Giải pháp ứng phó với tình hình nắng nóng
Phương pháp quản lý ao nuôi thời điểm thời tiết nắng nóng hiện nay
Theo dõi sức khỏe tôm trong những ngày nắng nóng Ảnh: T.T
1. Đối với nuôi tôm nước lợ
- Quản lý môi trường ao nuôi trước khi thả giống:
+ Cải tạo ao nuôi đúng quy trình kỹ thuật, áp dụng biện pháp an toàn trước khi thả tôm bằng cách sử dụng chế phẩm sinh học xử ký nước để đảm bảo sức khỏe tôm sau và giữ môi trường ổn định.
+ Đối với những ao nuôi có độ mặn hơn 30‰ không thích hợp cho sự phát triển của tôm nuôi, cần chủ động bổ sung nguồn nước ngọt, cấp nước từ ao lắng đã được xử lý cẩn thận. Sau đó kiểm tra và điều chỉnh các thông số môi trường (nhiệt độ, độ mặn, pH...) trong ngưỡng thích hợp trước khi thả tôm giống.
+ Nên duy trì pH ở mức thích hợp 7,5 - 8,5 và dao động giữa buổi sáng và buổi chiều không quá 0,5. Nếu pH thấp, có thể sử dụng vôi nông nghiệp CaCO3 (vôi canxi) liều lượng 10 - 15 kg/100 m2 rải đều khắp ao nuôi, bờ ao để tránh hiện tượng xì phèn làm giảm pH ao nuôi khi thời tiết chuyển mùa.
- Chọn và thả giống nuôi:
+ Lựa chọn giống tôm có nguồn gốc rõ ràng, thông qua xét nghiệm để đảm bảo âm tính với các bệnh nguy hiểm như: Bệnh còi, đốm trắng, đầu vàng, hoại tử gan tụy cấp tính, Taura.
+ Thả tôm giống nuôi với mật độ phù hợp với khả năng đầu tư của nông hộ, khuyến cáo thả mật độ < 20 con/m2 đối với tôm sú (cỡ giống PL15) và mật độ < 70 con/m2 đối với tôm thẻ chân trắng (cỡ giống PL12). Thuần độ mặn trước khi thả nuôi, đảm bảo độ mặn ở trại giống và ao nuôi không dao động quá 5‰. Thực hiện ương vèo trong thời gian 30 - 45 ngày trước khi san ra ao nuôi.
- Chăm sóc:
+ Thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết để chủ động điều chỉnh và duy trì các yếu tố môi trường trong khoảng thích hợp, duy trì mực nước ao nuôi tối thiểu 1,3 - 1,5 m, nếu cần cấp nước bổ sung thì lấy từ ao lắng/ao chứa đã được xử lý cẩn thận. Đồng thời, duy trì chạy quạt để tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ, đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan trong ao nuôi duy trì > 3,5 mg/l.
+ Sau giai đoạn nắng nóng, thời tiết sẽ chuyển sang giai đoạn chuyển mùa, do vậy khuyến cáo người nuôi giảm 15 - 30% lượng thức ăn khi thời tiết thay đổi đột ngột; định kỳ 2 lần/tháng bổ sung vitamin, khoáng vi lượng, men tiêu hóa vào thức ăn cho tôm, mỗi đợt 5 - 7 ngày để tăng sức đề kháng, giúp tôm lột xác đồng loạt và nhanh cứng vỏ.
+ Định kỳ 10 - 15 ngày sử dụng các loại chế phẩm vi sinh để xử lý nước và đáy ao, ổn định lượng vi sinh có lợi trong ao nuôi. Thường xuyên kiểm tra hoạt động, hình dáng bên ngoài, gan, ruột... của tôm nuôi để kịp thời xử lý, đảm bảo hiệu quả.
2. Đối với nuôi nghêu ven biển
- Khuyến cáo người dân tuyệt đối không thả giống nghêu vào thời điểm thời tiết nắng nóng hiện nay. Thời gian thả giống thích hợp là từ tháng 5 - 6 dương lịch với mật độ 500 - 1.000 con/m2 (nghêu cám) hoặc 150 - 200 con/m2 (nghêu trung).
- San bằng mặt bãi nuôi, khai thông các vùng nước đọng lại ở các bãi nghêu để tránh hiện tượng đọng nước cục bộ, giảm thiểu ảnh hưởng của nhiệt độ cao trong ngày làm nghêu yếu và chết.
- Tăng cường công tác quản lý vùng nuôi, thường xuyên theo dõi tình hình phát triển của nghêu nuôi; theo dõi chặt chẽ tình hình biến động của thời tiết và môi trường nước như: nhiệt độ, độ mặn, pH... nhằm sớm phát hiện các biến động bất thường của môi trường và tình hình sức khỏe của nghêu nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.
Có thể bạn quan tâm
Kỹ thuật quy trình chuẩn và rất khoa học bao gồm những khâu kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ương san hai giai đoạn.
Việc dùng ADN ở những hạn chế môi trường, cung cấp một cách nhanh chóng. Bài viết dưới đây sẽ mang tới cho bạn đọc về công nghệ tiên tiến này.
Vượt qua nhiều khó khăn về thị trường, kim ngạch xuất khẩu (XK) thủy sản trong quý I/2017 vẫn tăng trưởng 7,9% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 1,51 tỷ USD