Giá / Tin thủy sản

EU tài trợ 2,5 triệu euro phát triển chuỗi giá trị tôm Việt Nam

EU tài trợ 2,5 triệu euro phát triển chuỗi giá trị tôm Việt Nam
Tác giả: Trung Chánh
Ngày đăng: 26/05/2016

Dự án trên do tổ chức Oxfam, Trung tâm hợp tác quốc tế về môi trường và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) thuộc Hội nghề cá Việt Nam triển khai thực hiện.

Tại hội thảo “Khởi động phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững-công bằng tại Việt Nam” được tổ chức ở thành phố Cần Thơ vào hôm nay, 25-5, bà Hoa của Oxfam cho biết dự án nêu trên được triển khai từ tháng 3-2016 và dự kiến kết thúc vào tháng 2-2020 tại ba tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), gồm Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Theo bà Hoa, tôm là một trong những ngành có tốc độ phát triển cao nhất trong ngành thủy sản Việt Nam với mức tăng bình quân đạt 8,8%/năm trong vòng một thập kỷ qua và chiếm đến khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thủy sản.

Hoạt động sản xuất tôm tạo nguồn thu nhập cho khoảng 1 triệu người, trong đó có 80% là người nuôi có quy mô nhỏ và tạo công ăn việc làm cho trên 3 triệu người lao động trong các nhà máy chế biến, các ngành thương mại dịch vụ liên quan.

Tuy nhiên, theo bà Hoa, sự bùng nổ sản xuất tôm một cách tự phát, thiếu quy hoạch trong những năm qua đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, xã hội và làm hệ sinh thái rừng ngập mặn bị tàn phá, nguồn nước bị ô nhiễm, nguồn lợi thủy sản dần bị cạn kiệt. “Nó còn làm ô nhiễm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của cộng đồng, tạo ra mâu thuẫn lợi ích trong việc chia sẻ các nguồn tài nguyên thiên nhiên có ảnh hưởng đến sinh kế của người dân”, bà Hoa cho biết.

Mặt khác, theo bà Hoa, sự bùng nổ sản xuất tôm tự phát cũng chính là nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh bùng phát như thời gian gần đây, khiến những người nuôi tôm và cả doanh nghiệp chế biến bị thiệt hại nặng nề.

Chính vì vậy, theo bà Hoa, dự án nêu trên sẽ giúp giải quyết những thách thức được nêu ra và thúc đẩy giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế Việt Nam. “Thông qua việc cải thiện các tác động tới môi trường, xã hội từ quá trình nuôi trồng, sản xuất và chế biến tôm, dự án nhằm giải quyết được những vấn đề được nêu ra”, bà cho biết.

Tuy nhiên, tại hội thảo một số đại biểu tỏ ra băn khoăn về hiệu quả của những mô hình liên kết chuỗi giá trị tôm đã được triển khai thời gian qua tại Việt Nam.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú, thừa nhận giữa đơn vị ông và nông dân nuôi tôm từng ký hợp đồng liên kết chuỗi giá trị, “nhưng hiện nay các liên kết này chỉ là hình thức thôi”, ông nói.

Theo ông Quang, mức độ thành công trong nuôi tôm ở Việt Nam thấp, chỉ đạt 30%, thậm chí có thông tin cho biết chỉ 10% và chính vì rủi ro quá cao như vậy nên hợp đồng liên kết chuỗi bị phá vỡ do doanh nghiệp ngại đầu tư.

Để tôm không bị thiệt hại lớn, giúp liên kết chuỗi thành công, theo ông Quang, có thể áp dụng hai hình thức nuôi, đó là nuôi tôm kháng bệnh giống như mô hình của Ecuador thực hiện thành công trong 15 năm nay; và hình thức nuôi với mật số thấp. “Điều này cũng đã được chứng minh ở Việt Nam rồi, nuôi quảng canh mật số thấp thu hoạch rất tốt, còn nuôi công nghiệp mật số dày thì rất khó khăn”, ông dẫn chứng.

Điều quan trong nhất, theo ông Quang, là phải làm sao cho nông dân thấy tham gia vào chuỗi giá trị này được lợi hơn, thì họ mới quan tâm tham gia, chứ tham gia vào mà không được lợi gì, thậm chí giá bán sản phẩm còn thấp hơn bán cho đại lý bên ngoài như lời của ông Ngô Công Luận, Giám đốc Hợp tác xã 14-10 của Sóc Trăng, thì chẳng có nông dân nào mặn mà cả.


Có thể bạn quan tâm

Giá cá sấu bằng 1/3 cùng kỳ, người nuôi thua lỗ Giá cá sấu bằng 1/3 cùng kỳ, người nuôi thua lỗ

Thời điểm này năm 2015, giá cá sấu thịt được thương lái thu mua với giá 250.000 đồng/kg. Hiện nay, tại các tỉnh ĐBSCL giá cá sấu chỉ trên dưới 90.000 đồng/kg.

26/05/2016
Nguồn nước mặn khiến cá chết hàng loạt Nguồn nước mặn khiến cá chết hàng loạt

Cá nuôi ở mật độ dày, độ mặn trên sông Tiền không ổn định làm môi trường nước thay đổi bất thường, dẫn đến cá bị sốc, chết hàng loạt.

26/05/2016
Phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản Phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản

Từ ngày 01/7/2016, việc phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản được thực hiện theo quy định tại Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới ban hành.

26/05/2016