Prices / Tin thủy sản

Giải cứu trung tâm Thủy sản... bao giờ thành công!?

Giải cứu trung tâm Thủy sản... bao giờ thành công!?
Author: THIÊN THANH
Publish date: Tuesday. March 8th, 2016

Giữa mùa ươm cá giống phục vụ hoạt động nuôi trồng thủy sản, các ao nuôi, ươm cá tại Trung tâm Thủy sản tỉnh (Đạo Đức - Vị Xuyên) lại “dở chứng” do nguồn nước khan hiếm. Mấy năm gần đây, nguồn cung cấp nước phục vụ hoạt động của Trung tâm liên tục sụt giảm, đặc biệt từ trước Tết Nguyên đán đến nay, lượng mưa ít hơn nhiều so với trung bình hàng năm nên hiện vẫn chưa có nước dẫn về các ao nuôi. Những ao cá được hình thành từ ngày mới lập Trung tâm đã khan hiếm nước, hệ thống ao hình thành do quá trình khoét núi thực hiện từ năm 2005 - 2011 phần lớn trơ đáy, cỏ mọc ngang người.

Trong khoảng thời gian trước năm 2010, Trung tâm Thủy sản được ngân sách Nhà nước đầu tư, triển khai dự án - bạt đồi cao hàng chục mét, tạo thành những ao nuôi cá giống, cá thịt nhằm biến đơn vị này thành “địa chỉ đỏ”, cung cấp giống thủy sản cho người dân trong tỉnh và các vùng lân cận. Xét về năng lực, với bề dày truyền thống và đội ngũ cán bộ có tay nghề, việc sản xuất, cung cấp giống thủy sản chất lượng cao hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Thực tế chứng minh, mỗi năm Trung tâm cung cấp ra thị trường hàng triệu, triệu con cá giống các loại, nhiều loài quý hiếm cũng được sản xuất thành công. Với diện tích mặt nước, tiềm năng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận lớn, nhu cầu nâng cấp, mở rộng hệ thống ao nuôi, ươm cá giống hoàn toàn hợp lý. Và việc mở rộng các ao nuôi tại Trung tâm Thủy sản đã đáp ứng được niềm mong mỏi, hy vọng của các cán bộ, kỹ sư và người dân nuôi cá.

Thế nhưng, những tính toán của người xây dựng và duyệt dự án ngày đó không lường hết khó khăn khi thực hiện công cuộc rời núi thành ao. Cuối năm 2005, công trình nâng cấp Trung tâm Thủy sản được đầu tư hơn 23 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình phát triển giống thủy sản. Số tiền trên dành để bạt núi, tạo thành 13 ao nuôi, ươm cá giống, cá thịt và xây dựng các hạng mục phụ trợ như hệ thống cấp nước, tiêu nước; bể luyện, ép cá giống; phòng thí nghiệm; nhà chế biến thức ăn... Được đầu tư hệ thống ao nuôi hiện đại, Trung tâm kỳ vọng sẽ sớm vươn lên, trở thành địa điểm lớn, tin cậy trong việc cung cấp nguồn giống thủy sản, từ đó nâng cao đời sống người lao động. Nhưng, từ khi các ao nuôi hình thành, chưa một ngày họ được thi thố tài năng, các hệ thống phụ trợ chưa bao giờ phát huy tác dụng. Trong số 13 ao, chỉ 5 ao được cung cấp nước phục vụ công tác nuôi ươm cá, 8 ao còn lại dùng để... nuôi cỏ. Trước tình trạng này, cơ quan chủ quản và cả lãnh đạo tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tìm nguồn vốn đầu tư hệ thống kênh mương dẫn nước, lắp đặt máy bơm, nhưng xem ra chưa mang lại kết quả như mong muốn.

Qua tìm hiểu được biết, Trung tâm Thủy sản tỉnh thành lập năm 1995, quản lý hàng nghìn m2 đất hồ ao, hiện có 26% diện tích chưa sử dụng vào hoạt động nuôi trồng thủy sản do không có nguồn nước cấp cho ao nuôi. Nguyên nhân được ngành chức năng lý giải do biến đổi khí hậu, kết hợp với một số diện tích rừng kinh tế đến chu kỳ khai thác, mới được trồng nên dẫn đến suy kiệt nguồn nước.

Kết quả khảo sát của ngành chức năng cũng cho thấy, trong 3 nguồn nước cấp vào các ao nuôi tại Trung tâm Thủy sản khi thực hiện đầu tư, xây dựng giai đoạn 1 và 2, hiện chỉ còn 1 nguồn nước từ hồ Bản Bang, xã Đạo Đức (Vị Xuyên). Nhưng, nguồn nước hiếm hoi này lại bị chia sẻ bởi hoạt động canh tác nông nghiệp của các hộ dân nên nó cũng luôn rơi vào tình trạng khan hiếm.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Đức Vinh cho biết, khắc phục tình trạng đang diễn ra tại Trung tâm Thủy sản, Sở đã yêu cầu phải đảm bảo việc sản xuất, cung ứng đủ nhu cầu con giống cho nhân dân; thực hiện duy tu, sửa chữa, quản lý tốt diện tích ao nuôi chưa có nước, tránh xuống cấp công trình.

Đồng thời, giao Trung tâm báo cáo UBND huyện Vị Xuyên, xã Đạo Đức ký kết quy chế phối hợp, điều tiết nguồn nước hợp lý giữa sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Về lâu dài, Sở đã có văn bản xin chủ trương đầu tư xây dựng công trình cấp nước bổ sung, đề xuất này được chấp thuận. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên giải pháp trên vẫn chưa được triển khai. Và như vậy, số phận những ao nuôi cá vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào... trời. Nếu trời không thương, không cho nước thì nhiều ao nuôi cá vẫn phải dùng để nuôi cỏ!


Related news

Giá cá ngừ đại dương giảm mạnh ngay đầu mùa khai thác Giá cá ngừ đại dương giảm mạnh ngay đầu mùa khai thác

Đầu tháng ba, giá cá ngừ đại dương tại tỉnh Khánh Hòa đã giảm từ 5.000 - 15.000 đồng/kg tùy loại so với 2 tháng trước.

Tuesday. March 8th, 2016
Gặp những người dám cướp cơm của Hà Bá Gặp những người dám cướp cơm của Hà Bá

Từ xa xưa, hầu hết ngư dân Việt Nam có quan niệm cứu người bị nạn giữa biển bởi là “cướp cơm của Hà Bá”, sẽ gặp tai ương. Vậy mà ở khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) có nhiều ngư dân là hội viên Hội Nông dân đã bỏ qua quan niệm ấy, cứu người thoát chết giữa sóng gió biển khơi.

Tuesday. March 8th, 2016
Cá lồng tiềm năng đang được đánh thức Cá lồng tiềm năng đang được đánh thức

Hồ Hòa Bình từ lâu được ví như một “Hạ Long trên cạn” với những đảo nhỏ nhấp nhô trên mặt nước mênh mông và bao quanh là những dãy núi kỳ vĩ. Hồ có chiều dài trên 70 km, trải rộng trên địa bàn gần 20 xã thuộc 5 huyện, thành phố, được hình thành sau khi có công trình thuỷ điện Hoà Bình. Tổng diện tích mặt hồ vào khoảng 2.250km2 với dung tích hơn 9 tỷ m3 nước.

Tuesday. March 8th, 2016