Giải Pháp Để Phát Triển Tôm Tam Nông (Đồng Tháp)
Dự án tôm càng xanh trên địa bàn huyện Tam Nông phát triển được 9 năm, dự án này đã mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân. Tuy nhiên, quá trình sản xuất đã bộc lộ nhiều khó khăn, nhất là trong năm 2012 chi phí đầu vào tăng cao, đầu ra sản phẩm không ổn định làm giảm lợi nhuận của người nuôi tôm…
Ông Trần Văn Bên - một nông dân có kinh nghiệm nuôi tôm ở ấp Phú Long, xã Phú Thành B cho biết: Thời điểm năm 2008, với 1ha diện tích mặt nước ông đầu tư khoảng trên 80 triệu đồng, thời điểm đó diện tích ao nuôi chưa nhiều, tôm phát triển rất tốt nên lợi nhuận thu được trên 40 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng với diện tích ao nuôi đó nhưng trong năm 2012, gia đình ông phải tốn khoản chi phí hơn gấp đôi, nhưng tỷ lệ tôm đạt không cao, so với 5 năm trước chi phí đã tăng lên gần 2,5 lần.
Theo ông Bên, nguyên nhân là do chi phí đầu vào như con giống, thức ăn, tiền thuê đất, nhân công lao động tăng cao. Thêm vào đó, nguồn giống không đảm bảo dẫn đến lượng tôm hao hụt tăng gây thiệt hại cho người nuôi.
Anh Thi Thanh Tiền, hộ nuôi tôm cùng xã cho biết: “Tôm giống trên thị trường bây giờ có nhiều chủng loại khác nhau, giá cả cỡ nào cũng có. Giá tôm thường dao động từ 30 - 75 đồng/con, thậm chí có loại tôm giống do một số công ty lớn sản xuất, có uy tín trên thị trường giá bán lên tới 120 đồng/con. Dù vậy, tôm nào cũng được giới thiệu là sạch bệnh, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y, nhưng khi thả nuôi tôm hao hụt rất nhiều, nông dân vẫn là người chịu thiệt”.
Giải pháp phát triển
Theo Trạm thủy sản huyện Tam Nông, năm 2012 có khoảng 70% số hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện bị thiệt hại. Vì vậy năm 2013, một số hộ có diện tích ao nuôi lớn đã phải ngừng hoặc giảm diện tích ao nuôi. Kế hoạch trong năm 2013, huyện thả nuôi trên 1.000ha tôm, tuy nhiên do thời tiết nắng nóng, cùng với lượng con giống khó khăn nên đến thời điểm hiện tại số diện tích thả nuôi chỉ đạt khoảng 220ha.
Ông Nguyễn Sỹ Khánh - Trưởng Trạm Thủy sản huyện Tam Nông cho biết, vào cao điểm xuống giống tôm mỗi năm (mùa lũ) lượng tôm giống thả nuôi trên địa bàn huyện phải từ 100 - 300 triệu con, nhưng hiện nay 25 trại giống trong tỉnh vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu số lượng con giống này nên người dân phải mua giống từ những trại giống trôi nổi, chất lượng không đảm bảo, dẫn đến tình trạng tôm bị hao hụt nhiều.
Theo ông Khánh, sau thiệt hại của vụ tôm năm 2012, để tôm càng xanh phát triển ổn định, trong năm 2013 này, ngành nông nghiệp huyện đã đề xuất với UBND huyện có kế hoạch giảm chi phí cho người nuôi tôm bằng cách hỗ trợ những hộ nuôi tôm lâu năm, muốn mở rộng diện tích thuê đất khoảng 3 triệu đồng/ha/mùa thay vì thuê đất từ 20 - 25 triệu đồng/ha/năm, khuyến khích người dân mở rộng diện tích vuông cũ lên chân ruộng vào mùa nước nổi, tận dụng lượng tôm giống đã thả để phát triển diện tích nuôi tôm.
“Hiện nay, huyện cũng đã kêu gọi doanh nghiệp Hoàng Long kết hợp với doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng trại giống quy mô lớn, đáp ứng đủ nhu cầu giống sản xuất cho huyện, đồng thời mở rộng đầu tư bao tiêu sản phẩm cho vùng tôm Tam Nông. Hy vọng với những động thái này, sẽ giúp đầu ra cho con tôm Tam Nông được ổn định trong những năm tiếp theo” - ông Khánh nói.
Related news
Vụ tôm sú 2011 nông dân Trà Vinh thắng lợi với hơn 7.500 ha nuôi tôm sú thâm canh và bán thâm canh đã đạt sản lượng trên 19.500 tấn, năng suất trung bình đạt 4,16 tấn/ha đối với nuôi hình thức thâm canh.
Một nữ khoa học gia đã nghỉ hưu vừa gây chấn động giới khoa học VN bởi cái tên TH3-3, một giống lúa lai hai dòng 100% "made in VN" được chuyển nhượng cho một công ty tư nhân với giá kỷ lục 10 tỉ đồng. Đó là PGS-TS Nguyễn Thị Trâm, nguyên giảng viên Trường ĐH Nông nghiệp 1 và từng là phó viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp
Theo lịch thời vụ năm nay của Sở NNPTNT các tỉnh ven biển ĐBSCL, niên vụ tôm sẽ bắt đầu từ tháng 2, 3 - thời điểm thả giống tốt nhất. Tuy vậy, những ngày này, người nuôi tôm vẫn phấp phỏm lo lắng.