Giá / Tin thủy sản

Phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản

Phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản
Tác giả: Lan Phương
Ngày đăng: 25/05/2016

Nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh động vật thuỷ sản là phòng bệnh là chính, bao gồm giám sát mầm bệnh chủ động, quan trắc môi trường, thu thập thông tin bệnh, thông tin hoạt động nuôi trồng thủy sản kết hợp với thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn chủ cơ sở nuôi chủ động thực hiện phòng, chống dịch bệnh.

Các hoạt động phòng, chống dịch bệnh động vật thuỷ sản phải bảo đảm chủ động, tích cực, kịp thời và hiệu quả. Phòng, chống dịch bệnh động vật thuỷ sản là trách nhiệm của tổ chức, chủ cơ sở nuôi, người buôn bán, vận chuyển, sơ chế, chế biến thủy sản; cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả.

Thông tin, dữ liệu dịch bệnh động vật thuỷ sản phải được ghi chép, quản lý, phân tích và báo cáo kịp thời, chính xác và đầy đủ theo hướng dẫn của Cục Thú y; thông tin, dữ liệu nuôi động vật thủy sản và quan trắc môi trường được thực hiện theo hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản.

Về phòng bệnh đối với các cơ sở sản xuất giống, cơ sở thu gom, ương, dưỡng, kinh doanh và nuôi trồng thủy sản, Thông tư nêu rõ thiết kế cơ sở đảm bảo các hoạt động vệ sinh, khử trùng, khoanh vùng và xử lý khi dịch bệnh xảy ra thuận lợi, hiệu quả. Nguồn nước phải được xử lý mầm bệnh, kiểm soát các yếu tố môi trường, bảo đảm đủ điều kiện vệ sinh thú y trước khi đưa vào sản xuất; nước thải, chất thải phải xử lý đạt yêu cầu theo quy định trước khi xả thải.

Sử dụng giống thủy sản phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, đảm bảo an toàn dịch bệnh và đáp ứng các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về giống thủy sản; Giống thủy sản từ cơ sở sản xuất ngoài tỉnh, nhập khẩu phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch; kiểm tra chất lượng theo quy định. Trường hợp sử dụng thức ăn tự chế, thức ăn tươi sống phải đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường.

Chống dịch bệnh

Thông tư nêu rõ chủ cơ sở nuôi, người phát hiện động vật thủy sản mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, chết do bệnh hoặc chết nhiều không rõ nguyên nhân hoặc chết do môi trường, thời tiết có trách nhiệm báo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Về xử lý ổ dịch bệnh động vật thuỷ sản, chủ cơ sở nuôi thực hiện xử lý động vật thủy sản mắc bệnh bằng một trong các hình thức sau: Thu hoạch động vật thủy sản mắc bệnh đối với động vật thủy sản đạt kích cỡ thương phẩm, có thể sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi hoặc các mục đích khác; chữa bệnh động vật thuỷ sản đối với động vật thủy sản mắc bệnh được cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản xác định có thể điều trị và chủ cơ sở nuôi có nhu cầu điều trị động vật thủy sản mắc bệnh; tiêu hủy động vật thủy sản mắc bệnh đối với động vật thủy sản mắc bệnh không thuộc quy định trên.

Đối với chữa bệnh động vật thuỷ sản, nguyên tắc chữa bệnh động vật thuỷ sản là chỉ chữa bệnh đối với những bệnh có phác đồ điều trị, động vật thủy sản bị bệnh có khả năng được chữa khỏi bệnh và đã xác định được bệnh.

Trách nhiệm của chủ cơ sở nuôi là chỉ sử dụng các loại thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học có trong Danh mục thuốc thú y dùng trong thú y thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam, đồng thời sử dụng đúng liều lượng của thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất, cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản; ghi chép quá trình sử dụng các loại sản phẩm này.

Nhân viên thú y xã, thú y tư nhân có trách nhiệm chữa bệnh động vật thuỷ sản theo hướng dẫn của Chi cục Thú y, Cục Thú y; chỉ sử dụng các loại thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học có trong Danh mục thuốc thú y dùng trong thú y thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016.


Có thể bạn quan tâm

An Giang ùn ùn đào ao nuôi cá, hệ lụy khó lường An Giang ùn ùn đào ao nuôi cá, hệ lụy khó lường

Cách đây hơn 2 năm, báo An Giang đã phản ánh tình trạng hàng trăm nông dân ở xã Khánh Hòa (Châu Phú) và Hòa Lạc (Phú Tân) ồ ạt đào đất ruộng để ương cá lóc giống, mong làm giàu. Ngay sau đó, thị trường cá lóc bị ứ đọng, do cung vượt cầu, giá cá lao dốc không phanh. Hàng loạt nông dân đã nhận trái đắng thua lỗ, rồi san lấp hầm. Và nay, viễn cảnh ấy đã lặp lại…

25/05/2016
Giá cá sấu bằng 1/3 cùng kỳ, người nuôi thua lỗ Giá cá sấu bằng 1/3 cùng kỳ, người nuôi thua lỗ

Thời điểm này năm 2015, giá cá sấu thịt được thương lái thu mua với giá 250.000 đồng/kg. Hiện nay, tại các tỉnh ĐBSCL giá cá sấu chỉ trên dưới 90.000 đồng/kg.

25/05/2016
Nguồn nước mặn khiến cá chết hàng loạt Nguồn nước mặn khiến cá chết hàng loạt

Cá nuôi ở mật độ dày, độ mặn trên sông Tiền không ổn định làm môi trường nước thay đổi bất thường, dẫn đến cá bị sốc, chết hàng loạt.

25/05/2016