Gặp Ngư Dân Đầu Tiên Của Nghề Nuôi Cá Da Trơn
LTS: Hàng chục năm trước, những ngư dân vùng đầu nguồn An Giang đã gầy dựng nên nghề nuôi cá da trơn. Cũng từ đó, tiếng tăm con cá tra, cá ba sa vang xa và trở thành sản phẩm xuất khẩu chiến lược của quốc gia.
Tuy nhiên, trải qua nhiều năm ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới và khu vực, giá cá tra bấp bênh đẩy ngư dân vào cảnh lao đao. Đã đến lúc, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách quản lý chặt đối với nghề nuôi và chế biến, xuất khẩu, đồng thời cần thiết lập chuỗi liên kết để phục hồi sản phẩm chủ lực của An Giang.
Khai thác nguồn cá tự nhiên để nuôi
Ngược dòng sông Hậu, chúng tôi tìm về làng bè nổi TP. Châu Đốc. Vài chục năm trước, Châu Đốc được mệnh danh là “thủ phủ” của nghề nuôi cá da trơn. Nhìn tượng đài cá ba sa sừng sững tại ngã ba sông, như chứng minh sự trù phú về sản vật của vùng đất Châu Đốc. Hiện nay, con nước lũ đầu nguồn đang lên mạnh cũng chính là thời điểm các ngư dân nơi đây đẩy mạnh nghề nuôi thủy sản.
Những năm gần đây, nghề nuôi cá trong lồng bè dọc theo sông Hậu, đặc biệt là vùng Châu Đốc từng bước hồi sinh trở lại. Gặp ông Lưu Văn Mến (60 tuổi) đang nổ máy xoay cám cho cá ba sa ăn. Ở tuổi lục tuần, cũng ngần ấy thời gian ông Mến trải qua biết bao thăng trầm với nghề nuôi cá bè. Ông nói, nghề nuôi cá trong lồng bè đã gắn chặt với cuộc sống gia đình ông. Nó như ăn vào huyết quản của ông vậy.
Tạm gác lại chuyện cho cá ăn, rồi ông Mến kể về sự thăng trầm của nghề này. Ngày trước, nghề nuôi cá trong lồng bè được ông Mến học lại từ những thương hồ sống trên Biển Hồ Campuchia. “Tôi là dân Việt kiều Campuchia. Hồi đó, bà con mình lên đó sinh sống, làm ăn, khai thác đánh bắt thủy sản rồi “ngụ cư” trên Biển Hồ. Cá bắt được quá nhiều, họ nghĩ ra cách đóng lồng bằng tre để rọng cá. Hằng ngày, để cá sống, họ mang cơm, thức ăn thừa cho ăn.
Dần dà, cá lớn nhanh và nghề nuôi cá trong lồng bè hình thành từ đó” - ông Mến nói. Sau năm 1970, ông Mến cùng gia đình xuôi dòng sông Mê Kông trở về đất mẹ, rồi mang theo cái nghề nuôi cá trong lồng bè về ứng dụng tại xã giáp biên Khánh Bình (An Phú). Ông kể tiếp: “Năm 1972, tôi bán 3 cây vàng để lên Campuchia mua gỗ căm xe, cà chắc về đóng chiếc bè đầu tiên có diện tích 6m x 12m, rồi mua cá basa giống thả nuôi. Hồi ấy, cá giống chủ yếu khai thác ngoài tự nhiên, chứ chưa ương được.
Vào mùa nước nổi, tôi làm nghề lưới giựt kiếm nguồn cá linh, cá tạp đem về nấu trộn với tấm, cám cho cá ba sa ăn. Không ngờ cá lớn nhanh, sau một năm tôi xuất bán, thương lái miệt Châu Đốc lên tận nơi cân, người dân trong xóm xuống xem đông chật cả khúc sông. Thấy mình nuôi kiếm sống được, người dân gần đó bắt chước đi cưa gỗ đóng bè nuôi cá basa”.
Chuyển sang nuôi cá tra
Về sau, ông Mến di dời bè cá về nằm cặp bờ sông Châu Đốc, khoảng vài năm sau thì những người xung quanh cũng đóng bè nuôi cá ngày càng nhiều. Từ đó, hình thành làng bè nuôi cá nổi tiếng, mỗi lần khách du lịch nước ngoài về Châu Đốc đều ghé tham quan. Ông Mến nhớ lại: “Lúc đó, ông bảy Châu thấy tôi nuôi cá trúng liên tục, ổng lên tận Campuchia mua một chiếc bè đem về neo đậu cạnh bè của tôi. Sau một năm nuôi cá, ổng cũng trúng và đóng thêm 3 chiếc bè nữa.
Thấy vậy mình đầu tư đóng thêm 2 bè nữa. Lúc đó, cá ba sa hút hàng, giá cả tăng vọt lên 18.000 đồng/kg mà không đủ nguồn cung. Tôi và ông Suồn đưa con cá tra vào nuôi bè thử nghiệm để thay thế cá basa. Nhưng không ngờ, thịt con cá tra nuôi bè trắng không thua thịt con cá basa. Năm đó, bè cá của tôi đạt sản lượng gần 100 tấn, bán giá 18.000 đồng/kg, kiếm lời hơn 500 triệu đồng”.
Cũng từ đó, nhiều người ồ ạt đóng bè nuôi cá tra, những tưởng nghề nuôi cá ổn định, nào ngờ đến năm 2000, giá cá từ 18.000 đồng/kg xuống còn 10.000 đồng/kg làm ngư dân điêu đứng. Tuy nhiên, đến năm 2004, số lượng bè không chỉ ở Châu Đốc mà ở các huyện, thị ven sông Hậu, sông Tiền cũng tăng lên rất mạnh.
Lúc này, lại xuất hiện tin đồn “con cá tra bị si đa” nên chẳng ai dám ăn, một lần nữa con cá tra bị ách tắc đầu ra và người nuôi lâm vào cảnh khốn đốn, nợ nần chồng chất. Hàng loạt chiếc bè gỗ đầu tư bạc tỷ vậy mà phải bỏ không. Có người phá sản, không còn vốn để tái đầu tư nên đành phải tháo bè chuyển sang làm nghề khác. “Con cá tra có đặc tính dễ nuôi. Một năm có thể nuôi được 2 vụ.
Hai bè cá tra của tôi một năm xuất bán khoảng 200 tấn. Thời điểm lúc bấy giờ, giá cám chỉ 900 đồng/kg nên ngư dân chủ yếu trộn cám độn với hèm hoặc bột cá chứ chưa cho ăn cá biển, vậy mà cá lớn nhanh như thổi. Thế nhưng, dần dà về sau, nguồn nước bị ô nhiễm, nhất là vào mùa nước nổi cá chết nổi lừ bè. Sau đó, nhiều ngư dân đã tháo bè lên bờ mua đất đào hầm”, ông Mến cho biết.
Từ phong trào nuôi cá bè rầm rộ, chẳng lâu, ngư dân đã lên bờ mua đất đào ao, hầm thả cá tra ao, những tưởng sẽ đổi đời, nhưng kết quả không phải vậy.
Related news
Ngày 29/2, ông Hồ Văn Ngưm - Trưởng phòng NN-PTNT huyện A Lưới (TT- Huế) cho biết, vài tháng trở lại đây khoảng hơn 40 ha cao su của hàng chục hộ dân ở xã A Roàng bị loài thú lạ về cắn phá gây chết cây trên diện rộng.
Trong những năm gần đây, phong trào trồng xen cây cacao trong vườn dừa, vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện Bình Đại, theo dự án phát triển 10.000 ha cacao của tỉnh Bến Tre, được nhiều nông dân hưởng ứng. Ông Phạm Văn Răng, ở ấp Vinh Xương, xã Vang Quới Đông (Bình Đại - Bến Tre) đã trồng thành công cây cacao trên vùng đất phù sa nhiễm mặn cách đây 3 năm.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm chiều ngày 24/4, tại Hà Nội, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y nhấn mạnh dịch lợn tai xanh đang có nguy cơ lan ra diện rộng, vì vậy các địa phương cần cảnh giác phòng chống dịch bệnh hiệu quả.