Đưa Khoa Học Lên Đồng Ruộng
Anh Mai Công Quốc ở ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, đã trải nghiệm vụ mùa 2012 gần 50 loại giống lúa chịu mặn trên đất nuôi tôm với năng suất cao. Anh góp phần rất lớn cho Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, Viện lúa đbscl chọn ra giống lúa chịu mặn, đáp ứng nhu cầu sản xuất tại địa phương.
Nhiều hộ nông dân trong tỉnh thử trồng trên đất nuôi tôm nhiều giống lúa có khả năng chịu mặn cao nhưng đa số không thành công. Nguyên nhân này được các nhà khoa học nhận định là do đặc điểm địa lý, thổ nhưỡng của vùng đất bị nhiễm mặn và độ phèn cao. Điều này làm cho cây lúa trên đất lúa - tôm chưa đạt năng suất cao như vùng ngọt hoá.
Với lòng đam mê sản xuất lúa và đặc biệt là chịu khó tìm tòi những giống mới cho đồng ruộng của mình, năm 2010, anh Mai Công Quốc đến Trạm Bảo vệ thực vật huyện Cái Nước tìm được giống lúa chịu mặn Bio.
Thấy lúa cho năng suất cao nên các công ty giống liên kết với anh cung cấp giống để sản xuất thử nghiệm. Trong năm đó, 10 giống lúa sản xuất thử đều sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất trên 6 tấn/ha.
Năm 2011, anh Quốc nghe tin có giống BT1 ngon cơm, ngắn ngày và chịu mặn được 5‰ nên mua về sản xuất. Nhưng do triều cường dâng cao, nước mặn thấm vào vượt ngưỡng cho phép nên năng suất của các giống lúa trên thấp.
Không nản lòng, năm 2012, anh tiếp nhận của Viện lúa ĐBSCL 28 loại giống, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh 2 loại giống, Công ty Giống miền Nam 19 loại giống về sản xuất thử nghiệm với độ mặn 10‰ để kiểm nghiệm lại đặc tính giống lúa được công bố.
Trong 49 giống lúa được anh Quốc sản xuất có trên 20 giống mà Cà Mau chưa có, số còn lại đang trong giai đoạn khảo nghiệm và nghiên cứu. Theo anh Quốc, nhiều hộ dân trong ấp rất “mê” những loại giống của anh đang sản xuất.
Không những có kinh nghiệm trồng lúa trên đất nuôi tôm, anh Mai Công Quốc còn tận dụng tối đa diện tích đất trên bờ vuông trồng hoa màu. Năm 2012, anh thu hoạch vụ dưa hấu, bí đỏ, bắp được trên 13 triệu đồng; vụ tôm nuôi gần 20 triệu đồng.
Hiện tại, dưới vuông còn 5.000 con cua sắp thu hoạch, ước trên 50 triệu đồng và trên 150 kg cá bống tượng đạt trọng lượng cá thương phẩm, khoảng 60 triệu đồng. 5 năm liên tiếp anh được công nhận nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện.
Ông Phạm Văn Mịch, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp, nhận định, anh Quốc là người đầu tiên trả lời cho câu lúa sỏi có sản xuất được trên vùng đất lúa - tôm Cà Mau hay không. Từ đó làm cơ sở để so sánh với các giống khác trên cùng điều kiện về thời tiết, đất đai và điều kiện chịu mặn.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Huê, Trưởng bộ môn Khảo nghiệm Viện lúa ĐBSCL, trần tình: “Anh Quốc đã giúp cho Viện thu được kết quả nghiên cứu tốt hơn, chính xác hơn cho việc tuyển chọn những giống lúa mới đạt chất lượng, năng suất, thích nghi và chịu mặn cao trên vùng đất lúa - tôm”.
Related news
Xưa nay, nhiều hộ có ao ở ấp 6, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) chỉ nuôi cá tạp. Gần đây, một số nông dân trong ấp đã chuyển sang nuôi cá chép Nhật đem lại hiệu quả khá cao.
Hiện nay, nông dân ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) đang thu hoạch ớt. Sản lượng ớt năm nay tăng cao nên nhiều nông dân rất vui mừng, phấn khởi.
Chuyện nghiên cứu lai tạo thành công các giống lúa mới hiện nay không phải là hiếm, nhưng một người dân ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang) nghiên cứu lai tạo thành công nhiều giống lúa đạt chuẩn được xem là một tâm điểm thu hút sự chú ý của giới nông dân và các nhà khoa học. Người chúng tôi muốn nói đến là ông Phan Văn Oanh (Mười Oanh), ở ấp Bình Thuận, xã Long Bình.