Giá / Tin thủy sản

Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ương san hai giai đoạn

Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ương san hai giai đoạn
Tác giả: Yến Nhi
Ngày đăng: 23/05/2017

Kỹ thuật quy trình chuẩn và rất khoa học bao gồm những khâu kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ương san hai giai đoạn.

Ương TTCT trước khi san ra ao     Ảnh: T.Thiện 

1. Chuẩn bị

- Cải tạo ao:

+ Để nuôi TTCT theo hình thức này, người nuôi cần bố trí 1 ao với diện tích từ 500 - 1.000 m2 để ương tôm giống giai đoạn đầu. Đồng thời, bố trí ao nuôi liền kề với ao ương để thuận tiện cho việc san thưa, hạn chế tôm nuôi bị sốc.

+ Trước mỗi vụ tiến hành cải tạo ao nuôi và ao ương theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Đầu tiên, tháo cạn nước ao nuôi và ao ương, sên vét làm sạch đáy ao, loại bỏ các địch  hại có trong ao từ vụ nuôi trước, gia cố bờ ao chắc chắn hạn chế thẩm thấu, mất nước trong ao; sau đó rải vôi CaO lượng 10 - 15 kg/100 m2 tiêu diệt mầm bệnh của vụ nuôi trước.

 + Tiếp theo lấy nước vào ao (sâu 20 - 30 cm), thau rửa 2 - 3 lần, xả khô, rải vôi nông nghiệp (CaCO3) từ 15 - 20 kg/100 m2, sau đó tiếp tục phơi ao 5 - 7 ngày đến khi nứt chân chim thì tiến hành lấy nước.

- Lấy nước và xử lý nước:

+ Khuyến cáo người nuôi tôm cần thường xuyên theo dõi chất lượng ngoài kênh rạch trước khi lấy vào ao. Khi quan sát thấy chất lượng nước đảm bảo (nước đứng), tiến hành lấy vào ao lắng (qua túi lọc) cho đầy ao, lắng 3 - 5 ngày.

+ Cấp nước từ ao lắng qua ao ương và ao nuôi (qua túi lọc) đạt 1 - 1,2 m, tiến hành chạy quạt liên tục 3 ngày cho trứng cá và giáp xác nở thì tiến hành xử lý BKC liều lượng 10 - 15 kg/1.000 m3 kết hợp saponine liều lượng 7 - 10 kg/1.000 m3 vào lúc trời nắng để đạt hiệu quả diệt tạp và diệt khuẩn tốt nhất.

- Gây màu nước:

+ Áp dụng phương pháp bón phân gây màu theo khuyến cáo của ngành chuyên môn nhằm duy trì mật độ tảo trong ao, tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm giống. Phân vô cơ (urê hoặc DAP), bón ngày đầu 2,2 kg/1.000 m2, sau đó giảm dần hoặc dùng cám gạo, bón 1 - 1,2 kg/1.000 m2 trong 1 tuần.

+ Sử dụng chế phẩm sinh học có chứa các dòng vi khuẩn (Lactobacillus, Nitrobacter, Nitrosomonas…) để khống chế vi khuẩn gây bệnh, làm sạch đáy ao, hấp thu khí độc NH3, H2S, NO2… Sau khi gây màu nước nên kiểm tra độ trong của nước ao, khi đạt 35 - 40 cm mới tiến hành thả giống.

2. Tôm giống và phương pháp ương

- Chọn tôm giống:

+ Trong nuôi tôm, chất lượng tôm giống là yếu tố quyết định thành công của vụ nuôi. Do vậy, muốn tôm giống thả nuôi có chất lượng đảm bảo cần chọn ở các cơ sở có uy tín, xuất xứ nguồn gốc rõ ràng.

+ TTCT giống phải đảm ứng các yêu cầu cảm quan như: Tôm có chiều dài > 0,8 cm (PL10 - 12), kích cỡ đồng đều, tỷ lệ chênh lệch đàn < 5%, phụ bộ tôm hoàn chỉnh, không dị tật và khả năng bơi ngược dòng tốt. Sau đó, đem tôm giống xét nghiệm đảm bảo âm tính với các bệnh nguy hiểm như: Bệnh còi, đốm trắng, đầu vàng, hoại tử gan tụy cấp tính, Taura.

- Phương pháp ương tôm giống:

- Sau khi ao ương đã chuẩn bị hoàn tất, tiến hành ương với mật độ ương phổ biến 100 - 150 con/m2. Thả tôm giống vào thời điểm sáng sớm, thời tiết thuận lợi không ảnh hưởng của mưa bão, nắng nóng kéo dài.

+ Trong thời ương cần tăng cường quản lý, chăm sóc tôm nuôi, theo dõi các yếu tố môi trường ao ương (ôxy hòa tan, pH, nhiệt độ, độ kiềm, độ mặn...) hằng ngày để kịp thời xử lý hiệu quả. Theo dõi khả năng tiêu tốn thức ăn của tôm để điều chỉnh cho phù hợp, thông thường lượng thức ăn cho ngày đầu 1,5 - 2 kg/100.000 post, sau đó tăng 300 - 700 g/ngày.

+ Định kỳ sử dụng vôi CaCO3 liều lượng 10 - 15 kg/100 m3 kết hợp tạt vi sinh cho ao ương, khoáng để ổn định các yếu tố môi trường ao ương.

3. Chăm sóc, quản lý sau khi san nuôi

- Trước khi san cần lưu ý kiểm tra môi trường cả hai ao (ao ương và ao san) đảm bảo sự tương đồng các thông số: độ mặn, pH, độ kiềm, ôxy hòa tan... nhằm hạn chế gây sốc cho tôm nuôi. Ao san cần được diệt khuẩn, gây màu, đảm bảo màu nước, độ trong, các yếu tố môi trường nằm trong ngưỡng thích hợp cho tôm sinh trưởng và phát triển tốt.

- Sau khi ương được 30 - 40 ngày, tiến hành san ra ao nuôi. Khuyến cáo tiến hành san thưa trong những ngày thời tiết thuận lợi, tốt nhất san thưa vào chiều tối. Thông thường có hai cách san tôm từ ao ương san ao nuôi là đào mương cho tôm tự qua và chày tôm chuyển sang.

- Quản lý tốt việc cho tôm ăn trong quá trình nuôi, thông thường cho ăn từ 4 cữ/ngày, cho tôm ăn theo nguyên tắc “ngày nhiều, đêm ít” với tỷã lệ 6:4. Trong những ngày thời tiết nắng nóng, mưa nhiều, tôm đang lột xác... giảm lượng thức ăn 30 - 50% lượng thức ăn hằng ngày.

- Hàng ngày quan sát hoạt động bắt mồi và sức khỏe của tôm trong ao, xem biểu hiện bên ngoài của tôm thông qua màu sắc, phụ bộ, thức ăn trong ruột… để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường kịp thời xử lý.

- Trong nuôi thẻ chân trắng, cần độ kiềm > 80 mg/l trở lên bằng cách sử dụng vôi CaCO3 hoặc Dolomite với liều lượng 10 - 15 kg/1.000 m3 kết hợp tạt khoáng cho ao nuôi vào ban đêm 3 - 5 ngày/lần giúp tôm nhanh cứng vỏ và lột xác đồng loạt.

-  Định kỳ 7 - 10 ngày sẽ cấy vi sinh để tăng cường mật độ vi khuẩn có lợi trong ao nuôi. Trường hợp vi khuẩn Vibrio spp cao (sau khi có kiểm tra mẫu nước tại các cơ quan chuyên môn) tiến hành diệt khuẩn ao nuôi trước, sau 1,5 - 2 ngày tạt vi sinh để tạo môi trường thuận lợi cho tôm nuôi sinh trưởng và phát triển.

- Cấp nước bổ sung cho ao nuôi khi thật sự cần thiết vì nếu chất lượng nước không đảm bảo tôm dễ bị sốc. Trường hợp cấp nước bổ sung vào ao nuôi thì nên lấy nước từ ao lắng đã được xử lý cẩn thận và mỗi lần bổ sung 10 - 20% vào sáng sớm hoặc buổi chiều mát.


Có thể bạn quan tâm

Nhật Bản trở thành thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam Nhật Bản trở thành thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam

Từ đầu năm 2017 đến nay, XK tôm sang Nhật Bản đang có bước tăng trưởng rất ấn tượng, qua đó đưa Nhật Bản thành thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam.

23/05/2017
Bạc Liêu mở cống, lấy nước cứu tôm nuôi Bạc Liêu mở cống, lấy nước cứu tôm nuôi

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tỉnh khẩn trương cho mở một số cống

23/05/2017
Bột cá có thể được thay thế bằng một sinh vật đơn bào? Bột cá có thể được thay thế bằng một sinh vật đơn bào?

Sản xuất theo quy mô lớn của một sinh vật đơn bào có thể làm giảm nhu cầu sử dụng cá hoang dã, cây nông nghiệp để làm thành phần protein chủ chốt trong thức ăn

23/05/2017