Prices / Mô hình kinh tế

Giải Nguy Người Nuôi Cá Tra

Giải Nguy Người Nuôi Cá Tra
Author: 
Publish date: Friday. August 2nd, 2013

Hiện nay, người nuôi cá tra ở ĐBSCL lâm vào cảnh điêu đứng, gian nan. Đã có người treo ao, bán đất vì làm ăn thua lỗ, nợ nần bủa vây. Một số người cố gắng duy trì nuôi cá theo hình thức gia công cho DN để trả nợ ngân hàng. Họ chờ đợi, và cầm cự. Trước mắt người nuôi cá mong muốn ngân hàng sớm vào cuộc giải cứu...

Vòng vây nợ nần

Một chiều ngày cuối tháng 7/2013, nghe tin Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, lãnh đạo TP Cần Thơ và đoàn cán bộ ngân hàng về tìm hiểu, thăm hỏi tâm tư nguyện vọng của người dân nuôi cá tra bên bờ sông Hậu, tại HTX nuôi cá tra Thới An, phường Thới An, quận Ô Môn (Cần Thơ), một nhóm nông dân tụ hội rất sớm, sốt ruột chờ đợi.

Vẻ mặt ai cũng đăm chiêu, buồn buồn, bởi nghề nuôi cá tra đang gặp nhiều khó khăn. Trong hàng chục ao cá nằm cạnh bờ sông Hậu rộng lớn, lộng gió, nguồn nước dồi dào, nhưng với 4 ao cá hình vuông nằm kề liên hoàn của HTX hiện chỉ có 1-2 ao có cá quẫy đuôi đớp mồi. Một xã viên HTX giải thích: Đó là hai ao cá nuôi liên kết với DN theo hình thức gia công cho Công ty Sao Mai (An Giang).

Ông Sáu Tiễn (Võ Văn Tiễn), người đang nuôi cá tra gia công cung cấp cho Công ty Sao Mai (An Giang), với sản lượng 1.700 tấn/vụ/năm ở phường Thới An, cam đoan: “Vào thời điểm này người nuôi cá tra có thể tóm gọn trong hai từ... ngắc ngoải! Giá cá tra lao dốc tới mức sát đáy. Dân nuôi cá nhỏ lẻ một vài ao, không có hợp đồng gia công với DN, bán trôi nổi cho các nhà máy lấy tiền mặt giá 18.500 đ/kg.

Còn nếu chịu bán ghi nợ sau 1 tháng trả, giá 19.000-19.500 đ/kg. Trong khi người nuôi cá giỏi, ít ao hụt, sử dụng thuốc thú y thủy sản loại tốt và thức ăn có thương hiệu chất lượng tên tuổi, đạt phẩm chất thịt cá tốt thì giá thành nuôi thấp nhất là 22.000 đ/kg. Như vậy còn cửa nào có lãi?”.

Đây chính là nguyên nhân dẫn tới thất bại. Chỉ trong vòng 2 năm thua lỗ kéo dài, hết hy vọng rồi thất vọng, tiền vốn bỏ ra tiêu hao, nợ và lãi vay ngân hàng không trả nổi. Ông Nguyễn Thanh Bình, xã viên HTX cá tra Thới An, than vãn: "Tôi có 8 năm theo nghề nuôi cá tra, nhưng 2 năm qua thua lỗ nặng nề. Lúc đầu từ 4 ao cá gần 1 ha mỗi năm sản xuất hàng trăm tấn cá tra, đến nay chỉ còn 1 ao 3.000 m2 nuôi gia công với Công ty Thủy sản Bình Minh (Vĩnh Long).

Phía công ty hứa hẹn cung cấp cho người nuôi cá theo phương thức 1,6 kg thức ăn, cộng thêm 5.000 đ, cuối vụ công ty thu hồi 1 kg cá tra nguyên liệu. Thế nhưng xui rủi làm sao, suốt 5 tháng qua phía công ty lặng im không cung cấp thức ăn, tiền cũng không, điện thoại gọi phía công ty không bắt máy.

Nhà tôi cạn vốn, còn nợ ngân hàng 2,5 tỷ đồng, đóng lãi trên 100 triệu đồng/tháng. Do vậy cá tra dưới ao đành cho ăn cầm chừng, nuôi 5-6 tháng mà trọng lượng chừng 200 g/con".

Cùng lâm cảnh nợ nần, ông Trần Hiếu Trung ở phường Thới Long, quận Ô Môn (Cần Thơ), ngao ngán kể: "Hồi năm 2009, tôi vay ngân hàng 3,5 tỷ đồng nuôi cá. Sau 2 năm thua lỗ gần như trắng tay. Năm 2010, ngân hàng xiết nợ, tôi bán 2 ao cá 8.000 m2 để trừ nợ và tiền lãi. Tôi cố gắng cầm giữ một ao 3.000 m2 nuôi cá gia công cho Cty Sao Mai.

Nhưng theo cách này cũng không dễ ăn, đến ngày xuất bán cá, phía công ty làm khó, giảm giá hỗ trợ từ 5.000 đ/kg xuống còn 4.500 đ/kg. Tính ra nuôi gia công lãi còn 500-1.000 đ/kg. Tôi vẫn ăn ngủ không yên vì số nợ ngân hàng 1,2 tỷ đồng và gánh nặng lãi vay chưa có cách nào trả nổi".

Gánh nợ cho DN

Ông Lý Văn Lung, dân nuôi cá tra phường Thới An, quận Ô Môn nói: “Tôi bán 298 tấn cá cho Công ty Việt An (An Giang), theo giấy ghi nợ sẽ trả tiền trong vòng 30 ngày sau khi bán cá. Nếu quá thời hạn trên sẽ tính lãi. Thế nhưng đến nay hơn 4 tháng, người bán cá đi đòi nợ chầu chực giống như đi xin. DN cứ hứa hẹn ầm ừ".

Tương tự, anh Đào Văn Những, nông dân phường Thới An, bán 200 tấn cá cho Công ty Thuận An. Đến nay sau hơn 2 tháng anh mới nhận được khoảng 20% số tiền trong tổng số tiền DN nợ. Trong khi đó, anh và nhiều nông dân khác hàng tháng phải còng lưng trả lãi vay ngân hàng như trả thay cho DN.

Trong 2 năm qua, nông dân nuôi cá bị lỗ nặng nên lún sâu nợ vay ngân hàng dẫn tới cầm bán nhà đất, phá sản. Còn đối với mô hình làm ăn liên kết, ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Cá tra Thới An dẫn chứng tình hình cũng chưa khá hơn: "Ban đầu thành lập HTX hơn 20 xã viên với diện tích nuôi cá tra trên 50 ha. Những năm qua giá cá giảm liên tục, xã viên nợ ngân hàng chồng chất. Một số xã viên buộc phải bán ao cá cộng thêm ruộng, vườn vẫn chưa đủ trả hết nợ ngân hàng. Hiện HTX Thới An diện tích ao nuôi cá teo tóp còn 10 ha".

Ông Hải phân tích: "Nuôi cá tra cần vốn lớn. Nông dân thiếu vốn nên thế chấp giấy tờ nhà, đất. Trước đây giá thành nuôi cá thấp, còn hiện nay chi phí thức ăn, thuốc thú y thủy sản chi phí đầu vào đều tăng lên, trong khi vốn vay ngân hàng không thể vay tăng lên được.

Người nuôi cá đã đuối sức, kiệt quệ. Do đó ngân hàng cần xem xét có giải pháp giúp đỡ nông dân tháo gỡ khó khăn về vốn vay, nhất là hỗ trợ ưu đãi lãi suất vay trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp-nông thôn".

Thống đốc NHNN Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình sau khi lắng nghe những đề đạt của người nuôi cá tra đã nhận định: “Để tháo gỡ khó khăn cho nông dân cần giải quyết những tồn tại vừa qua. Ngân hàng sẽ xem xét tình hình, cân đối số liệu cụ thể và có thể có giải pháp khoanh nợ, giảm lãi hoặc miễn lãi.

Sắp tới Chính phủ sẽ ban hành nghị định và có chính sách về ngành hàng cá tra. Tổ chức SX bài bản, người nuôi cá tra phải theo quy hoạch, số lượng đáp ứng nhu cầu thị trường và áp dụng kỹ thuật nuôi đảm bảo chất lượng sản phẩm cá tra uy tín. Lúc đó, nông dân sản xuất có hợp đồng bao tiêu, ngân hàng sẽ cho vay không cần thế chấp, để mục tiêu trọng tâm sau cùng là giúp nông dân sản xuất có hiệu quả và nâng cao thu nhập”.

Theo Tổng cục Thủy sản, trong 6 tháng đầu năm 2013, ở ĐBSCL thả nuôi 4.341 ha cá tra, giảm 4,1% so với cùng kỳ, sản lượng đạt 545.718 tấn. Một số địa phương trọng điểm có diện tích nuôi cá tra giảm nhiều như: An Giang còn 779 ha, giảm 18% so với năm 2012; Cần Thơ có 746 ha, giảm 5,1%, Vĩnh Long 434 ha, giảm 10,6%. Theo Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp, trong năm 2012 có 1.200 ha nuôi cá tra, nay số hộ treo ao lên tới 30-40%.


Related news

Chờ Giải Pháp “Cứu” Vườn Vú Sữa Suy Kiệt Chờ Giải Pháp “Cứu” Vườn Vú Sữa Suy Kiệt

“Mấy năm gần đây, nhiều vườn vú sữa Lò Rèn xuống sức thấy rõ. Nếu tiếp tục duy trì thì không thu được bao nhiêu mà lại mất thời gian nên nhiều hộ ở đây đã đốn vú sữa để trồng sa pô” - Đó là lời phản ánh của ông Nguyễn Văn Hòa, một nông dân kỳ cựu trồng vú sữa ở ấp Mỹ (Kim Sơn, Châu Thành - Tiền Giang).

Friday. August 2nd, 2013
Cây Xóa Nghèo Ở Long An Cây Xóa Nghèo Ở Long An

Mặc dù không có thế mạnh về cây ăn trái so với các địa phương như Tiền Giang, Bến Tre…, tuy nhiên, gần 10 năm nay, cây thanh long đã trở thành cây xóa nghèo của nhiều hộ gia đình trên vùng đất Châu Thành, tỉnh Long An.

Friday. August 2nd, 2013
Tập Huấn Kỹ Thuật Nuôi Cá Tầm Thương Phẩm Hồ Chứa Ở Hà Nội Tập Huấn Kỹ Thuật Nuôi Cá Tầm Thương Phẩm Hồ Chứa Ở Hà Nội

Nhằm đưa đối tượng nuôi mới cá tầm vào phát triển tại các khu vực hồ chứa của huyện Mỹ Đức (Hà Nội), ngày 26 tháng 4 năm 2013, Trạm Khuyến nông huyện Mỹ Đức phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tổ chức lớp tập huấn “Kỹ thuật nuôi cá tầm thương phẩm hồ chứa” cho 40 hộ nuôi trồng thủy sản của hai xã Hợp Thanh và An Phú.

Friday. August 2nd, 2013