Giá lợn hơi giảm mạnh, khó bán: Cần “bàn tay” đàm phán của Chính phủ
Trước tình trạng giá lợn hơi liên tiếp sụt giảm và ế ẩm, các chuyên gia cho rằng, đây là hệ quả của việc tăng quy mô đàn một cách tự phát, duy ý chí, khiến lượng cung quá lớn, trong khi đầu ra phụ thuộc vào xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Trước mắt, để tránh lỗ nặng cho nông dân, rất cần “bàn tay” đàm phán của Chính phủ tại các thị trường xuất khẩu.
Trong ảnh: Việc phát triển đàn lợn hiện nay vẫn phụ thuộc nhiều vào tâm lý, khả năng của người dân, doanh nghiệp.... Ảnh: T.L
Chấm dứt kiểu làm “ào ào”
Sáng 28.12, trao đổi với phóng viên NTNN về tình trạng giá lợn hơi giảm sâu, thậm chí có nơi hiện nông dân chỉ bán được với giá 27.000 – 28.000 đồng/kg, ông Đoàn Xuân Trúc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam phân tích, nguyên nhân chính khiến giá lợn hơi giảm mạnh, ế ẩm như hiện nay là do thị trường Trung Quốc gần như ngừng nhập khẩu.
“Lâu nay các trang trại chủ yếu nuôi lợn để bán cho thị trường Trung Quốc, vì vậy khi Trung Quốc dừng mua, đương nhiên thị trường lợn hơi trong nước sẽ bị chững lại, thậm chí “đóng băng”. Đó là hệ quả của việc làm ăn tiểu ngạch, sản xuất không theo nhu cầu, cuối cùng nông dân phải gánh chịu thiệt hại. Bây giờ có kêu gọi thị trường trong nước giải cứu cũng khó, vì nhu cầu người dân nước ta chỉ khoảng 2 triệu tấn thịt lợn/năm, trong khi tổng sản lượng thịt lợn năm nay lên tới 5,33 triệu tấn, ăn làm sao hết được” – ông Trúc nói.
Theo ông Trúc, thời gian qua nông dân chủ yếu nuôi lợn có trọng lượng lớn (lợn béo) để bán sang Trung Quốc, còn người tiêu dùng trong nước không thích ăn loại lợn này. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chưa hề có chính sách dự trữ sản phẩm thịt lợn giống như gạo, cà phê... “Bất cập đối với chăn nuôi lợn hầu như ai cũng đã nhìn thấy, song đến nay vẫn chưa có ngành chức năng nào vào cuộc xử lý rốt ráo, cũng như không thể điều tiết nổi lượng cung ra thị trường. Kể cả Bộ NNPTNT có ra “hạn ngạch” về đầu lợn cũng khó khả thi vì lâu nay hầu hết nông dân nuôi theo phong trào, còn tâm lý đám đông. Hễ thấy giá cao là ồ ạt tăng đàn, không cần biết khi lợn đến lứa sẽ bán cho ai” – ông Trúc cho hay.
Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Dabaco nhận định, nhà nước phải có quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, tạo điều kiện về mặt bằng, đất đai để đầu tư, xây dựng các cơ sở chăn nuôi tập trung gắn với thị trường tiêu thụ. Ông So nhận định: “Việc tiêu thụ của chúng ta còn phụ thuộc quá nhiều vào thương lái mua để bán sang Trung Quốc. Khi họ hết nhu cầu thì người chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề do sản phẩm bị ứ đọng”.
Chính vì vậy, ông So kiến nghị phải có thêm nhiều chính sách nữa cho chăn nuôi nông hộ, ví dụ như xúc tiến trích lập quỹ rủi ro cho người chăn nuôi trong các chuỗi liên kết (do các doanh nghiệp lớn đóng). Đồng thời, nên đầu tư xây dựng hệ thống kho đông lạnh đủ tiêu chuẩn bảo quản trữ đông, đồng thời có chính sách thu mua thực phẩm để dự trữ cho từng vùng, từng tỉnh khi giá thị trường xuống thấp.
Còn ông Trúc thì có quan điểm ngược lại. “Cách duy nhất hiện nay là phải giảm đàn lợn, chỉ sản xuất theo nhu cầu thị trường, chấm dứt cảnh làm ăn ào ào. Khi không có thị trường, không nắm bắt được tín hiệu từ thị trường thì nuôi nhiều làm gì? Ngành chức năng như Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương muốn chỉ đạo, điều tiết được thị trường đều phải nắm rõ lượng cung, lượng cầu; các địa phương có nghề chăn nuôi phát triển cũng phải nắm được điều đó. Một thực tế là lâu nay Hội Chăn nuôi chưa bao giờ nghe thấy các địa phương có phản ánh, báo cáo gì về tình hình chăn nuôi” – ông Trúc nói.
Đẩy mạnh đàm phán chính ngạch
Tại một cuộc họp với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi do Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì hồi tháng 10, ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, tính đến tháng 9, xuất khẩu tiểu ngạch thịt lợn hơi sang thị trường Trung Quốc vẫn trên đà tăng, đạt khoảng 350.000 tấn lợn hơi, giá trị đạt 875 triệu USD. Cục Chăn nuôi cũng dự báo hết năm 2016 xuất khẩu lợn hơi sang Trung Quốc sẽ đạt khoảng 500.000 tấn. “Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc thay đổi rất thất thường, do đó chúng ta cần phải có giải pháp an toàn hơn, cụ thể là giảm xuất khẩu tiểu ngạch, tăng chính ngạch. Nếu chúng ta làm tốt hơn có thể cung cấp được 2 triệu tấn thịt lợn hơi sang nước này” – ông Vân khẳng định.
Còn ông Lê Bá Lịch – Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam thì cho rằng, tất cả các nước muốn xuất khẩu được thực phẩm ra nước ngoài đều phải đạt được thỏa thuận về hiệp định thú y. Không có hiệp định thú y không làm được. “Vừa qua, tôi có trao đổi với anh Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương, được biết là chưa tìm được đường xuất khẩu thịt chính ngạch sang Trung Quốc. Nếu có một hiệp định thú y để xuất khẩu chính ngạch thì chăn nuôi mới bền vững và mới phát triển mạnh được. Còn để đáp ứng vào thị trường Nhật Bản, chúng ta còn phải phấn đấu nhiều hơn” – ông Lịch cho hay.
Về việc đàm phán xuất khẩu chính ngạch sản phẩm thịt lợn, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nói: “Đoàn của Thủ tướng Chính phủ trước khi đi Trung Quốc chúng tôi cũng kiến nghị đàm phán xuất khẩu chính ngạch 3 nhóm sản phẩm: Thịt lợn, sữa và rau quả. Hiện nay với 28 triệu con lợn thương phẩm, 4 triệu lợn bố mẹ, nếu ký chính thức mỗi năm chúng ta có thể xuất được từ 1-1,5 triệu tấn. Tới đây, Bộ NNPTNT sẽ cùng Bộ Công Thương bàn giải pháp kỹ thuật để tiến tới bàn bạc kỹ hơn với phía Trung Quốc”.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển lưu thông các sản phẩm chăn nuôi, Cục Chăn nuôi đã có đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm soát giao thông và lưu thông, hạn chế thấp nhất việc dừng xe chở vật nuôi sống trên đường, nhất là các xe chở lợn xuất khẩu đi xa từ phía Nam lên biên giới phía Bắc (mất gần 2 ngày 2 đêm/chuyến). Theo Cục Chăn nuôi, lợn vận chuyển trên đường chỉ được tắm nước và phải nhịn đói; qua biên giới lại tiếp tục đi đường bộ rồi mới cân đo, xác định khối lượng thanh toán, gây thua thiệt rất nhiều cho phía người chăn nuôi Việt Nam.
Related news
Thật phổ biến cho người làm vườn thủy canh mới để tập trung phát triển vào các khía cạnh dinh dưỡng trong khi hoàn toàn bỏ qua các khía cạnh quan trọng khác như
Mặc dù hầu hết các loại cây trồng có thể được trồng ở một số chất dẫn xuất của hệ thống thủy canh
Với việc chuyển đổi sang trồng ngô biến đổi gen không chỉ tăng thu nhập mà còn tiết kiệm chi phí, cải thiện sức khỏe và giảm thiểu tác động tới môi trường.