Giá lúa tăng cao, doanh nghiệp sợ lỗ
Giá lúa gạo trong nước đang cao hơn cả giá xuất khẩu khiến nhiều doanh nghiệp không dám thu mua nguyên liệu đầu vào vì sợ thua lỗ.
Trong ảnh: Giá lúa đông xuân vùng ĐBSCL đang ở mức có lãi cho nông dân
Mặc dù các tỉnh ĐBSCL chỉ mới bắt đầu vào chính vụ thu hoạch lúa đông xuân 2016 - 2017, thế nhưng khác với những niên vụ trước đó, giá lúa gạo nội địa vẫn đang tăng cao khiến nhiều nông dân hồ hởi.
Cụ thể, thông tin từ một số doanh nghiệp thu mua lúa gạo, giá lúa gạo nội địa ở khu vực ĐBSCL vẫn đang tăng so với thời điểm đầu vụ đông xuân năm nay. Giá lúa tươi tại ruộng Jasmine hiện dao động khoảng 5.500-5.600 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với cách đây 2 tuần, giá lúa OM1490 là 4.800-4.900 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Một số loại lúa như IR50404, lúa nếp cũng tăng khoảng 50 - 100 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) cho biết, với mức giá nội địa như trên, giá gạo trong nước đang cao hơn so với giá chào bán của doanh nghiệp từ 10-20 USD/tấn. Ngay cả bản thân doanh nghiệp này cũng gần cả tháng nay không dám thu mua nguyên liệu.
“Với mức giá nội địa như hiện nay, doanh nghiệp phải chào bán gạo 5% tấm với giá khoảng 360 USD/tấn thì mới không thua lỗ”, ông Đôn nói.
Việc giá lúa tăng cao thời điểm đầu vụ khiến một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo không dám thu mua đầu vào, vì giá nguyên liệu đang ở mức cao hơn giá xuất khẩu. Đây là điểm khá “bất thường” trong ngành lúa gạo bởi thông thường, khi vào chính vụ thu hoạch đông xuân – vụ lúa chính trong năm, giá thu mua thường giảm mạnh.
Lý giải điểm “bất thường” này, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre) cho rằng, đầu năm nay, các doanh nghiệp cho rằng tình hình thị trường đang rất ế ẩm, không có nhiều hợp đồng mới, hợp đồng gối đầu từ năm 2016 sang cũng không có… Do đó, việc tiêu thụ lúa đông xuân có thể sẽ rất khó khăn.
Tuy nhiên, khác với những dự báo trên, ngay đầu năm nay, nhu cầu nhập khẩu gạo tiểu ngạch của Trung Quốc đã tăng mạnh. Trong khi đó, vụ đông xuân năm nay muộn gần 2 tháng so với những năm trước, năng suất lúa cũng giảm mạnh do ảnh hưởng của thời tiết… khiến nguồn cung cho giao hàng có phần hạn chế. Do đó, đã đẩy giá thu mua trong nước tăng cao.
Với tình hình giá lúa ở mức có lãi cho nông dân như hiện nay, đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, chưa cần thiết phải có chương trình tạm trữ lúa đông xuân 2017.
Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp, việc tăng giá này không thực sự bền vững, đặc biệt trong tình hình các hợp đồng xuất khẩu gạo vào những thị trường truyền thống còn khá im ắng. Hơn nữa, Thái Lan cũng đang quyết tâm xả kho lúa gạo với giá thấp, ảnh hưởng tới thị trường lúa gạo chung toàn cầu.
Related news
Thời gian qua, nông dân trồng sầu riêng ở Đăk Lăk bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh tấn công khiến gần 500ha cây trồng này chết trụi.
Ông Nguyễn Tứ - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản TP.Đà Nẵng cho biết, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đặc biệt quan tâm
Năng suất kém, hiệu quả sản xuất thấp, tỉnh Đăk Lăk đã liên kết với các doanh nghiệp lớn xây dựng mô hình sản xuất cà phê chất lượng