Giá gạo xuất khẩu cao nhất trong gần 3 năm qua
Trong mấy tuần qua, giá gạo XK tăng liên tục và hiện đã ở mức cao nhất từ cuối năm 2014 trở lại đây. Nhiều nước trong khu vực đang quay lại NK gạo Việt Nam.
XK gạo qua cảng Sài Gòn
Theo Bộ Công thương, giá gạo XK của Việt Nam đang liên tục tăng lên. Những ngày đầu tháng 6, giá gạo XK loại 5% tấm (giá FOB) là 390 USD/tấn, tăng so với mức 360 - 380 USD/tấn hồi cuối tháng 5. Đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 12/2014.
Giá gạo XK tăng liên tục, trước hết là nhờ nhu cầu đang gia tăng trên thị trường thế giới, nhất là từ những nước NK gạo ở khu vực châu Á. Việc Bangladesh đang cần NK gạo số lượng lớn đề bù đắp khoảng 700.000 tấn lúa gạo bị hư hỏng do lũ lụt và Philippines đã chính thức quyết định NK 250 ngàn tấn gạo trong cuối tháng 6 hoặc tháng 7, đã làm nóng thị trường gạo thế giới, đặc biệt là tại các nước XK chính gồm Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ.
Thông tin từ các doanh nhân ngành gạo cho hay, ngay sau khi ký kết Bản ghi nhớ thương mại gạo với Việt Nam, Bangladesh đã yêu cầu mua ngay 200.000 tấn gạo, trong đó có 25.000 tấn gạo đồ, thời hạn giao hàng trong vòng 45 ngày. Tuy nhiên, có một điều đáng tiếc là ở Việt Nam, hiện chỉ có 1 nhà máy chế biến gạo đồ đang hoạt động, nhưng lại không có đủ khả năng chế biến được 25.000 tấn gạo đồ trong thời gian như trên. Song song với việc hỏi mua gạo của Việt Nam, Bangladesh cũng hỏi mua 500.000 tấn gạo trắng và gạo đồ của Thái Lan, nhưng Thái Lan cũng khó có khả năng đáp ứng nhu cầu gạo đồ của Bangladesh do không còn lúa để sản xuất loại gạo này.
Philippines không chỉ đang chuẩn bị mở thầu NK 250.000 tấn gạo, mà còn cần nhiều hơn thế. Để đáp ứng nhu cầu từ nay đến cuối năm và gối đầu cho quý I/2018, Philippines dự kiến sẽ phải NK tối thiểu 1,5 - 1,6 triệu tấn gạo.
Một thông tin đáng chú ý là một số nước khác trong khu vực cũng đang quay trở lại NK gạo. Mới đây, Malaysia đã quay lại mua của Việt Nam 40.000 tấn gạo và đang mua thêm 80.000 tấn. Indonesia cũng đang dự tính có thể NK gạo trở lại. Nhu cầu NK gạo từ 2 thị trường rất quan trọng khác là Trung Quốc và châu Phi vẫn đang có xu hướng tăng lên.
Trong khi nhu cầu thế giới tăng cao, thì nguồn cung lại đang hạn chế, thậm chí được nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng đang vào thời điểm cạn kiệt. Tại Hội nghị lúa gạo Thái Lan với chủ đề “Triển vọng thương mại gạo thế giới”, diễn ra tại Bangkok ngày 29/5 vừa rồi, ông Jeremy Zwinger (Giám đốc điều hành của Rice Trader), cho rằng, nguồn cung gạo toàn cầu đang bị thắt chặt lại, kể cả kho gạo tồn trữ của Thái Lan vốn dồi dào trước đây, giờ đã giảm rất nhiều.
Cụ thể, ở Thái Lan, đến tháng 5, tồn kho gạo vụ cũ chỉ còn 4,32 triệu tấn. Trong đó, chỉ có 1,82 triệu tấn là còn sử dụng được cho con người, còn lại 2,5 triệu tấn là gạo đã quá cũ, chỉ có thể dùng làm thức ăn gia súc và sản xuất năng lượng. Hồi cuối tháng 5, Thái Lan đã tổ chức đấu thầu bán hết 1,82 triệu tấn gạo tồn kho còn dùng được cho con người. Phải đến tháng 9, Thái Lan mới thu hoạch vụ mùa với sản lượng ước tính 3 triệu tấn lúa và đến tháng 11 mới thu hoạch vụ chính. Thành ra, khả năng bán gạo của Thái Lan trong vài tháng tới sẽ bị hạn chế khá nhiều.
Ở Việt Nam, lượng gạo tồn kho của các DN hiện không còn nhiều và đại đa số đã có hợp đồng XK sang Trung Quốc. Đến tháng 8, Việt Nam mới bước vào thu hoạch lúa hè thu chính vụ. Nguồn cung của Ấn Độ cũng đang hạn chế, khiến cho nước này gặp khó khăn trong việc đáp ứng các hợp đồng lớn trong thời gian từ nay cho đến khi bước vào vụ thu hoạch tới.
Nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung hạn chế, đang khiến cho giá gạo XK của nhiều nước tăng liên tục. Đến đầu tháng 6, gạo 5% tấm của Thái Lan đã ở mức 430 USD/tấn, là mức cao nhất trong gần 1 năm qua. Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ cũng đã tăng lên ở mức 413 - 416 USD/tấn …
Theo nhận định của các chuyên gia gạo quốc tế tham gia Hội nghị lúa gạo Thái Lan, giá gạo trên thị trường thế giới sẽ còn tăng khoảng 20 USD/tấn trong 3 tháng tới.
Riêng ở Việt Nam, nhận thấy nhu cầu XK đang tăng trong khi nguồn cung hạn hẹp, nhiều DN đang chủ động trữ gạo lại, chưa vội bán ra, với hy vọng giá gạo XK loại 5% tấm sẽ còn tăng lên nữa, ít nhất là 400 USD/tấn. Một số doanh nhân ngành gạo cũng cho rằng các DN không nên vội bán đón đầu khi thấy giá gạo tăng để tránh thiệt hại. Bởi thực tế vừa rồi, nhiều DN đã bị thiệt hại không nhỏ khi vội ký hợp đồng XK khi giá còn chưa lên cao.
Do giá gạo XK tăng liên tục, giá lúa gạo hàng hóa loại chất lượng cao ở ĐBSCL đã tăng lên đáng kể. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đầu tháng 6, giá lúa khô hạt dài 5.650 - 5.750 đ/kg; giá gạo nguyên liệu loại 1 (làm gạo 5% tấm) ở mức 7.000 - 7.100 đ/kg; gạo thành phẩm 5% tấm (không bao bì, tại mạn tàu) từ 7650 - 7.750 đ/kg. So với hồi đầu tháng 5, giá lúa khô hạt dài đã tăng 250 đ/kg, gạo nguyên liệu loại 1 tăng 550 đ/kg, gạo thành phẩm 5% tấm tăng 550 đ/kg.
Related news
Chăn nuôi theo mô hình liên kết chuỗi giá trị hiện đang còn rất mới mẻ, nhưng đó là con đường tất yếu để chăn nuôi Yên Bái không rơi vào thảm cảnh như hiện nay
Vụ xuân 2017, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đưa vào sản xuất 11 cánh đồng lớn tại 8 xã với tổng diện tích 140ha, trong đó có 55ha sản xuất theo kỹ thuật cải tiến
Có một giống gà đặc hữu, quý hiếm không kém ở Hòa Bình mới được các nhà khoa học phát hiện, đó là gà Lạc Thủy.