Giá Gà “Lao Dốc”, Người Nuôi Lỗ Nặng
Trong 2 tháng trở lại đây, giá gà thịt, gà giống trên địa bàn Bình Định liên tục giảm mạnh làm cho người chăn nuôi bị thua lỗ nặng. Nhiều trang trại, gia trại phải bỏ trống chuồng nuôi vì không còn vốn để tái đàn...
Giá gà “lao dốc” từng ngày
Ông Bùi Văn Tám - người chăn nuôi gà nhiều năm ở thôn Công Chánh, thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) than thở: “Tôi nuôi gà đã hơn 15 năm nay nhưng chưa bao giờ thấy giá gà hạ thấp như bây giờ. Trong 10 ngày gần đây, tôi xuất 3 lứa gà Lương Phượng, đợt đầu còn bán được giá 40.000 đồng/kg, đợt sau tuột xuống còn 38.000 đồng/kg, đợt mới xuất ngày 2.6 vừa qua giá gà chỉ còn 36.000 đồng/kg”.
Theo khảo sát, không chỉ gà Lương Phượng mà giá gà ta thả vườn cũng giảm mạnh trong thời gian gần đây, từ 85.000 đồng hiện chỉ còn 52.000 đồng/kg. Gà siêu thịt lông trắng hiện giá chỉ còn từ 16.000 - 18.000 đồng/kg, giảm một nửa so với trước đây vài tháng. Với mức giá này, người chăn nuôi đang phải chịu lỗ ở mức từ 10.000 - 20.000 đồng/kg gà.
Giá các loại gà thịt giảm mạnh làm cho nhiều trang trại, gia trại không tiếp tục nhập gà giống để nuôi tái đàn, làm cho giá gà giống cũng rơi vào cảnh ế ẩm và giá giống cũng tuột gần một nửa. Gà giống thả vườn từ 22.000 đồng/con hiện chỉ còn 12.000 đồng/con; giá gà Lương Phượng từ 13.500 đồng/con hạ còn 6.000 đồng/con.
Ông Cao Văn Khanh - Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (huyện Tuy Phước) cho biết: “Với năng lực sản xuất giống mỗi ngày cho ra lò từ 15.000 - 20.000 con gà giống, mỗi ngày cơ sở đang phải gánh lỗ từ 60-80 triệu đồng”.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Đưa chúng tôi đi thăm 3 dãy chuồng gà giờ đang bỏ trống, anh Bùi Văn Tám cho biết thêm: “Giá gà thời điểm này xuống quá thấp, càng nuôi càng lỗ nên tôi không dám thả tiếp, đành để trống chuồng một thời gian xem thị trường có khởi sắc trở lại hay không”.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại các địa phương có phong trào chăn nuôi mạnh như Tuy Phước, thị xã An Nhơn, Phù Cát, dù giá gà đã giảm mạnh nhưng đầu ra vẫn rất khó khăn. Người nuôi gà không những bị lỗ vì giá bán giảm mà còn bị thương lái ép giá...
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định cho biết: Để chia sẻ một phần khó khăn đối với người chăn nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh đã tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia cầm, hỗ trợ việc tiêm phòng các loại dịch bệnh nguy hiểm, thường xuyên tiêu độc sát trùng chuồng trại...
Về giải pháp căn cơ và lâu dài, ông Hổ đề xuất, Bộ NNPTNT cần có biện pháp cơ cấu lại ngành chăn nuôi gà, tiến hành quy hoạch lại các khu chăn nuôi tập trung, áp dụng các tiến bộ KHKT, chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học, đảm bảo sản phẩm chăn nuôi sạch bệnh. Các bộ ngành chức năng, cần tăng cường công tác dự báo thông tin thị trường, tăng cường việc kiểm soát gia cầm nhập lậu, kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm...
Theo tính toán của người chăn nuôi, nếu bây giờ thả gà giống, lứa gà xuất chuồng sẽ rơi vào tháng 7 âm lịch, đây là thời điểm người dân ăn chay nhiều, đầu ra của gà thịt sẽ rất khó khăn. Do đó, khả năng giá gà thịt sẽ tiếp tục ở mức thấp, vì thế, hầu hết các trang trại, gia trại chẳng mấy ai dám tái đàn.
Có thể bạn quan tâm
Một trong hàng chục nông dân nuôi dê có hiệu quả kinh tế cao ở xã Thạch Cẩm, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa phải kể đến ông Quách Ngọc Điền, ở thôn Xuân Tiến. Năm 2006, ông mua 5 cặp dê giống về nuôi.
Ngành chăn nuôi tỉnh ta trong nhiều năm qua mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung kết quả đạt được khá khả quan.
Ngày 30/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GAP”. Theo đánh giá của Cục Trồng trọt, với trình độ thâm canh cao và khả năng ứng dụng các giải pháp tiên tiến vào quá trình sản xuất như: IPM, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”… nông dân ĐBSCL hoàn toàn có đủ khả năng tiến tới sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Global GAP, Viet GAP. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là chưa tìm được thị trường tiêu thụ cho sản phẩm lúa gạo sản xuất theo quy trình GAP.