Giá / Thống kê thủy sản

Giá tôm nguyên liệu tăng dần

Giá tôm nguyên liệu tăng dần
Tác giả: Thủy Chung
Ngày đăng: 22/05/2020

Sau một thời gian sụt giảm do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, từ đầu tháng 4/2020 đến nay, giá tôm nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long đang dần tăng trở lại, mở ra kỳ vọng thuận lợi cho sản xuất vụ tôm mới.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), từ đầu tháng 4/2020 đến nay, giá tôm nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long đang dần tăng trở lại. Cuối tháng 4/2020, giá tôm chân trắng loại 100 con/kg có giá từ 95.000 - 100.000 đồng, so với cách đây 3 tháng, tăng từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Tôm sú cỡ 30 con/kg có giá từ 200.000 - 230.000 đồng, tăng 30.000 - 40.000 đồng/kg.

Giá tôm chân trắng tại Bạc Liêu hiện tăng hơn trước 20.000 đồng/kg (đối với loại nhỏ). Cụ thể, tôm chân trắng loại 100 con/kg có giá 90.000 đồng/kg đối với nuôi ao lót bạt; tôm nuôi ao đất giá từ 80.000 - 85.000 đồng/kg. Các loại tôm chân trắng cỡ lớn tăng nhẹ so với trước: loại 70 con/kg có giá 110.000 đồng/kg; loại 50 con/kg có giá từ 120.000 - 125.000 đồng/kg.

Dù giá tôm nguyên liệu đã tăng tích cực hơn nhưng do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh trên tôm, dịch Covid- 19 phức tạp tại các thị trường tiêu thụ chính, nên người dân vẫn e dè trong việc thả nuôi.

Theo Vasep, thời gian của vụ tôm nước lợ năm 2020 vẫn còn dài, những dấu hiệu thuận lợi cũng bắt đầu xuất hiện ngày một rõ ràng hơn như nhu cầu tiêu thụ tôm thế giới vẫn có vì tôm là thực phẩm thiết yếu, việc kiểm soát dịch Covid ở Trung Quốc, Hàn Quốc đang có chiều hướng tốt hơn sẽ có thêm hy vọng cho người nuôi và nhà máy chế biến khi đầu ra phần nào được tháo gỡ.

Tại thị trường EU, Việt Nam có lợi thế ưu đãi từ Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực trong thời gian tới, đặc biệt đối với sản phẩm tôm có mức thuế mà Ấn Độ, Thái Lan hay các nước khác không có lợi thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, các yếu tố rủi ro tiềm ẩn vẫn còn. Nếu những điểm trên không được khống chế, sẽ rất dễ xảy ra thiếu hụt nguyên liệu tôm khi thị trường hồi phục. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và người nuôi tôm vẫn cần liên kết chặt chẽ để vượt qua khó khăn, nắm bắt thời cơ khi thị trường hồi phục.


Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm mực, bạch tuộc nhập khẩu của Nhật Bản, T1-T4/2018, theo giá trị Sản phẩm mực, bạch tuộc nhập khẩu của Nhật Bản, T1-T4/2018, theo giá trị

Sản phẩm mực, bạch tuộc nhập khẩu của Nhật Bản, T1-T4/2018, theo giá trị

22/05/2020
Sản phẩm mực, bạch tuộc nhập khẩu của Nhật Bản, T1-T4/2018, theo khối lượng Sản phẩm mực, bạch tuộc nhập khẩu của Nhật Bản, T1-T4/2018, theo khối lượng

Sản phẩm mực, bạch tuộc nhập khẩu của Nhật Bản, T1-T4/2018, theo khối lượng

22/05/2020
Xuất khẩu thủy sản dần phục hồi từ quý III/2020, dự báo cả năm đạt 8,3 tỷ USD Xuất khẩu thủy sản dần phục hồi từ quý III/2020, dự báo cả năm đạt 8,3 tỷ USD

Xuất khẩu thủy sản trong tháng 4 và cả quý II/2020 sẽ chưa thể hồi phục vì một số thị trường vẫn bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch covid

22/05/2020