3 - 4 hạt đực, hạt đực nhỏ và mỏng hơn hạt cái. Khi gieo ươm, mỗi hốc nên kèm theo một hạt đực và làm dấu. Khi các dây gấc bò lên giàn, mỗi giàn chỉ để lại 1 - 2 dây đực; số dây đực còn lại, nên nhổ bỏ để có chỗ cho dây cái phát triển.
Ông Nguyễn Văn An, người chuyên trồng gốc ở thôn Bắc An cho biết: “Thôn tôi có nhiều hộ trồng gấc, thu nhập tương đối cao, giá gấc đầu mùa (tháng 4 dương lịch) khoảng 8.000 đồng/kg. Có 2 loại: Gấc da trơn trái to, nặng ký nhưng giá rẻ hơn; gấc da gai quả nhỏ, phẩm chất tốt, giá cao hơn. Các hộ trồng gấc nhiều như ông Bảy ất, ông Nguyễn Mính, ông Sáu Thảo”.
Ông Nguyễn Hoanh, Trưởng thôn Bắc An cho biết: “Toàn thôn có 72 hộ với 290 khẩu, lúa nước và đất màu có khoảng 18ha, thời gian qua, do diện tích đất sản xuất ít, nhưng nhờ thâm canh, xen canh, nhất là trồng gấc nên đã nâng cao thu nhập, từ đó đời sống của bà con càng ngày càng cải thiện. Hiện nay, chỉ còn 2 hộ nghèo theo tiêu chí mới, hằng năm có khoảng 90% hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hoá”.
Về Thạch Bồ và Bắc An hôm nay, chỉ thấy một màu xanh của gấc. Những căn nhà lụp xụp ngày nào được thay bằng những ngôi nhà xinh đẹp, khang trang ẩn hiện trong các hàng cau, giàn gấc. Những con đường kiệt hẻm, ngày xưa nắng bụi, mưa bùn, nay đã 100% bê tông và nhựa hoá, đường thôn ngõ xóm khang trang sạch đẹp. Nhưng vinh dự nhất, thôn Bắc An đạt danh hiệu Thôn văn hoá cấp huyện 5 năm liền. Trong những thành quả đó, cây gấc đóng một vai trò quan trọng trong sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của hai thôn Thạch Bồ và Bắc An.
Có thể bạn quan tâm
Cây ngũ trảo có tên khoa học là Vitex negundo L., còn gọi là ngũ trãy, mẫu kinh, hoàng kinh, ngũ trảo phong, chân chim…, là loại cây gỗ nhỏ, cao từ 3-5m.
Với hai nhánh sông Chày, sông Son chảy qua địa bàn xã có chiều dài gần 12 km, Sơn Trạch (Bố Trạch- Quảng Bình) có điều kiện khá thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông.
Bất chấp thị trường cá tra vượt qua ngày tháng ảm đạm vừa qua, gần 100 chủ trang trại ở ĐBSCL vẫn nhiệt tình theo đuổi mục tiêu nuôi cá sạch, hướng tới phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành hàng cá tra ở VN.